Ở một đất nước có mặt bằng thu nhập không phải ở mức cao như Việt Nam, việc một người suy nghĩ, đắn đo khi chọn mua cho mình một chiếc điện thoại vừa ý không phải là hiếm. Làm sao để có thể sở hữu một chiếc điện thoại mà mình cảm thấy thích, thỏa mãn các yêu cầu về “ngoại hình” lẫn “nội dung” bên trong luôn là một câu hỏi lớn. Bên cạnh đó, giá bán của một chiếc điện thoại cũng không phải là rẻ và thường tuân qui luật là “càng đắt thì sẽ càng tốt, càng tối tân và càng đẹp”. Để các vấn đề khi chọn mua điện thoại trở nên rõ ràng và dễ cân nhắc hơn, bạn nên làm 5 việc sau trước khi đưa ra quyết định cuối cùng:
1. Suy nghĩ kĩ về mục đích sử dụng
Có rất nhiều nguyên nhân liên quan tới mục đích sử dụng khiến bạn quyết định mua một chiếc smartphone mới. Thường thì lí do này xoay quanh việc bạn muốn tìm tới cho mình một trải nghiệm sử dụng tốt hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng ở đây đó là bạn cần chiếc điện thoại mới ở các góc độ tính năng nào: nghe gọi chất lượng tốt, chụp ảnh đẹp, chơi game “khủng”, lướt web nhanh, mạng xã hội tiện lợn, “nghịch” hệ điều hành và phần mềm,... Thường thì sẽ có một số chiếc điện thoại đáp ứng tốt một hoặc một nhóm các tính năng mà bạn cần, hãy tìm ra lựa chọn cuối cùng của mình ở trong đó.
2. Mình có thể chi được tới đâu
Trừ phi bạn có thu nhập quá cao và thừa sức mua bất cứ mẫu điện thoại nào trên thị trường, yếu tố về tài chính vẫn luôn được đa phần người tiêu dùng cực kì xem trọng. Điều này dẫn tới việc bạn thường tham khảo rất nhiều mức giá khác nhau từ nhiều người bán. Trước khi làm việc này, hãy giới hạn cho mình một mức giá trần mà bạn có thể “chịu chơi” cho chiếc điện thoại mới. Bạn có quyền lựa chọn và việc “nghiến răng” vượt qua khả năng của mình một chút để rồi có một cuộc sống “cơ cực” suốt một thời gian dài sau đó thực sự là không nên. “Mua iPhone để rồi cả tháng nằm nhà ăn mỳ tôm”, có cần thiết phải tự làm khổ mình như vậy?
3. Tham khảo ý kiến của những người xung quanh
Việc ai đó ưa thích một hay nhiều mẫu điện thoại và muốn mua nó là hết sức bình thường trong cuộc sống. Mặc dù vậy, mua một chiếc điện thoại mới mà mình chưa từng được cầm nắm, thử trải nghiệm các tính năng của nó thực sự là một điều không nên. Tham khảo ý kiến của những người xung quanh có kinh nghiệm sử dụng điện thoại bao giờ cũng tốt hơn là “hoa mắt” với các thông tin quảng cáo vốn chỉ phô ra ưu điểm của nó. Ngoài ra, các trang tin công nghệ cũng luôn có những bài đánh giá ưu, nhược điểm, các góc độ tính năng của các mẫu điện thoại. Đây là một kênh thông tin hết sức hữu dụng đối với bạn để có cái nhìn chính xác hơn về lựa chọn của mình.
4. Bạn có thực sự thích chiếc điện thoại đó?
Câu hỏi trên có phần nào đó sẽ khiến bạn thấy hơi giống với tiêu chí thứ nhất được đưa ra. Mặc dù vậy, đây không phải là một câu hỏi đặt ra để phủ định lại lựa chọn của bạn đối với một chiếc điện thoại. Điều mà bạn cần làm chính là hiểu rõ mình thích chiếc điện thoại sắp mua ở điểm nào? Những điểm này đến từ chính suy nghĩ của bản thân bạn hay chỉ là vì xu hướng, trào lưu của số đông xung quanh. Hãy tìm cho mình một vài lí do khác với phần lớn số đông xung quanh, nếu không, bạn sẽ rất nhanh “chán” chiếc điện thoại mới của mình.
5. Cân nhắc giữa việc mua “hàng mới” và “hàng dùng lướt”
Bạn nên mua cho mình một chiếc điện thoại mới, tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng cần phải làm thế. Trên thị trường vẫn luôn có rất nhiều chiếc điện thoại “second hand” với chất lượng vẫn còn khá tốt mà giá bán rẻ hơn rất nhiều so với một chiếc còn mới tinh. Lợi ích lớn nhất mà bạn có được từ việc chọn một chiếc điện thoại “dùng lướt” chính là về tài chính và ngoài ra có thể là các kinh nghiệm đến từ chủ cũ của nó nữa. Tuy nhiên, mua đồ cũ luôn tiềm ẩn các rủi ro của nó nếu bạn mua lại của một người mà mình không quen biết. Trong khi đó, mua mới một chiếc điện thoại lại đem lại cảm giác yên tâm tuyệt đối, chưa kể đến những cảm xúc “khó tả” khi chúng ta “unboxing” nó nữa.