Trong số này phải kể đến Firefox, Canonical, Samsung Electronics&Intel và một cái tên hoàn toàn mới là Jolla Mobile.
Ứng viên sáng giá Firefox
Trong số các đối thủ “dám” đứng lên cạnh tranh với iOS và Android có Firefox là sáng giá nhất. Hệ điều hành này có một lịch sử khá dài và đã có mặt trên thị trường từ cách đây khá lâu.
ZTE Open là chiếc điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành Firefox, được bán tại Tây Ban Nha tháng 7/2013.
“Ở thời điểm hiện tại có vẻ như Firefox là hệ điều hành tốt nhất để phá bỏ thế độc quyền của bộ đôi iOS và Android. Firefox nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ các nhà mạng di động và nhiều nhà cung cấp thiết bị lớn như ZTE. Điều đó có thể đảm bảo sự thành công trong tầm tay”, nhận xét của Neil Mawston, giám đốc điều hành Strategy Analytics.
Nhà mạng Telefónica và Deutsche Telekom đã bắt đầu bán hai mẫu điện thoại Alcatel oneTouch Fire và ZTE Open chạy hệ điều hành Firefox tại Colombia, Venezuala, và Bồ Đào Nha. Hiện doanh số bán ra thiết bị này vẫn chưa được tiết lộ. “Tôi nghĩ rất khó có thể đưa ra con số chính xác về mức cung thực sự ở thời điểm này”, Geoff Blaber, giám đốc mảng thiết bị và nền tảng tại CCS Insight phỏng đoán.
Tuy nhiên, cũng có một vài số liệu thể hiện điều này, đó là ZTE đã bán hết 1.975 chiếc Open thông qua eBay Mỹ và Anh với giá lần lượt là 79,99USD và 59,99USD trong một ngày (Mỹ) và hai ngày (Anh). Tất nhiên, khó có thể so con số này với doanh số smartphone chạy hệ điều hành khác. Theo Gartner, trung bình trong quý 2 vừa qua có khoảng 2 triệu thiết bị smartphone Android và 82.000 triệu chiếc Windows Phone tới tay người dùng. Android tiếp tục làm mưa làm gió thị trường từ tháng 4 – 6/2013, trong khi Windows Phone vượt BlackBerry lên vị trí thứ 3.
“Thử thách của hệ điều hành Firefox chính là phải mở rộng khả năng hỗ trợ từ các nhà mạng, chứ không chỉ bó hẹp với Telefónica và Deutsche Telekom, đồng thời phải cung cấp các trải nghiệm người dùng phong phú để khách hàng có thể cân đo đong đếm chúng với Android. Nói chung, Firefox đang có khởi đầu khá tốt đẹp”, Blaber nhận xét tiếp. Theo nhận định của Mawston, để thành công trên quy mô lớn, Firefox cũng như các tên tuổi mới khác phải chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc, hay ít nhất là thị trường Mỹ.
Không phải đơn giản!
Trong khi các thiết bị chạy hệ điều hành Firefox đã được bán trên thị trường thì Canonical và Jolla vẫn đang miệt mài tìm đường tới smartphone. Canonical và Jolla được phát triển dựa trên hai nền tảng hệ điều hành Ubuntu và Sailfish và có vẻ như mọi thứ vẫn còn đang rất khó khăn.
Tuần trước là thời điểm kết thúc chiến dịch quyên góp của Canonical để có tiền sản xuất mẫu smartphone có tên Edge. Mục tiêu ban đầu của Canonical là quyên góp 32 triệu USD nhưng rốt cục chỉ thu được 12,8 triệu USD nên chẳng thấm tháp vào đâu. Vào tháng 10 tới đây, Canonical sẽ tung ra một phiên bản OS hoàn chỉnh cho các nhà sản xuất phần cứng. Theo Collins, giám đốc sản phẩm của Ubuntu Mobile, dự kiến quý 2 năm tới hệ điều hành này sẽ có mặt trên các thiết bị. Tuy nhiên, đó sẽ là các thiết bị giống như kiểu smartphone chứ không phải mẫu điện thoại Edge như dự kiến ban đầu. Theo Collins, thành công của Ubuntu sẽ phụ thuộc vào các nhà sản xuất phần cứng nhận được thực tế rằng sẽ không có nhiều cơ hội cho họ nếu chỉ phụ thuộc vào mỗi Android.
Cũng trong tuần trước, Jolla tuyên bố việc sản xuất hàng loạt mẫu điện thoại Sailfish đã bắt đầu và được đặt hàng cũng như phân phối tại 136 quốc gia. Jolla không công bố số lượng chi tiết mà chỉ nói rằng việc phát triển OS và mẫu smartphone đầu tiên chạy hệ điều hành này đang tiến triển rất tốt. Theo Giám đốc kỹ thuật của Jolla, Stefano Mosconi, công ty này đang cải thiện hiệu năng của sản phẩm này, đồng thời hoàn thiện thêm các tính năng và sửa lỗi sản phẩm. Dự kiến, mẫu smartphone Jolla đầu tiên sẽ được bán vào cuối năm nay tại châu Âu.
Smartphone đầu tiên chạy hệ điều hành Sailfish của Jolla sẽ có mặt trên thị trường vào quý 4 với giá 532USD.
Trong khi Firefox, Ubuntu và Sailfish có sự khởi động khá sôi nổi thì sự kết hợp giữa Intel và Samsung phát triển thiết bị chạy trên hệ điều hành Tizen có vẻ còn im hơi lặng tiếng kể từ hội nghị Mobile World Congress hồi tháng hai đầu năm. Các nhà mạng như Orange và DoCoMo từng nói rằng họ có kế hoạch phân phối các mẫu smartphone đầu tiên chạy Tizen vào nửa cuối năm nay.
Intel và Samsung cũng đang tiêu tốn khá nhiều tiền để lôi kéo các nhà phát triển quan tâm tới Tizen. Điển hình là nhà cung cấp phát triển liên nền tảng Appcelerator đã bổ sung Tizen vào danh sách hỗ trợ sau khi nhận được tài trợ từ Intel. Bản thân Intel cũng biết rằng để bán được thiết bị thì yếu tố nhà phát triển và ứng dụng sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Tuy vậy, còn rất nhiều khó khăn ở phía trước chờ đợi Mozila, Jolla, Intel hay Samsung. Theo khảo sát của Appcelerator và IDC hồi tháng 4/2013, chỉ có 9% số người được hỏi nói rằng họ quan tâm tới Tizen, trong khi con số của Ubuntun và Firefox lần lượt là 19% và 25%. Ngay cả khi Mozilla có làm tốt hơn các nền tảng khác thì công ty này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thu hút được các nhà phát triển hiện đang chăm chú vào iOS, Android và Windows Phone.