6 bài học quí giá cho cuộc sống từ game

Nhiều người vẫn mang định kiến rằng game thủ là những người lười biếng, ít giao tiếp và thậm chí là… ăn hại.

 Song, nếu nhìn nhận một cách khách quan, bạn sẽ nhận thấy rằng game, giống như văn học và điện ảnh, cũng là một phương tiện để truyền tải cảm xúc và cả tri thức của con người.

bài học cuộc sống từ game
 

Bởi vậy, dù là game thủ chuyên nghiệp hay chỉ là một người chơi những game phổ thông như Candy Crush hoặc Plants vs. Zombies, bạn cũng có thể nhận ra rất nhiều bài học đáng quí từ game. Bài viết này không phải là bài viết đầu tiên về "các bài học từ game", song đây không phải là một bài viết hài hước, mà là những bài học rất-thật, rất hữu ích.

Hãy cùng thử chiêm nghiệm những bài học mà các biên tập viên của trang công nghệ MakeUseOf đúc rút được để thấy rằng game hoàn toàn có thể là một kênh giải trí giúp bạn trở thành một con người tốt đẹp hơn.

Bạn có thể làm được bất cứ điều gì

bài học cuộc sống từ game
 

Đây là một bài học mà bạn có thể được nghe ở bất kì đâu trong cuộc sống. "Không có gì là không thể cả". Các bậc cha mẹ sẽ động viên con cái mình như vậy. Thầy giáo sẽ động viên học sinh như vậy. Bạn bè cũng sẽ động viên bạn như vậy. Những người thuyết giảng trong những buổi học trị giá hàng trăm đô cũng sẽ nói với bạn như vậy. "Không có thứ gì nằm ngoài tầm với của bạn, miễn là bạn đặt hết tâm trí của mình vào đó".

Game sẽ biến lời nói đó thành hành động. Rất nhiều trò chơi có cùng một mô-típ "Tôi chỉ là một người trong thế giới này, nhưng chỉ một người vẫn có thể thay đổi cả thế giới". Ví dụ, có thể kể đến những trò chơi "nặng ký" nhất như Dragon Age, Call of Duty của thập niên 2010 hay thậm chí là cả trò chơi Mario của tuổi thơ. Trong game và trong cuộc sống, thành công của bạn chỉ bị giới hạn bởi sức cố gắng của chính bạn, và nếu bạn không biết cố gắng, bạn là kẻ thất bại.

Bạn không thể tự làm tất cả mọi thứ

bài học cuộc sống từ game
 

Khá trái ngược với bài học đầu tiên, các trò chơi hiện đại "dạy" bạn rằng bạn không thể làm được tất cả mọi thứ nếu không biết phối hợp với những người xung quanh. Thực tế, rất nhiều trò chơi sẽ dạy bạn cả 2 bài học này. Hãy thử nghĩ đến World of Warcraft hay Borderlands. Bạn có thể đánh bại những con quái vật có sức mạnh gấp hàng trăm (thậm chí là hàng nghìn) lần nhân vật của bạn, nhưng để làm được điều đó, bạn phải biết phối hợp với bạn bè. Tất cả mọi người đều có sức mạnh thay đổi thế giới, nhưng không có bất kì một cá nhân nào là toàn năng cả. Kể cả bạn.

Các trò chơi mang nặng tính phối hợp gần đây như Team Fortress 2 và Dota 2, League of Legends giúp bạn hiểu rõ được tầm quan trọng của teamwork (khả năng làm việc theo nhóm). Teamwork là một khái niệm được nhắc tới hàng ngày, hàng giờ trong công việc và trong cuộc sống của chúng ta. Teamwork là cách giải quyết mâu thuẫn, cách thỏa hiệp và cách cùng nhau đi đến thành công. Và các trò chơi là một trong những "trường học" tốt nhất dạy bạn về sức mạnh thực tiễn của teamwork.

Phải biết kiên trì

bài học cuộc sống từ game
 

Bạn không được bỏ cuộc. Càng khó khăn thì càng phải biết cố gắng. Không trải qua khó khăn thì sẽ không có vinh quang. Bất kể là trong sự nghiệp ngoài đời thực, trên màn hình đen trắng của trò chơi Pac-Man xưa cũ hay trong một cuộc du hành tại xứ sở Enroth (của loạt game Heroes of Might and Magic kinh điển), bài học mà bạn nhận được cũng sẽ là: Bạn không thể thành công nếu như bỏ cuộc ở bất kì thời điểm nào.

Trong game, bạn sẽ học được rằng thất bại luôn rình rập bạn ở khắp nơi. Bấm nút nhảy không đúng lúc, bạn sẽ ngã xuống vực. Đỡ đòn không đúng lúc, bạn có thể sẽ mất một "mạng". Lựa chọn sai trong một câu đố, bạn sẽ phải đi lại từ đầu màn chơi. Nhưng cũng giống như trong cuộc sống – nơi mà chúng ta có thể sợ sẽ mắc phải sai lầm, sợ bị mọi người từ chối, sợ mọi thứ diễn ra không như mong muốn…, các game thủ học được rằng con người buộc phải cố gắng, buộc phải thử sức mình nếu muốn đạt được thành công.

Nếu như bạn không thành công trong lần thứ nhất, hãy làm tiếp lần thứ 2, thứ 3… cho tới khi bạn thành công. Thành công ít khi được đo đếm bằng tài năng sẵn có, mà là bằng sự kiên trì của con người.

Không phải việc cần làm nào cũng sẽ mang lại cho bạn niềm vui

bài học cuộc sống từ game
 

Người ta vẫn nghĩ rằng các trò chơi điện tử chơi là để cho vui. Nhưng có những game, hay nói chính xác hơn là những trường đoạn trong game khiến bạn không cảm thấy vui một chút nào hết. Ví dụ, khi chơi game online, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian để "cày cuốc" lên cấp (level). Một số trò chơi giải đố có những câu đố khiến game thủ "vật vã" suy nghĩ hàng ngày trời. Khi chơi những trò chơi mang tính chất cạnh tranh như game bắn súng Counter Strike, chắc chắn sẽ có người thua cuộc. Ít người sẽ cảm thấy vui khi rơi vào những tình trạng này.

Bài học gắn liền với những lúc "không vui" trong game là: cũng giống như trong cuộc sống, không phải thứ gì cũng sẽ khiến bạn vui thích, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết cách thực hiện những công việc này để tận hưởng cảm giác thỏa mãn khi đã về đích.

"Cày cuốc" game online có thể là rất nhàm chán, tìm lời giải trong Đảo Khỉ có thể rất… đau đầu, thua một trận đấu trong Counter Strike khi đối phương chỉ còn ít "máu" là rất chán nản. Nhưng cũng nhờ có vậy mà khi bạn đạt đến level cao nhất trong Aion, vô địch giải CS cấp… tổ dân phố, cảm giác chiến thắng sẽ trở nên ngọt ngào hơn rất nhiều.

Phải biết quản lý tài nguyên một cách hợp lý

bài học cuộc sống từ game
 

Đây là bài học mà tất cả các game thủ Đế chế và Starcraft nằm lòng. Ngay cả game nhập vai cũng sẽ dạy bạn bài học này. Nói chung, các game thủ sẽ phải học cách suy nghĩ như sau:

- Bạn muốn một thứ gì đó.

- Bạn cần phải chi tài nguyên để thu được thứ bạn cần.

- Tài nguyên của bạn có giới hạn.

- Bạn sẽ phải lên kế hoạch hợp lý và mua những thứ quan trọng nhất trước tiên.

Trong game, bạn sẽ phải học cách cân bằng giữa túi tiền có hạn và tham muốn… bất tận của mình. Khi chơi game, sẽ không có ngân hàng nào cho bạn vay tiền hay làm thẻ tín dụng cho bạn, và trừ khi bạn ăn gian, bạn sẽ phải bỏ công sức để kiếm được các đồng tiền ảo. Cuộc sống không phải là một buổi tiệc buffet – nơi bạn có thể ăn bất kì thứ gì bạn muốn. Bởi vậy, qua game, hãy học cách sống hợp lý nhất, để tiêu xài một cách khôn ngoan và đạt được những gì quan trọng nhất đối với bạn.

Bạn có thể nghĩ rằng "tài nguyên" ở đây chỉ là tiền bạc, nhưng những gì chúng ta đang nói đến ở đây là cả thời gian, tiền bạc và công sức. Hãy suy nghĩ kĩ về bài học này.

Sẽ không có một câu chuyện cổ tích nào cả: Bạn sẽ phải trả giá cho tất cả các quyết định của mình

bài học cuộc sống từ game
 

Ai cũng muốn có một kết thúc có hậu cho câu chuyện của mình. Chúng ta hi vọng rằng thế giới này là công bằng, rằng nhân quả là có thật, và rằng những gì chúng ta đã phải hi sinh, đánh đổi sẽ giúp đem lại một kết cục tốt đẹp hơn. Tuy vậy, cuộc sống thường không mang lại trái ngọt, mà là những trái vừa-ngọt-vừa-chát cho con người.

Hãy thử nghĩ đến game Mass Effect. Sau hàng ngày trời "chăm chút" cho một nhân vật, một lúc nào đó bạn buộc phải đưa ra quyết định: hoặc là để mất "người bạn" này, hoặc là lựa chọn một hướng đi hoàn toàn trái ngược với giá trị đạo đức của bạn. Cuộc sống cũng vậy, đôi khi bạn đến đích, nhưng trên con đường, bạn mất đi những người bạn, mất đi lòng tự tôn và thậm chí là cả lòng nhân từ của mình. Các trò chơi dạy chúng ta rằng không có một lựa chọn nào là dễ dàng, và đôi khi, nếu bạn đưa ra những quyết định khó khăn, xin đừng thất vọng nếu cuối cùng mọi thứ không được như ý muốn của bạn.

Lời kết

Liệu rằng chơi game có thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn cuộc sống không? Câu trả lời có thể là có hoặc không. Nhưng, có rất nhiều người đã học được những bài học quí giá từ game. Hãy nhớ rằng, game cũng là một phương tiện truyền thông: nếu như bạn có thể học được một bài học quí giá từ bộ truyện Harry Potter hay từ bộ phim Casablanca, bạn cũng có thể học được nhiều bài học từ game.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại