Theo nghiên cứu được công bố bởi Deloitte, ô tô hiện tại đã thay đổi đáng kể so với thời điểm năm 2004 – thời điểm số xe có túi khí chỉ là 25% còn ghế chỉnh điện là chưa đầy 50%.
Kể từ đó tới nay, số lượng linh kiện điện tử trên ô tô đã tăng vượt trội một phần vì các quy định an toàn bị siết chặt nghiêm ngặt hơn nhiều.
Số xe khi đó sở hữu một trong các công nghệ/trang bị an toàn bao gồm kiểm soát cân bằng chủ động, túi khí bên, cảnh báo áp suất lốp, cảm ứng hỗ trợ đỗ xe phía sau và cảnh báo điểm mù chỉ chiếm chưa đầy 20%.
Trái lại, ít nhất 80% xe lưu hành trên thị trường hiện giờ trang bị phần lớn danh sách trên.
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều công nghệ hiện đại khác cũng được bổ sung như Cruise Control thông minh, gương chống lóa, hệ thống thông tin giải trí hỗ trợ đa chức năng/đa kết nối, động cơ ngắt xy-lanh chủ động, nút bấm Start/Stop, hệ truyền động điện hóa hay nhẹ nhàng là… vài màn hình trên táp lô.
Dù không phủ nhận ô tô giờ là những cỗ máy thông minh hơn, đa năng hơn, sang trọng hơn và an toàn hơn, chi phí trung bình của chúng cũng đã tăng mạnh vì chính nguyên nhân nói trên. Các trang bị điện tử, vốn chỉ chiếm 18% chi phí chế tạo xe trong năm 2000 giờ đã là 40% và sẽ tăng lên ít nhất 45% tới năm 2030, đồng nghĩa với… gần nửa chiếc xe.
Bên cạnh đó, các linh kiện hiện đại hơn thường cũng đồng nghĩa với giá cao hơn và tương ứng là giá xe tổng.
Thực tế, không ít người dùng xe chỉ tìm kiếm một mẫu xe đơn giản, bền bỉ, đủ dùng (chỉ cần các trang bị an toàn là tân tiến) nhưng ở thời điểm hiện giờ đây có lẽ là ước mơ xa vời với bối cảnh các hãng xe "chạy đua vũ trang" về công nghệ tiện nghi, điển hình là cuộc chiến màn hình trên táp lô…