Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng thắc mắc không biết có nên mua laptop có màn hình cảm ứng, sử dụng màn hình cảm ứng trên laptop có thuận tiện không, nên mua dòng laptop cảm ứng nào?
Có thể nói, xu hướng cảm ứng đã lan rộng trong thế giới công nghệ và các thiết bị số, mang lại cơ hội sáng tạo cho các nhà sản xuất truyền thống. Hãng Intel thậm chí đã đưa tiêu chí "có màn hình cảm ứng" vào các mẫu Ultrabook thế hệ thứ tư. Hãy xem một số mẫu laptop có màn hình cảm ứng trên thị trường hiện nay.
Loại "biến hình"
Laptop biến hình đã hiện diện từ khá lâu, cho phép người dùng gấp ngược màn hình và xoay theo bản lề để biến chiếc laptop thành một máy tính bảng. Điển hình cho thiết kế này là các mẫu Lenovo ThinkPad Twist, Dell XPS 12, Lenovo Yoga, Acer Aspire R7. Ưu điểm của thiết kế này là bạn có thể dựng đứng laptop trên bàn và thao tác trên màn hình một cách dễ dàng, thích hợp khi xem phim.
Những mẫu laptop có thiết kế này thường khó phân biệt với laptop thông thường, có trọng lượng và các thành phần khung máy không khác gì laptop thông thường. Hầu hết chúng có kích thước màn hình 11.6 inch và 13.3 inch, rất dễ sử dụng như một máy tính hàng ngày.
Nhược điểm của laptop "biến hình" là không thể gỡ bỏ bàn phím. Ngoài ra, do vẫn được trang bị các chi tiết phần cứng thông thường nên máy khá nặng, thường từ 2-4 kg. Kiểu thiết kế này phù hợp với những người dùng muốn sử dụng máy như một máy tính xách tay nhiều hơn là một máy tính bảng.
Loại gắn dock (dockable)
Đây là một dạng laptop có dock bàn phím rời, khi cần sử dụng như laptop, bạn chỉ cần gắn phần màn hình cảm ứng vào dock. Màn hình có chứa các thành phần quan trọng đối với hoạt động của máy tính, do đó, bàn phím chỉ là một thiết bị ngoại vi kết nối thông qua một cơ chế lắp ghép. Các mẫu máy dạng này bao gồm Asus Vivo Tab, HP Envy x2, Lenovo ThinkPad Helix.
Lenovo ThinkPad Helix
Các laptop màn hình cảm ứng dạng gắn dock có thể khó sử dụng trong chế độ máy tính xách tay bởi vì các thành phần hệ thống cốt lõi đều được đặt trong phần màn hình, khiến nó hơi nặng. Thường thì các mẫu máy này có màn hình không lớn hơn 12.1 inch (mặc dù có những trường hợp ngoại lệ), nghĩa là bàn phím sẽ khá nhỏ và cấu hình phần cứng yếu. Bộ xử lý Intel Core thế hệ 4 mới có thể mang lại tốc độ tương đối nhanh cho các laptop dạng gắn dock, nhưng các thành phần phần cứng cao cấp có thể rất đắt tiền. Những người dùng quan tâm tới hiệu suất làm việc của máy tính tốt hơn nên lựa chọn một laptop thông thường hoặc laptop biến hình.
Tuy nhiên, khi là một máy tính bảng, các mẫu gắn dock cho hiệu suất tốt hơn các thiết bị màn hình cảm ứng khác với Windows. Khả năng loại bỏ bàn phím cũng giúp giảm khá nhiều trọng lượng máy, xuống chỉ còn khoảng 1 kg, tương đương các máy tính bảng iPad 10 inch hoặc Google Nexus 10. Ngoài ra, nhiều mẫu còn tích hợp thêm một pin dự phòng trong dock bàn phím, có thể dùng để sạc máy tính bảng hoặc kéo dài thời lượng pin cho máy tính xách tay.
Loại trượt (slide)
Các laptop cảm ứng dạng trượt về cơ bản giống như laptop biến hình, nhưng thay vì xoay màn hình theo bản lề thì màn hình sẽ trượt trên mặt bàn phím và để lộ ra một bàn phím bên dưới màn hình cảm ứng. Các mẫu theo xu hướng này có thể kể đến Toshiba Satellite U920t, Sony Vaio Duo 11, Asus Eee Slider.
Các máy tính xách tay có sử dụng thiết kế này có xu hướng nhẹ và nhỏ với kích thước màn hình từ 10.1 – 12.5 inch. Về trọng lượng, chúng tương tự như loại gắn dock nhưng không bị nặng đầu. Nhược điểm của loại này là không gian bàn phím hạn chế và hầu như không có chỗ nghỉ tay (palmrest). Một số mẫu thậm chí không cung cấp touchpad trên bàn phím, đó có thể là một vấn đề đối với một số người dùng. Ngoài ra, thanh trượt thường cố định màn hình ở một góc nhất định, do đó nó không linh hoạt khi cần điều chỉnh màn hình.
So với một netbook thông thường thì mẫu máy tính dạng trượt này khá gọn nhẹ, tiện lợi, thao tác trượt đơn giản. Về cơ bản nó là một máy tính bảng phục vụ giải trí, nhưng khi cần làm việc bạn chỉ cần trượt bàn phím ra. Loại sản phẩm này phù hợp với những ai có ý định sắm một máy tính bảng mà ưu tiên cả giải trí và công việc.
Laptop cảm ứng "tiêu chuẩn"
Thực ra đây chính là mẫu laptop thông thường nhưng có thêm màn hình cảm ứng. Với yêu cầu bắt buộc của Intel đối với Ultrabook thế hệ thứ 4 là phải có màn hình cảm ứng, những mẫu laptop loại này sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Asus Vivobook S550CA
Thực tế, mẫu laptop này không thể sử dụng như một máy tính bảng, nghĩa là nó chỉ có một hình dạng như laptop truyền thống và bạn không thể xoay gập hay tách màn hình để biến nó thành máy tính bảng. Màn hình cảm ứng của máy được dùng như một touchpad khổng lồ.
Việc vươn người về phía trước để sử dụng cảm ứng trên màn hình nó không phải là một tư thế lý tưởng và dễ chịu, bàn tay của bạn cũng sẽ khá mỏi nếu phải thao tác lâu trên màn hình. Mặc dù vậy, nếu dùng thay touchpad thì thao tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng sẽ nhanh chóng và tiện lợi hơn, ví dụ khi bạn tắt/khởi động máy, hoặc bấm nút chơi nhạc, xem phim, lướt qua các trang web…
Máy tính xách tay màn hình cảm ứng xuất hiện trên thị trường từ khoảng cuối năm 2012 với giá khá cao, nhưng hiện nay giá đã hấp dẫn hơn nhiều. Hiện trên thị trường thậm chí có những mẫu chưa đến 9 triệu đồng.
Khảo sát trên thị trường hiện nay, hầu hết các hãng sản xuất laptop đều có vài mẫu laptop màn hình cảm ứng, nhưng nhiều nhất có lẽ là Sony và Asus. Các mẫu laptop này đều được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 8.
Nên chọn loại nào?
Mẫu máy tính "biến hình" có lẽ thích hợp nhất cho những người dùng muốn có một thiết bị duy nhất tất cả-trong-một, nhất là những người hay di chuyển và ưu tiên hơn cho công việc.
Nếu bạn cho rằng mình sẽ dùng chức năng máy tính bảng nhiều hơn máy tính xách tay, hãy chọn loại gắn dock, vừa giảm trọng lượng máy cầm trên tay vừa có thể dễ dàng biến thành laptop khi cần.
Thiết bị dạng trượt có lẽ ít được lựa chọn hơn, mặc dù nó khá tiện lợi vì bạn không phải nghĩ xem có nên mang theo bàn phím không – đơn giản vì chỉ cần trượt màn hình là có ngay bàn phím bên dưới. Dạng máy này không có nhiều kích thước để lựa chọn, đa phần là loại 10-11 inch, và cũng không có nhiều mẫu mã trên thị trường.
Máy tính xách tay truyền thống với màn hình cảm ứng có thể không thật hữu ích nếu bạn không hay dùng tính năng cảm ứng của màn hình. Màn hình cảm ứng được trang bị chủ yếu nhằm tối ưu việc sử dụng hệ điều hành Windows 8, nhưng do máy vẫn có thể sử dụng chuột, touchpad nên tính năng cảm ứng có thể bị "quên" hoặc ít dùng tới, trong khi bạn phải trả tiền để có thêm màn hình cảm ứng. Mặc dù vậy, cảm ứng là một xu hướng của tương lai máy tính nên nếu không muốn lạc hậu với xu hướng này, có thể bạn vẫn nên mua một chiếc.