Chiếc HTC One M8 chúng tôi có trên tay là sản phẩm được nhập về từ thị trường Đài Loan, quê hương của nhà sản xuất HTC và cũng là nơi đầu tiên được bán điện thoại này. Một thông tin khá bất ngờ và đáng chú ý là phiên bản M8 ở Đài Loan sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 801 lõi tứ xung nhịp 2.5GHz, chứ không phải là 2.3GHz như công bố ban đầu của nhà sản xuất.
Clip review của một thanh niên đam mê công nghệ (Youtube)
Theo đại diện của HTC, chiếc One M8 có hai phiên bản sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon 801 xung nhịp khác nhau: phiên bản dành cho thị trường châu Á (gồm cả thị trường Việt Nam) có bốn lõi xử lý (CPU) xung nhịp 2.5GHz, còn phiên bản châu Âu và Mỹ có bốn lõi CPU xung nhịp thấp hơn, 2.3GHz.
1, Thiết kế
HTC là một trong số ít nhà sản xuất tập trung nhiều cho thiết kế, thay vì lo tối ưu chi phí như các hãng khác, điển hình là Samsung. Chính vì vậy mà các sản phẩm của HTC từ vài năm nay, đặc biệt là máy cao cấp như HTC One X, One S của năm 2012 và HTC One 2013 đều có ưu thế về thiết kế so với đối thủ cạnh tranh. Chiếc HTC One M8 của năm nay vẫn tiếp tục truyền thống đó của HTC.
So với chiếc One của năm 2013, chiếc M8 dài hơn và rộng hơn (màn hình 5 inch so với 4.7 inch của HTC One cũ) đồng thời cũng nhiều kim loại hơn. HTC cho biết trên M8, 90% thân máy là kim loại so với 70% của One cũ. Viền nhựa của chiếc HTC One 2013 đã không còn trên sản phẩm năm nay, thay vào đó là thân nhôm nguyên khối được thiết kế bo tròn ở các cạnh. Máy chỉ còn hai dải nhựa nhỏ phía trên và phía dưới để nhà sản xuất đặt các ăng ten thu sóng. Kích cỡ to hơn và nhiều kim loại nên M8 cũng nặng hơn HTC One cũ, 160g so với 143g.
Bề mặt vỏ kim loại của M8 bóng và nhẵn hơn so với One thế hệ cũ. Trước đó, khi nhìn ảnh M8 ra mắt ở Mỹ vào cuối tháng 3, nhiều người có cảm giác bề mặt bóng của máy trông xấu hơn vỏ của HTC One 2013. Tuy nhiên khi cầm phiên bản màu xám của M8 trên tay, thực sự vỏ máy mang lại cảm giác chất liệu tốt hơn, bóng bẩy hơn và cũng chắc chắn hơn thế hệ cũ. Cảm giác cầm cũng dễ chịu. Máy mỏng đều về phía các cạnh nên cầm ôm tay. Nhìn chung, thiết kế của M8 đã được nâng cấp rõ rệt so với thế hệ cũ, trông "chất" hơn và có thể nói đây là khía cạnh mà sản phẩm của HTC hơn hẳn so với đối thủ Galaxy S5 của Samsung.
Ngoài chất liệu vỏ và kích thước, chiếc One M8 còn có một vài thay đổi về thiết kế đáng chú ý khác. Đó là sự xuất hiện của khe cắm thẻ nhớ ngoài mở rộng tới 128GB ở cạnh phải, cỡ SIM cũng thay bằng chuẩn Nano SIM giống iPhone 5s nhỏ hơn so với chuẩn micro SIM trên chiếc One của năm ngoái. Ở phía mặt sau, máy có tới hai camera gồm chiếc camera UltraPixel giống như HTC One và chiếc camera phụ để đo độ sâu hình ảnh cùng với cặp đèn flash kép gồm một chiếc màu trắng và một chiếc màu vàng nhằm giúp ảnh chụp thiếu sáng có gam màu tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, HTC M8 cũng có điểm hạn chế so với bản tiền nhiệm là máy dùng các phím điều hướng (Back, Home và đa nhiệm) trên màn hình cảm ứng thay vì đặt trên viền màn hình giống như chiếc One 2013. Điều này khiến cho màn hình hiển thị bị thu hẹp một chút, khoảng 0,2 – 0,3 inch và việc sử dụng cũng không tiện như các phím đặt trên viền màn hình.
2. Màn hình
One M8 tăng kích thước màn hình từ 4.7 inch lên 5 inch. Màn hình vẫn là loại Super LCD3 với độ phân giải Full-HD tương tự chiếc One thế hệ cũ nhưng do kích cỡ lớn hơn nên mật độ điểm ảnh của máy thấp hơn một chút, 441 PPI so với 469 PPI của HTC One. Tuy vậy, sự khác biệt trong thực tế gần như không tồn tại. Lý do là bởi độ phân giải thấp hơn một chút nhưng màn hình của nó lớn hơn nên chúng ta thường nhìn màn hình vào ở khoảng cách xa hơn so với màn hình 4.7 inch của HTC One cũ. Hơn nữa, mật độ điểm ảnh 441 PPI đã là con số rất cao so với khả năng nhận biết của mắt người.
Khi đánh giá dựa trên mắt thường, M8 hiển thị nội dung trên màn hình sắc nét, màu sắc tươi tắn, nhiệt màu ấm và độ sáng tốt. Góc nhìn của màn hình cũng thật sự ấn tượng, màu sắc và độ tương phản hầu như thay đổi rất ít khi nhìn vào màn hình từ các góc rộng. Chúng tôi sẽ có những đánh giá kỹ hơn về màn hình của máy trong bài đánh giá chi tiết dự kiến đăng tải trong vài ngày tới.
3. Camera kép và đèn flash kép
Camera là thành phần được HTC tập trung nâng cấp trên chiếc One mới. Như đã đề cập phía trên, M8 vẫn sử dụng camera UltraPixel 4MP kích cỡ 1/3 inch với ống kính góc rộng 28mm và khẩu f/2.0 tương tự chiếc One 2013. Điểm mới trên chiếc điện thoại năm nay là có thêm camera phụ. Tuy vậy, chiếc camera phụ không thực hiện việc chụp ảnh mà đóng vai trò tính toán khoảng cách của các đối tượng trong ảnh để thu thập thông tin về độ sâu hình ảnh.
Theo HTC, điều này giúp máy lấy nét nhanh hơn chỉ với 0,3 giây và thông tin thu được từ camera phụ còn được dùng cho tính năng lấy nét sau khi chụp. Chiếc camera sau của M8 được bổ sung cặp đèn flash hai màu trắng và vàng nhằm cải thiện màu sắc các bức ảnh chụp thiếu sáng. Trong khi đó, camera trước cũng được tăng độ phân giải lên 5MP, hướng đến trào lưu chụp tự sướng đang lên hiện nay.
Giao diện ứng dụng camera của M8 thay đổi khá nhiều. Ngoài các tính năng cơ bản kế thừa từ One 2013 như chụp hai camera, chụp liên tục (tối đa 20 ảnh) và tính năng Zoe, chiếc M8 được bổ sung chế độ chụp chân dung và đặc biệt là tính năng lấy nét sau khi chụp. Cách lấy nét sau khi chụp của M8 cũng rất khác biệt so với các máy của Samsung, Sony và Nokia. Các máy của Nokia, Samsung và Sony đều phải lựa chọn chế độ trước khi chụp. Ví dụ, tính năng lấy nét sau trên máy Nokia phải chụp tới 7 tấm ảnh ở độ sâu khác nhau, sau đó ghép lại để thực hiện việc tùy chỉnh điểm nét sau khi chụp. Trong khi đó, tất cả các ảnh chụp từ camera sau của One M8 có thể áp dụng tính năng lấy nét sau khi chụp nhờ vào thiết kế camera kép.
4. Một số ảnh chụp từ HTC One M8 (bấm vào ảnh để xem cỡ lớn):
5. Android 4.4 KitKat và HTC Sense 6.0
Chiếc M8 được tích hợp Android 4.4.2 KitKat và HTC Sense 6.0, cả hai đều là phiên bản phần mềm mới nhất của Google và HTC hiện nay. Tính năng BlinkFeed trên Sense 6.0 có một số cải tiến nhẹ về giao diện trông trực quan hơn và có thêm 2 nguồn tin tiếng Việt mới là VnReview và trang VTV.vn của Đài truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, Sense 6.0 cũng bổ sung một số thao tác điều khiển bằng cử chỉ cho các chức năng mở nhanh màn hình khóa, đánh thức màn hình hay để tiếp cận nhanh tính năng BlinkFeed hay ứng dụng máy ảnh.
One M8 có chế độ tiết kiệm pin ở mức cao. Chế độ này có thể tự bật hoặc để tự động bật khi máy còn 5, 10 hoặc 20% pin. Theo HTC thì khi bật chế độ này, máy chỉ tiêu hao khoảng 5% pin sau 15 giờ hoạt động ở chế độ chờ. Khi bật chế độ này, máy chỉ chạy có 5 ứng dụng cơ bản (điện thoại, tin nhắn, mail, lịch hẹn và máy tính). Trong khi đó, bộ vi xử lý (CPU) hoạt động ở xung nhịp thấp, độ sáng màn hình giảm, các kết nối dữ liệu bị ngắt khi màn hình tắt. Các dữ liệu chạy nền cũng bị tắt, chỉ để tự động nhận tin nhắn và cuộc gọi đến. Email mặc dù bật nhưng người dùng phải tự cập nhật, chứ máy không tự động tải về như ở chế độ bình thường.
6. Hiệu năng rất mượt
Hiệu năng là điểm gây ấn tượng lớn khi trải nghiệm HTC One M8. Máy chạy rất mượt mà mọi hoạt động từ thao tác chuyển đổi qua lại giữa các màn hình chủ, mở khay ứng dụng đến xem phim Full-HD và chạy cả các game nặng đồ họa như Asphalt 8 hay Need for Speed. Cảm ứng trên màn hình của đáp ứng nhạy, vì vậy lướt web hay nhập liệu trên bàn phím ảo rất dễ chịu.
Khi đo hiệu năng trên các phần mềm đánh giá hiệu năng quen thuộc Antutu và Quadrant, máy cũng đạt điểm rất ấn tượng. Cụ thể, M8 đạt tới 35.678 điểm trên phần mềm Antutu, cao hơn Galaxy Note 3 và 25.052 điểm trên phần mềm Quadrant.
7. Kết luận ban đầu
Sau những bài test và thời gian sử dung ban đầu, có thể thấy HTC M8 có nhiều nâng cấp so với thế hệ cũ. Thiết kế của máy chắc chắn, bóng bẩy và có cảm giác "chất" hơn. Các yếu tố quan trọng khác như màn hình, camera, phần mềm và hiệu năng cũng đều được nâng cấp và cải thiện đáng kể.
----------
* Tin hay, lạ về những dòng điện thoại cũ mà không "cũ", bấm: CŨ XỊN SANG
* Tin nhanh về smartphone giá rẻ, smartphone hạng sang, bấm: SMARTPHONE
* Sự kết hợp không thể rời mắt của mỹ nhân và máy móc: CÒN CHỜ GÌ NỮA?