Từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đến ngày 22/11/2016, Quốc hội quyết định tạm dừng triển khai dự án trên.
Tại họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 23/10, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, khi đó, lý do quyết định tạm dừng thực hiện dự án là do nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có chủ trương phát triển điện hạt nhân từ lâu, tuy nhiên đã tạm dừng. Hiện tại, theo chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ đang nghiên cứu lại thực tiễn để đánh giá việc có nên triển khai hay không.
Thứ trưởng cho biết thêm, một số nước có nhu cầu phát triển tăng gấp 2-3 lần điện hạt nhân. Như với Nhật Bản, Pháp tính toán tỉ trọng điện hạt nhân là 20 - 25%. Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero.
Tại dự án Luật Điện lực (sửa đổi), quy định, quy hoạch phát triển điện hạt nhân là một phần gắn liền và đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan.
"Tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả", dự án Luật Điện lực (sửa đổi) nêu.
Hiện nay Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển dự án điện hạt nhân. Về công nghệ, quan điểm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ kiểu mới, tiên tiến và đặc biệt là đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn. Điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cũng xác định, các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.
Để xác định thời điểm khởi động lại dự án điện hạt nhân, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và có khoanh vùng một vài phương án. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ Công Thương đang phối hợp nghiên cứu sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương từ đó sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch điện khi đó mới có cơ sở tiếp tục triển khai.