Kỷ niệm 35 năm "đứa trẻ trong ống nghiệm" đầu tiên ra đời

Ba mươi lăm năm trước, Louise Joy Brown, "đứa trẻ ống nghiệm" đầu tiên trong lịch sử đã ra đời tại thị trấn Ould, Vương quốc Anh nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các nhà khoa học gọi công nghệ này là bước đột phá trong y học. Không ai phủ nhận điều đó, nhưng hậu quả của đột phá này - cả mặt tích cực lẫn tiêu cực vẫn còn rất khó để đánh giá.

 

Tất nhiên "em bé ống nghiệm" chỉ là một cách nói. Các nhà khoa học vẫn không thể bỏ qua người mẹ. Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, trứng được lấy ra từ cơ thể của người phụ nữ đem thụ tinh nhân tạo, phôi thai phát triển trong lồng ấp, rồi sau đó được cấy trở lại vào tử cung người mẹ. Nhiều nhà nghiên cứu y học cho rằng công nghệ thụ tinh ống nghiệm là thành tựu y tế lớn nhất thế kỷ XX. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những tác giả của công nghệ này, ông Robert Edwards đã được trao giải Nobel.

Hôm nay, thụ tinh ống nghiệm rất phổ biến ở châu Âu và Hoa Kỳ - không chỉ giúp các cặp vợ chồng vô sinh được có con, mà còn cho phép lập kế hoạch sinh đẻ - có thể "chuẩn bị" phôi cho tương lai, đóng băng và "kích hoạt" đúng thời điểm mong muốn. Thậm chí có thể quyết định trước về số lượng con được sinh ra. Nhìn chung, theo các nhà khoa học, phát minh này là đóng góp đáng kể cho ngành nhân khẩu học của Cựu thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều người phản đối công nghệ này từ khía cạnh đạo đức. Bác sĩ Denis Ogo cho biết:

"Bản thân công nghệ thụ tinh ống nghiệm không hề trái với đạo đức, bởi vì người tham gia là vợ chồng. Đó là những người có vấn đề về sinh sản, nhưng có thể khắc phục được với sự trợ giúp của công nghệ. Nhưng công nghệ này cũng có thể dẫn đến các lựa chọn khác nhau như đẻ thuê, mua bán tinh trùng, trứng, thậm chí mua bán phôi."

Đây chính là những "lựa chọn" (đặc biệt là việc hủy bỏ phôi thừa hoặc dịch vụ mang thai hộ) bị các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự, các học giả và thậm chí các chính phủ chỉ trích nhiều nhất. Ở một số nước việc đẻ thuê bị cấm. Các tôn giáo có thái độ rất thận trọng đối với thụ tinh trong ống nghiệm. Một trong những đại diện Giáo hội Công giáo chỉ trích thụ tinh ống nghiệm nói rằng phôi người cũng là người, và do đó, mua bán nó có thể coi là buôn bán người, hủy bỏ phôi thai cũng là phá thai. Giáo hội Chính thống cũng phản đối việc sử dụng trứng và tinh trùng được người khác hiến tặng để thụ tinh.

Trong thế giới khoa học cũng không có ý kiến thống nhất. Một số nhà khoa học kêu gọi từ bỏ thành kiến và sợ hãi. Nếu có cơ hội thì nên tận dụng lợi thế này để cải thiện cuộc sống của người dân. Nhà nhân khẩu học kiêm nhân chủng học Daria Halturina nói:

"Bây giờ thử nghiệm phôi để xem gen có nguy cơ ung thư hay không đã trở bên khá phổ biến. Nhìn chung, DNA sẽ có thể sớm xác định ngoại hình của một con người và giúp chọn đứa con xinh đẹp hơn. Với sự phát triển của test di truyền và nghiên cứu cũng sẽ nhận biết gen có liên quan đến trí tuệ. Bạn sẽ có thể chọn từ một loạt phôi thai để lấy cái tốt nhất."

Những người phản đối thụ tinh ống nghiệm trong cộng đồng khoa học quan ngại trước khả năng thí nghiệm trên phôi người và nhân bản người. Đặc biệt, có một số công nghệ đang rất gần với điều đó. Chính phủ Anh đang chuẩn bị dự luật cho phép sử dụng vật liệu di truyền của người thứ ba trong thụ tinh ống nghiệm. Cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh bình diện đạo đức của vấn đề. Người hiến trứng hoặc tinh trùng sẽ có cơ chế pháp lý như thế nào? Bởi vì trong thực tế, đó là người cha hoặc người mẹ thứ ba của đứa con.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại