Đầu tiên, đã bao giờ bạn cảm thấy đôi mắt mình bị khô, ngứa hoặc khó chịu sau cả một ngày dài nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính? Có khi nào bạn nhận thấy mắt mình bị mờ, hoặc nhìn một thứ mà biến thành hai? Đã bao giờ bạn cảm thấy nhức đầu vì cứ phải nheo mắt và gặp căng thẳng khi làm việc?
Gặp những vấn đề khó chịu như thế, bạn có thể giải quyết bằng thuốc nhỏ mắt, chỉ đơn giản là tắt màn hình máy tính đi và ra ngoài thư giãn. Tuy nhiên, có phải những chiếc máy tính Mac và PC thực sự là thủ phạm gây ra chứng mỏi mắt của chúng ta?
Chẩn đoán: Sử dụng máy tính chắc chắn có thể khiến bạn bị căng mắt, nhưng có nhiều cách để chống lại vấn đề này
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 50 đến 90% những người làm việc ở trước màn hình máy tính gặp một số vấn đề về mắt .
"Chúng tôi có thể chắc chắn rằng rất nhiều người than phiền về triệu chứng mỏi mắt này", Tiến sĩ nhãn khoa Brian Boxer Wachler nói. "Tập trung nhìn quá gần vào màn hình máy tính hàng giờ đồng hồ liền mà không cần nghỉ ngơi thường là thủ phạm chính".
Vấn đề này là rất phổ biến, và thậm chí có cả một tên gọi cho "chứng bệnh" này: Hội chứng tầm nhìn máy tính (Computer Vision Syndrome), viết tắt là CVS.
Tiến sĩ Wachler cho biết, người ta thường chớp mắt khoảng 18 lần mỗi phút, việc này sẽ giúp "làm mới" đôi mắt một cách tự nhiên. Nhưng tỷ lệ chớp mắt này bị giảm khi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác, và điều này có thể làm cho đôi mắt của bạn bị "đốt cháy", khô, chuyển sang màu đỏ hoặc có cảm giác bị ngứa.
Ngồi quá gần với màn hình máy tính, hoặc giữ màn hình một thiết bị kỹ thuật số gần hơn mức bình thường so với tầm mắt, đọc sách báo quá gần, cũng có thể đặt ra các vấn đề tương tự, theo Wachler . "Điều này khiến đôi mắt của bạn phải làm việc nhiều hơn so với bình thường khi bạn phải căng thẳng để tập trung vào kích cỡ chữ nhỏ li ti trên màn hình", ông cảnh báo .
Triệu chứng phổ biến của chứng mỏi mắt hay CVS bao gồm: đau mắt, khô mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, nhìn 1 thành 2, chói mắt, khó tập trung vào hình ảnh, đau cổ, đau đầu hoặc một sự kết hợp của tất cả các triệu chứng vừa nêu.
Thay vì mặc kệ để cho màn hình máy tính tiếp tục làm hỏng đôi mắt của bạn, bạn có thể thực hiện một số bước nhanh chóng và dễ dàng để giảm thiểu tác động gây mỏi mắt này. Jeffrey Anshel, người sáng lập công ty tư vấn về mắt Corporate Vision Counseling và tác giả của cuốn Visual Ergonomics Handbook (tạm dịch là "Sổ tay nghiên cứu về tầm nhìn"), đã cung cấp một vài mẹo nhỏ để giúp bạn có thể tránh khỏi việc bị mỏi mắt khi ngồi trước màn hình máy tính.
"Bởi vì việc đọc thông thường thường được thực hiện với các cuốn sách hoặc tạp chí được để ở một vị trí thấp hơn tầm mắt, nên nếu để màn hình máy tính ở một vị trí thẳng ngay phía trước là không tự nhiên", ông nói. "Cạnh trên cùng của màn hình phải nằm ở vị trí thấp hơn so với với vị trí đôi mắt của người sử dụng, cho phép góc nhìn hơi hạ xuống một chút".
Tiếp theo, làm giảm độ chói của màn hình và đặt màn hình hơi chếch sang một bên để ánh đèn phía sau không bị phản xạ bởi màn hình và rọi thẳng vào mắt bạn. Khoảng cách nhìn thích hợp là từ 50 đến 100cm khoảng cách từ mắt đến mặt trước của màn hình máy tính .
Anshel còn chia sẻ về mẹo mà ông gọi là "ba cách tiếp cận tiêu chuẩn" bao gồm: "Chớp mắt, hít thở và vận động". "Bởi vì chúng ta chớp mắt ít hơn bình thường khi bắt đầu nhìn vào một màn hình máy tính, cho nên bạn nên nhớ chớp mắt thường xuyên để làm ẩm và làm mới đôi mắt của mình. Thở đúng cách cũng có thể thư giãn cơ mắt, vì vậy hãy chú ý hơi thở của bạn - đặc biệt là trong tình huống căng thẳng, khi mọi người thường có xu hướng giữ hơi thở của mình".
Và bởi vì công việc với máy tính thường đòi hỏi phải tập trung cao độ, nghỉ ngơi thường xuyên là việc nên làm. "Đôi mắt của chúng ta không được thiết kế để sử dụng với màn hình máy tính với khoảng cách gần trong một khoảng thời gian dài", ông nói. "Hãy nhớ rằng quy tắc 20-20-20: Mỗi 20 phút, hãy dành khoảng 20 giây để nhìn ra xa tầm 20 bước chân (khoảng 6m)".
Bằng cách áp dụng những điều chỉnh nhỏ như thế, bạn sẽ có thể giảm tình trạng mỏi mắt cũng cải thiện sức khỏe tổng thể của mình.
Cuối cùng, Anshel kết luận rằng: "Không có một giải pháp ưu việt nào cho tất cả các loại vấn đề gặp phải khi sử dụng máy tính, nhưng với chỉ một vài nghiên cứu, thì câu trả lời cho rất nhiều vấn đề như thế có thể đã ở ngay trước mắt bạn".
Có lẽ, cách tối ưu nhất vẫn là sắp xếp công việc để hạn chế sử dụng máy tính, ngồi đúng tư thế và rời xa khỏi màn hình mỗi khi có thể.
Tiến Tùng
Theo CNN