Bộ truyện tranh Doraemon đã gắn liền mật thiết với tuổi thơ của hầu hết thế hệ 8x, 9x, gần như tạo nên một dấu ấn không thể phai mờ với trí tưởng tượng phong phú và các cuộc phiêu lưu kỳ diệu, nuôi dưỡng ước mơ.
Tuy nhiên, tạm gác các lý tưởng cao siêu lại, chú mèo máy Doraemon trong truyện có lẽ mới chính là nhân tố thu hút nhiều nhất về sự độc đáo và đa năng, đặc biệt là đôi bàn tay tròn ủn, không ngón nhưng vẫn thực hiện được tất cả mọi thao tác chính xác như người thường.
Tay không ngón mà cầm cốc như chơi?
Theo lý giải trong truyện, đó là vì bàn tay của Doraemon có công nghệ từ trường hấp dẫn từ thế kỷ 22, cho phép tạo ra lực hút phục vụ mọi ý thích của mình với vật dụng cần cầm nắm. Vậy nếu nói điều đó cũng đã xuất hiện ở ngoài đời thực, thậm chí từ tận gần chục năm trước thì bạn có tin không?
Thực chất, ngay từ năm 2010, các nhà khoa học tại Đại học Chicago đã làm được điều tương tự khi cho ra đời một bàn tay robot tròn vo nhưng vẫn đảm đương công việc cầm nắm đồ vật, thậm chí viết chữ không khác gì con người.
Theo chuyên gia vật lý Eric Brown khi ấy, cấu tạo bàn tay với các ngón tay thực sự hoàn thiện với con người, nhưng dành cho robot thì chưa chắc - chúng có thể trở nên vụng về, không kiểm soát được đúng lực nắm, thậm chí bóp nát cả vật thể lúc nào không biết.
Vì thế, họ đã chế tạo thành công một cơ chế tay mới không cần ngón tay để dành cho máy móc. Brown và đồng nghiệp sử dụng một lớp vỏ cao su tròn, bên trong chứa đầy các hạt cà phê hoặc hạt kính nhỏ nhồi vào.
Mỗi khi "bàn tay" này được robot nhận biết là đang tiếp xúc với vật thể cần thao tác, một ống hút sẽ rút hết khí bên trong vỏ cao su và khiến bàn tay này ép chạt theo mọi hướng có thể vào đối tượng cầm nắm.
Lực hút thao tác không cần lớn lao, thường chỉ đủ thu nhỏ thể tích tay cao su nhỏ đi 1% thôi là quá đủ để nắm chặt mọi vật dính vào rồi. Do đó, Brown đánh giá nó rất dễ sử dụng, tiện lợi và không cần nhiều thứ chi tiết như ngón tay hay lực hút phải quá mạnh.
Cấu tạo này được đánh giá là lý tưởng cho các vật thể cứng, khô và có hình thái nhất định, cho nên họ cần nghiên cứu thêm cho các đồ dùng có mặt đĩa hoặc lỗ hổng trên bề mặt vì nó sẽ làm giảm lực hút.
Được biết, chỉ cần đủ lực chiếm khoảng 1/4 bề mặt cần tiếp xúc là bàn tay này có thể cầm nắm dễ dàng được. Thiết kế này thực ra đã từng nổi lên từ trước năm 2010, nhưng đến khi Brown và cộng sự bắt tay vào mới làm ra sản phẩm thực sự.
Cũng có một số phương án cải tiến được đưa ra như dùng chất liệu dính cho lớp vỏ cao su... Trước hết, đây là công nghệ được tính toán để hỗ trợ làm tay giả cho người khuyết tật, đồng thời ứng dụng cho các robot và máy móc hỗ trợ con người làm việc.