Nếu như 2013 là một năm của màn hình smartphone Full HD, nơi mà độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel trở thành tiêu chuẩn cần có của các dòng máy cao cấp, năm 2014 sẽ mang đến cho người dùng những thay đổi nào ở phương diện màn hình?
Tiếp nối Full HD, độ phân giải “khủng” 1440p sẽ xuất hiện
Mẫu màn hình độ phân giải 1440p do Japan Display phát triển.
Nếu bạn có mua một thiết bị smartphone cao cấp của năm 2013 hoặc một chiếc TV tiên tiến trong vòng vài năm trở lại đây thì có lẽ bạn đã khá quen thuộc với độ phân giải Full HD (hoặc 1.920 x 1.080) và đã trải nghiệm đầy đủ chất lượng hình ảnh tuyệt vời nó mang lại. Tuy nhiên, cuộc cách mạng màn hình smartphone sẽ không dừng lại tại đây khi năm tới độ phân giải 2.560 x 1.440 (1440p) sẽ dần trở nên phổ biến. Theo đó, tùy thuộc vào mỗi kích cỡ màn hình mà mật độ điểm ảnh có thể thay đổi khi một thiết bị được trang bị loại màn hình công nghệ mới này. Cụ thể, giả sử với chiếc Samsung Galaxy S4 màn hình 5 inch ở độ phân giải 1080p sẽ có mật độ điểm ảnh là 441 PPI thì con số này sẽ tăng lên tới 543 PPI khi độ phân giải màn hình đạt mức 1440p. Ở mức độ này, mắt người dùng sẽ gần như không thể nhìn thấy bất cứ điểm ảnh nào trên màn hình.
Nếu bạn vẫn còn chưa tin tưởng vào tương lai khi màn hình 1440p trở nên phổ biến trên các dòng smartphone thì đã đến lúc bạn cần nghĩ lại. Hiện nay, rất nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu tiến hành việc giới thiệu các mẫu máy được trang bị loại màn hình này tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ họ thường dùng những tên gọi riêng khiến bạn nhầm lẫn. Ví dụ, tháng 8 vừa qua, LG đã giới thiệu màn hình 1440p dưới tên gọi Quad HD trong khi đó chỉ vài tháng sau, công ty Nhật Bản Japan Display cũng công bố phát triển màn hình tương tự theo tên WQHD.
Qualcomm tham gia “bữa tiệc” 1440p với công nghệ Mirasol
Màn hình 1440p sử dụng công nghệ Qualcomm Mirasol Display được xem là một nhân tố thay đổi cuộc chơi tiềm năng.
Không chỉ Samsung, LG và Japan Display đang phát triển màn hình 1440p. Vào thời điểm giữa năm nay, Qualcomm cũng đã tiến hành trình diễn một phiên bản màn hình Mirasol 5,1 inch, độ phân giải 2.560 x 1.440 cùng mật độ điểm ảnh 577 PPI. Điểm thú vị của công nghệ màn hình Mirasol nằm ở chỗ nó cực kì tiết kiệm năng lượng. Theo Qualcomm, công nghệ màn hình này tiêu thụ ít năng lượng hơn tới 6 lần so với màn hình OLED. Vì lí do đó, chiếc đồng hồ thông minh Toq đã tận dụng công nghệ màn hình Mirasol.
Vivo Xplay 3S, thiết bị di động đầu tiên có màn hình 1440p mới được giới thiệu chính thức gần đây.
Vậy khi nào chúng ta sẽ được trên tay những thiết bị smartphone thực sự có màn hình 1440p? Câu trả lời là ngay lúc này bởi mới đây hãng sản xuất smartphone Trung Quốc Vivo đã chính thức trình làng phiên bản smartphone thương mại có màn hình 1440p với tên gọi Vivo XPlay 3S. Theo đó đây được coi là thiết bị đầu tiên trên thế giới sở hữu độ phân giải cực kì cao này. Và chỉ mới cách đây vài ngày thôi, OPPO cũng đã chính thức lên tiếng xác nhận việc smartphone cao cấp Find 7 của hãng cũng sẽ được trang bị màn hình 1440p sau rất nhiều đồn đoán.
Bên cạnh đó, điểm số benchmark xuất hiện vào đầu tháng này của một thiết bị bí ẩn đến từ Samsung với tên mã SM-G900S cũng khẳng định sự tồn tại của màn hình 1440p khiến người hâm mộ các sản phẩm của Samsung dấy lên hy vọng việc siêu phẩm sắp ra mắt trong một vài tháng tới Galaxy S5 sẽ có độ phân giải đáng mơ ước này.
Vậy “2K” có nghĩa là gì?
Đâu là sự khác biệt giữa khái niệm 2K và 1440p?
Để tìm hiểu về “2K” có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ lĩnh vực phim kĩ thuật số (digital camera). Theo đó, dẫn lời Digital Ciname Initatives, hình ảnh 2K có độ phân giải 2.048 x 1.080 pixel, mang lại chất lượng hình ảnh nhỉnh hơn không đáng kể so với chuẩn 1080p. Tùy thuộc vào tỉ lệ màn hình, độ phân giải 2.048 x 1.152 pixel cũng được gọi với cái tên khác là 2K.
Do đó, chúng ta có thể khẳng định độ phân giải 2K không mang lại chuẩn 1440p, tuy nhiên, theo Wikipedia thì giới học thuật đôi khi cũng gọi độ phân giải 1440p là 2K HD.
Hiện nay, 2K và 1440p là hai khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn, do đó, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể tận dụng điều này khi giới thiệu về sản phẩm của mình với ngôn từ “mĩ miều” hơn cho mục đích marketing. Tuy nhiên, căn cứ vào định nghĩa liên quan đến điểm ảnh, rõ ràng màn hình 2K chỉ có chất lượng nhỉnh hơn một chút so với chuẩn full HD và chuẩn 1440p là một khái niệm hoàn toàn không liên quan.
Thế hệ điện thoại màn hình 4K sắp đến?
Thông tin cho rằng Samsung đang phát triển smartphone màn hình 4K tràn ngập trên các trang tin công nghệ thế giới bắt đầu từ tháng trước. Công nghệ 4K của Samsung được hãng đặt tên là UHD.
Mặc dù theo DCI, 4K có độ phân giải 4.096 x 2.160, tuy nhiên trong thực tế thì 4K là một khái niệm chung bao gồm một vài mức độ phân giải khác nhau với tên gọi khác nhau.
Theo Consumer Electronics Association, vào cuối năm 2012, tổ chức này tuyên bố màn hình 4K cũng có thể được biết đến với những cái tên như Ultra HD hay Ultra High Definition, miễn là có thể đáp ứng thông số kĩ thuật tối thiểu. Thông số này yêu cầu 8 triệu điểm ảnh động, với ít nhất 3.840 điểm ảnh ngang và 2.160 điểm ảnh dọc. Tỉ lệ màn hình phải là 16:9 hoặc lớn hơn.
Trở lại với lĩnh vực di động, Samsung được cho là đang phát triển một thiết bị có màn hình 4K. Theo đó, ông lớn công nghệ Hàn Quốc sẽ tiến hành sản xuất điện thoại màn hình 1440p trong năm sau và trong năm 2015, màn hình 4K trên di động sẽ chính thức có mặt trên các sản phẩm của Samsung.
Thế hệ vi xử lý kế tiếp với nhiệm vụ vận hành màn hình khủng
Ở thời điểm hiện tại dòng Snapdragon 805 với sự hỗ trợ của GPU Adreno 420 đã có thể hỗ trợ màn hình 4K.
Tât nhiên, đi kèm với sự phát triển về màn hình là yêu cầu vi xử lý mạnh mẽ hơn, nhất là khi chúng ta đạt đến mục tiêu màn hình 4K. Dẫu vậy, bạn có thể yên tâm vì mới đây Qualcomm đã chính thức công bố dòng chip Snapdragon 805 cùng nhân đồ họa Adreno 420, đây sẽ là vi xử lý đầu tiên hỗ trợ màn hình có độ phân giải lên đến 3.840 x 2.160 pixel.
Dòng chip Snapdragon 800 hiện đang được trang bị trong một số smartphone cao cấp có thể vận hành trơn tru màn hình 1440p và theo đánh giá, kể cả dòng Snapdragon 600 cũng có thể xử lý được màn hình công nghệ 1440p, tuy nhiên chỉ ở độ phân giải tối đa là 2.048 x 1.536. Chip Tegra 4 của Nvidia hiện nay chưa thể hỗ trợ màn hình 4K, tuy nhiên, nó có thể hỗ trợ độ phân giải 3.200 x 2.000 nên chỉ một chút cải thiện về công nghệ nữa thôi là Nvidia có đã có thể chạm tay vào công nghệ của tương lai này.
Cuộc cách mạng màn hình cong đã bắt đầu
Hiện nay vẫn còn khá nhiều thắc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng về tính ứng dụng của màn hình dẻo trong quá trình sử dụng thực tiễn. Tuy nhiên, đây cũng là một điều dễ hiểu bởi Round hay G Flex mới chỉ là những phiên bản thử nghiệm công nghệ mới này đầu tiên nhất.
Trước khi năm mới 2014 gõ cửa, chúng ta đã được đón nhận hai smartphone với màn hình dẻo ra mắt: Samsung Galaxy Round và LG G Flex. Galaxy Round và G Flex là điểm khởi đầu của một xu hướng đang lên, mở đầu cho giai đoạn thiết kế mới với màn hình bền hơn smartphone truyền thống rất nhiều.
Gần đây Samsung có xác nhận về việc giới thiệu tiếp thiết bị kế nhiệm Galaxy Round vào khoảng giữa năm 2014. Tuy nhiên,vào thời điểm đó, thiết bị này sẽ sở hữu màn hình có thể bẻ cong linh hoạt hơn. Công nghệ sẽ tiếp tục phát triển xuyên suốt trong năm và một thiết bị có màn hình linh hoạt thực sự sẽ lên kệ trong vài tháng đầu năm năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được đến cột mốc này, Samsung và các hãng sản xuất khác đang tập trung vào lĩnh vực điện thoại màn hình cong sẽ còn rất nhiều thử thách cần vượt qua, đơn cử là với điện thoại màn hình cong thì chỉ màn hình cong thôi là chưa đủ, các linh kiện khác và đặc biệt là pin cũng phải có cùng dạng thiết kế thì sản phẩm mới có thể hoàn thiện được.
LG, một cái tên rất năng động trong sân chơi smartphone màn hình dẻo khác, cũng có một tầm nhìn về sự phát triển của phân khúc này tương tự như Samsung. Cụ thể, trưởng bộ phận kế hoạch thiết bị di động của hãng tin rằng trong năm 2015, điện thoại màn hình dẻo sẽ chiếm 12% thị phần smartphone, con số này có thể tăng lên tới 40% vào năm 2018. Nói về chiếc G Flex, vị nhân viên cấp cao này chia sẻ LG đã mất tới 3 năm để hoàn thành nó.
Điện thoại hai màn hình sẽ phổ biến hơn
Đầu tháng 12, Yotaphone đã được bán ra chính thức trên một vài thị trường khu vực Châu Âu với mức giá 675 USD.
Còn nhớ đầu năm 2013, công ty đến từ Nga Yota đã giới thiệu chiếc Yotaphone ở cả hai sự kiện lớn là CES và NWC. Chiếc điện thoại này nhận được nhiều sự chú ý bởi nó mang trên mình điểm khác biệt cực kì độc đáo là máy có hai màn hình. Cụ thể, màn hình trước là màn hình 720p thông thường trong khi đó màn hình sau tận dụng công nghệ E-Ink tiết kiệm năng lượng. Trong quá khứ thì đã có một vài thiết bị cũng theo đuổi ý tưởng hai màn hình như Echo của Kyocera hay Tablet P của Sony nhưng rõ ràng Yotaphone là thiết bị hoàn thiện nhất và có thể từ đây một xu hướng mới sẽ bắt đầu.
Tạm kết
Trong khi điện thoại màn hình dẻo có thể sẽ đạt được độ phổ biến nhất định vào cuối năm 2014, xu hướng hai màn hình có thể sẽ tạo lập được một thị trường ngách đủ để phát triển thì có lẽ trong năm sau nhiều khả năng công nghệ màn hình 1440p sẽ là tâm điểm của làng di động khi nó sẽ trở thành tiêu chuẩn mới của các dòng máy cao cấp. Mặc dù có thể khi nhìn bằng mắt thường sự khác biệt giữa 1080p và 1440p là rất khó để nhận ra thì dù sao tất cả những nỗ lực cải thiện công nghệ này đều hướng về người dùng và người được hưởng lợi sau cuối cũng là người dùng. Bạn đã bắt đầu cảm thấy háo hức chờ đợi những thiết bị của năm tới chưa?