Các nhà khoa học đã sử dụng tia rentgen để nghiên cứu xác ướp. Công nghệ mới ở Thụy Điển được cho là bước đột phá trong lĩnh vực này.
Các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Hoàng gia Stockholm sử dụng kỹ thuật chụp ảnh cắt lớp để miêu tả các mô mềm xác ướp Ai Cập. Nhờ vậy, chúng ta có thể nhìn thấy những chi tiết sinh học của xác ướp với độ phân giải 6 - 9 micromet (lớn hơn đường kính hồng cầu một chút).
Bàn tay mà các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu được chở từ Ai Cập đến Thụy Điển vào cuối thế kỷ XIX, được ướp từ khoảng 400 năm trước Công nguyên. Công nghệ mới cho phép các nhà khoa học nhìn thấy dây thần kinh, hệ tuần hoàn, đặc biệt là các lớp da, thậm chí các phần còn lại của tế bào lipid.
Điều này không chỉ cho phép tạo ra những bức ảnh có độ phân giải cao, mà còn phục vụ cho công tác tìm hiểu những căn bệnh thời cổ đại.
"Trong trường hợp nghiên cứu xương và những chất liệu đặc khác, độ tương phản hấp thu diễn ra rất tốt, tuy nhiên trong trường hợp các mô mềm độ tương phản không cung cấp đủ thông tin chi tiết. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị công nghệ dựa trên tạo hình ảnh với phương pháp tương phản pha" - bà Jenny Romell ở Viện Công nghệ Hoàng gia Stockholm cho biết.
Hình ảnh rentgen cùng tương phản pha phát hiện cả hấp thụ cũng như dịch chuyển pha xuất hiện khi bức xạ X đi qua mẫu vật. Điều này tạo ra những cung bậc tương phản và cho phép nhận được nhiều chi tiết, chứ không chỉ hình ảnh đen trắng đơn giản.
Các nhà khoa học cho rằng trong tương lai công nghệ non trẻ này sẽ trở thành một trong những công cụ cơ bản, sử dụng trong khảo cổ học.