Bác sĩ Ngọc Quyên thăm khám một người trẻ có những dấu hiệu bị suy giảm nhận thức - Ảnh: M.T.
Suy giảm nhận thức (thường gọi là chứng hay quên) ở người trẻ có xu hướng gia tăng sau dịch COVID-19. Bệnh nhân đến khám than phiền với bác sĩ rằng mình hay quên, giảm tập trung... làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nhiều đến kết quả công việc, học tập.
Quên đón con, quên luôn cách đi đường
Thời gian gần đây, phòng khám thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ đến khám vì quên, khả năng có suy giảm nhận thức liên quan trí nhớ.
Trong số này có nhiều bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 nên phải khám "kép" tại phòng khám hậu COVID-19 và thần kinh. So với thời điểm trước dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đến khám vì vấn đề rối loạn trí nhớ có tăng.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Quyên - khoa thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết phần lớn bệnh nhân đến khám tại bệnh viện với than phiền giảm tập trung, giảm chú ý, hay quên.
Họ phải "gồng mình" hơn trước đây nhưng chứng hay quên càng tồi tệ hơn nên phải đến bệnh viện "cầu cứu".
Một số tình huống đặc biệt như một anh tài xế trong độ tuổi 40 được vợ đưa đến khám vì tình trạng hay lạc đường trong thời gian gần đây, trong khi rành rọt về đường sá vốn là sở trường của anh.
Để khắc phục, anh dùng bản đồ điện tử trên điện thoại để trợ giúp nhưng lại gặp rắc rối trong việc thông hiểu diễn giải của bản đồ này. Qua thăm khám, người bệnh được nhận định tình trạng suy giảm nhận thức cấp. Sau khi tầm soát căn nguyên đã phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ não cấp vùng thái dương trái.
Những trường hợp khác đến gặp bác sĩ với các than phiền như quên đón con vài lần, hay quên công thức nấu những món quen thuộc, đi chợ thì quên chỗ gửi xe, trả tiền nhiều lần khi mua hàng, gặp bối rối trong tính toán những phép toán đơn giản vì phụ thuộc vào máy tính, điện thoại...
Bác sĩ Quyên cho hay suy giảm nhận thức nhẹ là tình trạng thay đổi các chức năng nhận thức khi so sánh với nhóm dân số cùng độ tuổi và cùng trình độ văn hóa, nhưng chưa ảnh hưởng đến các hoạt động sống thường nhật.
Suy giảm nhận thức nhẹ được phân thành hai nhóm chính: suy giảm nhận thức nhẹ liên quan trí nhớ và suy giảm nhận thức nhẹ liên quan các lĩnh vực nhận thức khác như khả năng tập trung chú ý, ngôn ngữ, khả năng điều hành, thị giác không gian và hành vi thích ứng.
Liên quan đến lối sống hiện đại
Bác sĩ Quyên cho rằng lối sống hiện nay có ảnh hưởng đến một số chức năng nhận thức của người trẻ, đặc biệt là nhóm khả năng tập trung chú ý và ghi nhớ.
"Thực tế cho thấy lối sống hiện đại bận rộn, người trẻ buộc phải sử dụng và lệ thuộc nhiều vào các thiết bị công nghệ , dễ sao nhãng, đa nhiệm, ít phải dùng đến não bộ xử lý các vấn đề liên quan đến tính toán...
Bên cạnh đó còn ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo dẫn đến thừa cân, hoặc ăn kiêng quá đà gây suy dinh dưỡng, ngủ muộn, ngủ không đủ giấc, stress, căng thẳng, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích", bác sĩ Quyên nói.
Không có thuốc điều trị, khi nào cần gặp bác sĩ?
Hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào được FDA (Hiệp hội Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) công nhận trong điều trị suy giảm nhận thức nhẹ hoặc làm chậm tiến triển tình trạng suy giảm nhận thức.
Tuy vậy có một số thuốc được công nhận có lợi trong điều trị triệu chứng trên người bệnh Alzheimer, nhưng chúng cũng chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định của bệnh.
Theo khuyến cáo chung từ các chuyên gia, khi người bệnh ghi nhận có sự thay đổi các chức năng nhận thức (như hay quên) hoặc tình trạng suy giảm nhận thức được bạn bè/ gia đình ghi nhận thì nên gặp chuyên gia.
Ngoài ra, việc tầm soát thay đổi chức năng nhận thức được khuyến cáo trên nhóm dân số có yếu tố nguy cơ như: sa sút trí tuệ có tính gia đình, người bệnh đột quỵ.
Bên cạnh đó cần chú ý đến một số dấu hiệu báo động về bất thường chức năng nhận thức cần được khám và đánh giá gồm: hỏi đi hỏi lại cùng một câu nhiều lần, đi lạc tại một địa điểm bản thân người bệnh biết rõ, gặp trục trặc khi hiểu một công thức nấu ăn hoặc theo bảng chỉ phương hướng giao thông, thường xuyên lẫn lộn về thời gian, tên người và nơi chốn, bỏ bê chăm sóc bản thân (ăn kém, bỏ tắm rửa, hoặc hành xử không an toàn).
Giảm nguy cơ mắc bệnh ra sao?
Việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ giúp giảm nguy cơ mắc suy giảm nhận thức như khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh lý các hệ cơ quan, bỏ thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia, ngủ đủ giấc (7-8 tiếng), ăn chế độ ăn Địa Trung Hải, giữ cân nặng ở mức cân đối, tập thể dục thường xuyên.
Hiện Hiệp hội Thần kinh Hoa Kỳ (AAN) đã ghi nhận những bằng chứng đáng khích lệ về mối liên kết giữa tập thể dục và cải thiện trí nhớ trên người bệnh có suy giảm nhận thức nhẹ. Các bài tập luyện nhận thức bằng máy vi tính hoặc video giúp thúc đẩy sự sắc bén của các hành vi thích ứng và khả năng tập trung chú ý.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Quyên
Suy giảm nhận thức nhẹ tiến triển thế nào?
Có phải tất cả các trường hợp suy giảm nhận thức nhẹ đều tiến triển thành sa sút trí tuệ? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Quyên cho biết khoảng 20% người bệnh suy giảm nhận thức nhẹ có thể phục hồi tình trạng nhận thức và 45% vẫn duy trì tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ mà không tiến triển thêm. Tiến triển của suy giảm nhận thức nhẹ thay đổi tùy theo căn nguyên sinh bệnh và cơ địa người bệnh.
Người bệnh có thể hồi phục tình trạng nhận thức nhanh trong những trường hợp có căn nguyên liên quan chuyển hóa hoặc do thuốc (bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý gan, thận, do thuốc/độc chất...).
Trường hợp suy giảm nhận thức do bệnh lý thoái hóa thần kinh như trong bệnh Alzheimer, thời gian tiến triển từ suy giảm nhận thức nhẹ đến sa sút trí tuệ có thể mất khoảng 2-5 năm.