Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang thông tin và đặc biệt là mạng xã hội đã giúp cho con người có được công cụ giải trí tốt hơn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Mặc dù được phát triển miễn phí và hầu như người dùng không mất bất kì khoản tiền nào khi truy cập mạng xã hội (trừ phí dịch vụ Internet) tuy nhiên ít ai biết được Facebook lại đang là nơi hái ra tiền của nhất nhiều người dùng bằng việc đi lừa cư dân mạng.
Nhân sự việc gần đây khi một Fanpage "trá hình" sử dụng hoạt động phát miễn phí smartphone mới của Samsung , chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân từ đâu các Fanpage này lại được hình thành và từ đó, hiểu tại sao lại có trò "câu like", "câu like" để làm gì, nút Like bạn cứ nghĩ rằng "bấm một cái thì chết ai" quan trọng như thế nào.
Kiếm tiền trên Facebook bằng cách nào?
Quảng cáo chính là cách thức hiệu quả nhất để kiếm tiền trên Facebook, với sự phát triển của Internet, tính năng quảng cáo trực tuyến đang là bước đi quan trọng của các hãng kinh doanh, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thu về lợi nhuận từ những chiến dịch quảng cáo của mình.
Có rất nhiều cách khác nhau để kiếm tiền với mạng xã hội Facebook, nếu bạn là một Hot Facebooker với số lượng người theo dõi khủng, các hoạt động trên mạng xã hội của bạn sẽ được những người theo dõi quan tâm. Đây cũng chính là lúc mà các nhà sản xuất liên hệ bạn để mời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của họ trên trang cá nhân của bạn với số phí nhất định. Tất nhiên, số tiền bạn nhận được cũng phải tỉ lệ thuận với sự thành công của chiến dịch quảng cáo.
Nếu bạn sở hữu một Fanpage với lượng người like "khủng", bạn cũng có thể liên kết cùng những nguồn có nhu cầu quảng cáo để kiếm cho mình một khoản tiền không nhỏ chỉ với việc... đăng tải thông tin quảng cáo trên Facebook.
Ngoài ra, trào lưu "nuôi Fanpage" cũng đang ngày một phát triển hơn. Bạn lập một Fanpage, làm các hình thức để tăng lượng "like" cho trang của bạn sau đó khi đạt tới thành công nhất định bạn có thể rao bán Fanpage này với giá thành cao cho các công ty, tổ chức có nhu cầu quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, đây cũng là cách mà rất nhiều người đang làm. Tổng kết lại, số lượng Like đang trở thành mấu chốt của việc kiếm tiền từ Facebook, đây là thước đo đánh giá số tiền thu về từ quảng cáo trực tuyến.
Trọng lượng của nút Like
Mặc dù chỉ là một tính năng nhỏ bé trong Facebook và bất kì ai cũng có thể nhấn Like, thậm chí vài trăm lần một ngày. Tuy nhiên số lượng Like lại chính là mốc đánh giá sự thành công của một chiến dịch quảng cáo trên Facebook cũng như giá trị của các Fanpage trên mạng xã hội này.
Với một Fanpage càng nhiều người like, điều này đồng nghĩa với số lượng người theo dõi càng nhiều và hiệu quả quảng bá thông tin sẽ càng cao khi thông tin đăng tải đều hiển thị trên trang chủ người tham gia. Với các post có nội dung quảng cáo, số lượng like càng nhiều sẽ chứng tỏ có nhiều người quan tâm tứi thông tin và chiến dịch được xem là thành công khi đạt đủ số lượng người quan tâm dự kiến.
Chính vì lý do này, tình trạng "câu Like" của các Fanpage diễn ra ngày một rầm rộ và tinh vi hơn, các đoạn thông tin với nội dung na ná như "Like để ủng hộ người nghèo" hoặc "bấm Like để hình ảnh biến đổi" xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Các hình thức "câu" Like trên Facebook
Nhiều người cho rằng đây là một hình thức lừa đảo dựa lên sự tin tưởng của người tham gia, nhưng nó không làm ảnh hưởng tới người dùng mạng xã hội tới mức nghiêm trọng nên bài viết sẽ không đề cập tới tính "lừa đảo" của việc câu kéo Like. Dưới đây là một số hình thức "câu Like" phổ biến nhất trên Facebook:
1. Các hình ảnh mang tính hài hước cao:
Những hình ảnh này dễ dàng nhận được sự ủng hộ lớn từ người sử dụng mạng xã hội do tính chất vui vẻ của loại hình ảnh này.
2. Các hình ảnh cảm động:
Các hình ảnh đi kèm với một câu chuyện cảm động được đánh giá là công cụ hữu hiệu để "moi nước mắt" người dùng mạng xã hội. Dựa vào lòng trắc ẩn cũng như tình người trong mỗi cư dân mạng, hình thức câu like này đang gặt hái hiệu quả ngoài dự kiến.
3. Các cập nhật trạng thái mang tính hiển nhiên:
Đây cũng là một hình thức câu Like mang lại hiệu quả đáng ngờ, ví dụ như một câu nói "Hãy Like nếu bạn là con trai" dễ dàng nhận được số lượng Like lớn từ một Fanpage có nhiều thành viên tham gia.
4. Các hình ảnh "trai xinh, gái đẹp":
Đi kèm với những hình ảnh này luôn là một thông tin kích thích "sự Like" của người dùng như "Like nếu thấy cô gái này xinh"...
5. Các Fanpage với nhu cầu thường ngày:
Những Fanpage với các hoạt động hàng ngày như ăn, ngủ, chơi, đi học... nhận được số lượng thành viên bấm Like lớn do đánh vào hoạt động hàng ngày của con người.
6. Các sự kiện thời sự:
Đây cũng là loại thông tin mang về số lượng like lớn do người dùng thường có xu hướng "Like những gì mình biết", những sự kiện này thường gắn sát với cuộc sống hàng ngày nên nhận được ủng hộ lớn.
7. Các hoạt động "phát hàng" miễn phí:
"Like + share và bạn sẽ có cơ hội nhận ngay một laptop cực xịn", những thông tin này không phải là không có thực nhưng rất nhiều thông tin lừa đảo với tính chất "câu Like" vẫn xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Ví dụ gần đây về sự kiện "phát miễn phí Galaxy S IV" là hoạt động câu Like điển hình dựa vào sự cả tin của người dùng cũng như lối tham gia quá đơn giản của các hoạt động này.
Kết
Về cơ bản mà nói, ngoài việc phí phạm nút Like, bị spam trang chủ thì người dùng mạng xã hội không gặp phải bất kì vấn đề nào nghiêm trọng liên quan tới việc này, một số hình thức "câu Like" cũng khá hời khi người dùng được cập nhật thêm lượng tri thức mới. Tuy nhiên, chỉ với những lần click Like, người sử dụng mạng xã hội đang giúp cho kẻ khác chuộc lợi bằng chính lòng tin của mình. Nút Like rất dễ bấm, các thông tin trên mạng rất mời chào. Nhưng, đừng phí phạm nút like của mình, đừng phí phạm một lần click chuột vì bạn chỉ đang là công cụ làm giàu của người khác mà thôi. Hãy cân nhắc nút Like sao cho thật chính xác để giữ môi trường trong sạch cho mạng xã hội.