Công nghệ lưỡng dụng - quân bài tẩy lợi hại của Trung Quốc

Hương Giang |

Mỹ từng là quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ lưỡng dụng, với khả năng mang lại lợi ích cho cả lĩnh vực dân sự lẫn quân sự. Nhưng nay Trung Quốc đang bứt phá rất nhanh, thậm chí trên nhiều mặt còn vượt qua cả Mỹ và quan trọng là họ làm được việc này dựa trên sức mạnh nội lực, với chiến lược bài bản khiến giới chuyên gia kinh ngạc.

Mối đe dọa từ một màn trình diễn ấn tượng

Bầu trời đêm đang tối đen bỗng xuất hiện vô số đốm sáng lung linh với đủ màu xanh, đỏ và hồng, như những chiếc đèn lồng kỳ lạ. Tất cả di chuyển, đan xen vào nhau, biến hóa, tạo thành vô số hình ảnh, con chữ bắt mắt. Tuy nhiên những đốm sáng đó không phải đèn lồng hay đom đóm, mà là máy bay không người lái.

Tổng cộng 1.000 chiếc máy bay không người lái đã tham gia màn bay đội hình lớn nhất kể trên, để đánh dấu thời điểm kết thúc tết Âm lịch. Kỳ tích khiến đám đông khán giả ở Quảng Châu, Trung Quốc, kinh ngạc, đồng thời lập kỷ lục thế giới mới.

Dù màn trình diễn này, được thực hiện hồi tháng 2 năm nay, có không khí hội hè và chỉ mang màu sắc giải trí, nó đã được nhắc tới tại một phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ về các vũ khí tiên tến của Trung Quốc.

Trong buổi điều trần trước Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc, diễn ra chỉ 2 tuần sau màn trình diễn đèn lồng, Elsa Kania - cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc và là một chuyên gia về công nghệ Trung Quốc - đã coi sự kiện là hành động "phô trương kỹ thuật điều khiển bầy - đàn" và có khả năng ứng dụng quân sự rõ ràng.

Theo bà, cùng một công nghệ đứng sau màn trình diễn có thể được sử dụng trong một "hệ thống tấn công phối hợp bầy đàn, tại đó các module chứa vũ khí có thể được gắn lên nhiều máy bay không người lái cỡ nhỏ".

Màn trình diễn ở Quảng Châu là ví dụ hoàn hảo cho thấy sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ lưỡng dụng - những công nghệ có khả năng ứng dụng trong cả dân sự lẫn quân sự. Cần biết rằng việc khoản đầu tư vào những lĩnh vực này luôn có thể mang lại lợi ích kép, cho quân đội và nền kinh tế của một quốc gia.

Ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tiêu tiền ngân sách vào việc nghiên cứu công nghệ bay không người lái. Công nghệ này trước tiên sẽ mang lại lợi ích cho quân đội, nhưng sau đó các tiến bộ thu được từ hoạt động nghiên cứu sẽ thúc đẩy các công ty tư nhân tham gia đầu tư thêm.

Thành quả thu được có thể là một hệ thống chuyển hàng tự động dựa trên máy bay không người lái, trong đó các robot bay sẽ tự lấy hàng từ kho và chuyển tới tay khách hàng. Và khi công nghệ máy bay không người lái dân sự phát triển đủ sâu rộng, nó sẽ được chuyển giao trở lại cho quân đội, qua đó tạo ra ưu thế vượt trội về sức mạnh công nghệ so với các đối thủ.

Máy bay không người lái hoạt động theo đàn rõ ràng chỉ là một phần nhỏ của bức tranh. Trung Quốc hiện đang sở hữu hoặc nhắm tới nhiều vũ khí dựa trên công nghệ lưỡng dụng. Đó là bom điều khiển bằng laser, các thiết bị gây nghẽn có thể cắt đứt hoạt động liên lạc vệ tinh, các vũ khí sử dụng năng lượng như pháo laser, vũ khí dùng vi sóng và sóng điện từ...

Richard Fisher, một nhà phân tích tại Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế, từng nhìn thấy laser sợi quang của Trung Quốc - một công nghệ đóng vai trò quan trọng cốt yếu có thể giúp tạo ra các vệ tinh chiến đấu trang bị vũ khí laser - tại một cuộc triển lãm diễn ra trong năm nay ở Abu Dhabi.

Các chuyên gia khác chỉ ra rằng thông qua chương trình chinh phục vũ trụ, Trung Quốc thậm chí có thể sẽ muốn thiết lập nhiều căn cứ trên Mặt trăng, để phục vụ các mục tiêu dân sự và quân sự. "Trung Quốc đang có sự tiến bộ trong rất nhiều siêu dự án quân sự", Andrew Erickson, một giảng viên ở trường Đại học chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết.

Như thế, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế độc tôn của Mỹ về mặt quân sự đã bị đe dọa thực sự. Theo Kania, quân đội Trung Quốc đang tìm cách sử dụng các công nghệ lưỡng dụng như máy bay không người lái, trí thông minh nhân tạo (AI) và tự động hóa như một biện pháp để "nhân sức mạnh quân sự" lên nhiều lần.

Bà nói rằng nếu quân đội Trung Quốc làm chủ các công nghệ này, họ có thể thay đổi cán cân quân sự trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và làm tăng thách thức với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các đồng minh trong khu vực.

Tiếp cận "những viên ngọc quý" của Mỹ

Trong nhiều năm qua, Châu Á đã khá yên bình. Điều này có nghĩa các nước trong châu lục có thể đầu tư nguồn lực để mang lại sự thịnh vượng cho người dân, thay vì chi tiêu vào mua sắm vũ khí vốn rất đắt đỏ.

Nhưng nay, một số người đang tự hỏi rằng liệu điều này có sắp thay đổi? Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã nói hồi đầu năm nay rằng một phần lớn tương lai của Mỹ "sẽ gắn chặt với Châu Á".

Ông tuyên bố Mỹ cần tiếp tục tăng cường khả năng quân sự để duy trì vị thế quân đội mạnh nhất khu vực và coi Trung Quốc là đối tượng chính cản trở nguyên tắc phi quân sự hóa.

Lời lẽ của ông Carter cho thấy một cuộc ganh đua quân sự ngấm ngầm giữa đôi bên - một phần trong màn cạnh tranh dữ dội hơn về kỹ thuật giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Tuy nhiên việc so sánh cuộc chạy đua này với những gì diễn ra trong thời Chiến tranh Lạnh cách đây 60 năm là rất khập khiễng, bởi bản chất của chiến tranh đã thay đổi về căn bản. Các cuộc xung đột hôm nay ngày càng diễn ra nhiều tại những khu vực được gọi là "vùng xám".

Trong quá khứ, chiến tranh được phát động giữa các chính quyền hoặc các nhóm có thể xác định được danh tính, với động cơ rõ ràng. Nhưng nay các nhân tố phi nhà nước, hoặc thậm chí là các cá nhân, có thể thực hiện những hành động vốn được xem là tuyên chiến, trong khi không làm lộ thân phận thực hoặc cho thấy rõ mục tiêu của chúng là gì.

Ví dụ, nếu một vệ tinh viễn thông quân sự bị tin tặc tấn công, liệu đó có phải là hành vi tuyên chiến? Và một quốc gia sẽ trả đũa ra sao, khi chẳng có ai đứng ra nhận đã thực hiện hành động này. Rõ ràng là tại môi trường mới này, bên nào nắm được sức mạnh công nghệ sẽ có lợi thế cực lớn so với đối thủ.

Hồi tháng 2 năm nay, một nghiên cứu mang tên "Chiến lược chuyển giao công nghệ Trung Quốc" đã báo động về khả năng nước này có thể tiếp cận với "những viên ngọc quý nhất hình thành từ hoạt động nghiên cứu sáng tạo của Mỹ".

Được thực hiện dành riêng cho Đơn vị thử nghiệm đổi mới quốc phòng (DIUx), một bộ phận thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, báo cáo đã vẽ ra tương lai trong đó hệ thống cung cấp trang thiết bị và dịch vụ quân sự của Mỹ dần phải lệ thuộc vào các công ty do Trung Quốc nắm quyền sở hữu.

Báo cáo nói rằng gần đây, 10% tiền đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đã đổ vào các công ty công nghệ Mỹ. Tuy nhiên đây chỉ là "một phần nhỏ trong câu chuyện lớn hơn về việc chuyển giao ồ ạt công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc, đã diễn ra suốt nhiều thập kỷ".

DIUx, được thành lập để sửa chữa mối quan hệ đang rất xấu xí giữa Lầu Năm Góc và giới công nghệ Mỹ ở Thung lũng Silicon sau vụ Edward Snowden tiết lộ tin tức mật, cảnh báo quá nhiều sự cải tiến, đổi mới, phát minh trong công nghệ lưỡng dụng của Mỹ đang được chia sẻ với các công ty Trung Quốc.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều thành tựu đột phá, nằm sau thế hệ vũ khí và công nghệ quân sự tiếp theo, đang được thúc đẩy bởi các công ty tư nhân nhỏ.

"Các công nghệ tạo ra những thứ vũ khí đó được phát triển bởi những công ty công nghệ non trẻ đang ở giai đoạn đầu. Nếu chúng ta để Trung Quốc tiếp cận với các công ty này, ta sẽ không chỉ mất ưu thế vượt trội về công nghệ mà còn giúp thúc đẩy sự vượt trội về công nghệ của Trung Quốc", báo cáo viết.

Sự cảnh báo là không thừa thãi. Gần đây các công ty Trung Quốc đã hoạt động rất tích cực trong ngành công nghệ cao ở Mỹ.

Daniel Slane, một thành viên của Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung, đã nêu lên quan ngại rằng nhiều công ty có liên quan tới ngành công nghiệp quang điện tử - vốn đóng vai trò cốt yếu trong việc tạo ra những loại cảm biến giúp các xe tự hành an toàn hơn - đang bắt đầu chuyển trụ sở tới Trung Quốc.

Haiyin Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc, đã mua một lượng cổ phiếu nhỏ ở Neurala, một công ty về AI có trụ sở ở Boston, chuyên thực hiện các hợp đồng cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Không lực Mỹ.

Điều này đã khiến một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ kinh hãi. Ngoài ra còn phải kể tới một thực tế rằng phần lớn các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, gồm Baidu, nhà sản xuất máy bay không người lái số 1 thế giới DJI, Huawei Technologies và Tencent Holdings đều vẫn đang duy trì các phòng nghiên cứu của họ tại bờ Tây của Mỹ.

Thế nhưng người Trung Quốc không chỉ biết đi nhòm ngó và chôm chỉa bí kíp. Đã qua cái thời họ chỉ làm một việc đơn giản là sao chép công nghệ. Giờ Trung Quốc còn đang tạo ra một môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới sáng tạo.

Ví dụ, trước đây Trung Quốc chỉ trao vốn hỗ trợ nghiên cứu cho các trường hợp cụ thể, dựa nhiều vào mối quan hệ với chính trị. Chính sách này đã khiến nhiều nhà khoa học tài giỏi rời khỏi Trung Quốc, theo nhận xét của nhà vật lý Shoucheng Zhang, người hiện đang giảng dạy tại Đại học Stanford.

Nhưng nay, các khoản vốn hỗ trợ nghiên cứu đã được trao dựa trên thành tích và uy tín của nhà khoa học. Thậm chí một tổ chức tư vấn cho chính quyền còn đề nghị việc gỡ bỏ tường lửa và để người Trung Quốc sử dụng Internet tự do hơn, qua đó thúc đẩy sự sáng tạo.

Nỗ lực đổi mới khiến Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu về công nghệ lưỡng dụng, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất phương tiện không người lái.

Hãng sản xuất máy bay không người lái dân sự nổi tiếng thế giới DJI là công ty của Trung Quốc. Nước này cũng có các máy bay không người lái quân sự nổi tiếng như Xiang Long (Thăng Long), Li Jian (Gươm sắc) và Shen Diao (Thần điêu).

Theo Kania, các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc PLA có tiềm năng bắt chước, phát triển ngang bằng và thậm chí là vượt qua trình độ của Mỹ.

Nhiều chuyên gia tin rằng điều này hiện đang diễn ra. "Họ đã chuyển từ giai đoạn bắt chước chế tạo tới chỗ thực sự nhảy vọt về công nghệ tiên tiến", Timothy Grayson, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Fortitude nhận xét.

Viễn cảnh chạy đua vũ trang và chiến tranh công nghệ cao

Một ví dụ cụ thể là Trung Quốc đang sở hữu siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Hệ thống mang tên Sunway TaihuLight này có sức mạnh hơn 5 lần siêu máy tính mạnh nhất của Mỹ. Nó có thể thực hiện 93 triệu tỉ tính toán trong mỗi giây.

Quan trọng là Trung Quốc đã xây dựng hệ thống này chỉ sử dụng công nghệ nội địa, thay vì đi mua từ bên ngoài, theo như nhận xét của Addison Snell, Tổng giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Intersect360 Research.

Không chỉ bỏ tiền vào công nghệ máy bay không người lái, AI, Trung Quốc còn đầu tư rất nhiều để bắt kịp đối thủ trong lĩnh vực tự động hóa. Hiện các nhà sản xuất robot lớn gồm có Fanuc của Nhật Bản, ABB của Thụy Sĩ và Kuka của Đức. Nhưng gần đây Kuka đã bị tập đoàn Midea có trụ sở ở Quảng Đông mua lại.

Trong số các công ty robot đình đám nhất Trung Quốc, phải kể tới Siasun Robot & Automation Thượng Hải. Công ty này sử dụng rất nhiều nhân tài từ Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.

Điều trớ trêu nằm ở chỗ Trung Quốc có bước tiến nhảy vọt về công nghệ lưỡng dụng là bởi nước này đã triển khai chính sách cho quân đội xây dựng quan hệ tốt đẹp với các trường đại học và công ty tư nhân - điều đã bị chính Mỹ xem nhẹ, sau một thời gian dài làm rất tốt.

Và trong khi cấp vốn cho nghiên cứu khoa học luôn trở thành mục tiêu bị cắt giảm tại mỗi lần điều chỉnh chính sách ngân sách của Mỹ, đây là điều không xảy ra với Trung Quốc.

Một lĩnh vực khác mà Trung Quốc đã đạt bước tiến nhảy vọt là khoa học nghiên cứu điện toán lượng tử, trong đó một lượng lớn hoạt động tính toán có thể diễn ra đồng thời và có thể được ứng dụng trong nhiều hoạt động, gồm mã hóa lượng thử và radar.

"Sự dịch chuyển của khoa học thông tin lượng tử sang Trung Quốc không phải là kết quả của hoạt động ăn cắp bản quyền trí tuệ, gián điệp, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

Thay vì thế, nó phản ánh sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao và sự đầu tư đều đặn từ chính quyền Trung Quốc, đồng thời nó cũng cho thấy sự thiếu hụt của những động lực tương tự từ các nước phương Tây", John Costello, một nhà phân tích cao cấp tại công ty Flashpoint tuyên bố hồi tháng Ba năm nay.

Trong số các thỏa thuận hợp tác đã giúp ích cho Trung Quốc có Phòng nghiên cứu điện toán lượng tử Alibaba, một sự hợp tác giữa Aliyun, đơn vị điện toán đám mây của tập đoàn Alibaba với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Cơ sở này đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết lượng tử, đồng thời phát triển các nền tảng mới về an ninh thông tin, kết nối và điện toán.

Aliyun hiện đã trở thành một trong những đơn vị có tiềm năng thu lời lớn nhất của Alibaba. Đây là trái ngọt từ nỗ lực hợp tác chặt chẽ của Bắc Kinh với một số ít các công ty công nghệ đỉnh cao ở trong nước và giúp họ trở nên lớn mạnh hơn.

"Chính quyền Trung Quốc dường như thích có một vài hệ thống tập trung (hết tinh hoa công nghệ) thay vì để công nghệ được phân tán đều trong nền kinh tế", Snell nói. "Điều này cho phép họ kiểm soát khoản đầu tư và tiếp cận với công nghệ tốt hơn so với mô hình của Mỹ."

Mối quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc với các công ty công nghệ nội địa đã gợi nhớ tới thời kỳ trước đây ở Mỹ, khi Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) - một đơn vị của Bộ Quốc phòng - còn hợp tác chặt chẽ với các đại học như Stanford và Học viện công nghệ Massachusetts hay các viện nghiên cứu như Bell Labs.

Những sự hợp tác như thế đã dẫn tới nhiều công nghệ đột phá, gồm Internet, AI, tự động hóa, công nghệ nhận dạng giọng nói và hệ thống định vị toàn cầu GPS. Nhưng mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc và làng công nghệ Mỹ đã suy yếu rất mạnh kể từ đỉnh cao của những năm 1970 và 1980.

Mỹ đang cố tái thiết lập mối quan hệ tốt đẹp đó và việc này bắt đầu diễn ra dưới thời ông Carter. Tháng 8 năm nay, người kế nhiệm ông là James Mattis đã có chuyến thăm đầu tiên tới Thung lũng Silicon, qua đó là thành viên đầu tiên trong nội các của ông Trump làm điều này.

Chuyến đi của ông Mattis gồm có một chặng dừng chân ở DIUx, cổng sáng tạo mới được 2 năm tuổi, nơi đã dành các khoản thưởng trị giá 100 triệu USD cho nhiều dự án trong lĩnh vực AI, máy tự động và công nghệ không gian.

Nếu Mattis và Lầu Năm Góc thành công trong việc hàn gắn quan hệ với Thung lũng Silicon, kết quả có thể là sự xuất hiện của vô số những cải cách, sáng tạo sẽ giúp cuộc sống của người dân Mỹ trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng đồng thời nó cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới với Trung Quốc, dẫn tới một kỷ nguyên chiến tranh với sự tham gia của trí thông minh nhân tạo, các binh đoàn robot và hàng đàn máy bay không người lái với khả năng hủy diệt khủng khiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại