Root một thiết bị Android là việc dành quyền điều khiển cấp cao nhất để can thiệp trực tiếp vào những tập tin hệ thống của chính thiết bị đó. Với những thiết bị Android nguyên bản (chưa được root) khi mới mua về, người dùng chỉ có quyền sử dụng thiết bị tương tự như tài khoản khách (Guest) trên máy tính Windows. Sau khi root thành công thiết bị Android, người sử dụng sẽ nhận được những lợi ích sau đây:
Dễ dàng tùy biến giao diện
Cho dù nhà sản xuất các điện thoại Android đã làm khá tốt trong việc đánh bóng diện mạo hệ điều hành trên thiết bị của mình, thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn không có quyền được tùy biến nó. Root cho phép bạn thực hiện những tác vụ như thay đổi logo khi máy khởi động, thay đổi cách thiết kế màn hình khóa hoặc thay đổi cả theme mặc định của hệ điều hành Android.
Có rất nhiều ứng dụng như ADW Launcher, 360 Launcher, GO Launcher EX… cho phép bạn thay đổi giao diện bằng các theme cũng như biểu tượng khác nhau. Và tất cả những bộ giao diện này được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Ngoài cách thay giao diện bằng phần mềm, bạn có thể tải về các bản ROM khác nhau và đa dạng từ có tính tùy biến cao đến cơ bản là Android nguyên gốc.
Cài đặt thêm các ứng dụng ngoài
Dù Google Play hiện sở hữu kho ứng dụng khổng lồ nhưng không hẳn tất cả trong số chúng đều là những phần mềm có chất lượng cao. Thực tế nếu root thiết bị Android, người dùng còn có thể sử dụng được các ứng dụng tuyệt vời hơn và tận dụng tốt hơn khả năng của thiết bị. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể thực hiện một số tác vụ mà nhà mạng, nhà sản xuất hoặc thậm chí Google không cho phép.
Bên cạnh việc cài đặt thêm những ứng dụng mạnh mẽ bên ngoài Google Play vào hệ thống, người dùng còn có thêm lựa chọn gỡ bỏ các ứng dụng được cài đặt sẵn trên máy trước khi xuất xưởng; di chuyển các ứng dụng từ ROM sang thẻ nhớ rời.
Sao lưu và khôi phục dữ liệu dễ dàng hơn
Hiện đã có khá nhiều các ứng dụng hỗ trợ sao lưu dữ liệu cho chiếc điện thoại smartphone Android, thế nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ sao lưu các dữ liệu cơ bản như danh bạ, hình ảnh, âm nhạc,… trong khi đó nếu sở hữu một thiết bị đã root, người dùng có thể sao lưu toàn bộ dữ liệu hiện có trong điện thoại của mình.
Đơn cử như Titanium Backup, ứng dụng không chỉ cho phép người dùng sao lưu các ứng dụng mà còn sao lưu cả phần thông tin chứa trong ứng dụng đó. Trong trường hợp bạn đang đang soạn thảo nhiều tài liệu trong Quick Office Pro mà lại phải xóa dữ liệu máy vì một vài lí do, bạn có thể dùng Titanium Backup để sao lưu và sau đó phục hồi lại dữ liệu và tiếp tục quá trình làm việc của mình.
Thêm nhiều tính năng hữu ích
Như đã đề cập, root Adroid cho phép người sử dụng có quyền hạn "tối cao" với các tuỳ chỉnh, cho phép vượt xa hơn những tính năng hiện có trên smartphone. Chẳng hạn như thiết lập ra các danh sách các số điện thoại có thể gọi/nhắn tin, chặn các cuộc gọi/tin nhắn rác, kết nối tay cầm PlayStation và điện thoại để trải nghiệm trò chơi, xóa bỏ các mối lo ngại về các cuộc tấn công khi sử dụng Wi-Fi công cộng, khôi phục dữ liệu đã bị xoá nhầm….
Dễ dàng cập nhật các bản nâng cấp hệ điều hành
Không đơn giản như iOS, vấn đề cập nhật hệ điều hành trở nên phức tạp hơn với người dùng Android. Mặc dù là hệ điều hành mở, thế nhưng việc cập nhật OS cho mỗi dòng máy lại phụ thuộc vào vấn đề thỏa thuận giữa Google, nhà mạng và nhà sản xuất. Và người dùng thường phải chờ đợi các hệ điều hành mới được cập nhật chính thức dành riêng cho hệ máy của mình.
Trong khi đó nếu root Adroid, người dùng có thể tự tải và cài đặt các bản ROM khác thay thế cho bản ROM gốc của thiết bị. Những bản ROM thay thế này thường là những phiên bản Android mới hơn đã được các nhà phát triển khác nhau tùy biến về giao diện hiển thị, mức tiêu thụ pin hay sửa lỗi theo ý họ để hoạt động tối ưu hơn. Một số thiết bị Android trên thị trường thường xuyên có những bản ROM cập nhật mới trên những trang web chuyên cung cấp có uy tín như XDA-Developers, AndroidSpin.