Sử dụng trí tuệ nhân tạo để chỉnh sửa khuôn mặt, khẩu hình của nhân vật trong video hoặc ảnh, deepfake là thủ thuật thường được dùng để tạo tin tức giả và những trò lừa đảo độc hại. Thế nhưng tại Anh, thủ thuật này lại đang được sử dụng cho một công việc nhân văn và hữu ích hơn, đó là hỗ trợ tìm kiếm người mất tích.
Hình ảnh động của Leah Croucher, mất tích từ năm 2019 trong một thông báo tìm người mất tích hiện diện khá nổi bật ở thủ đô London, Anh. Việc sử dụng thủ thuật deepfake đang mang lại hy vọng có thể giúp việc tìm kiếm người mất tích trở nên bớt khó khăn hơn.
Thay vì một bức ảnh thông thường, hình ảnh động được tạo ra bởi deepfake trong đó người mất tích có thể nghiêng mặt, chớp mắt, hay mỉm cười sẽ tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ hơn. Người mất tích có thể được ghi nhớ hay nhận diện rõ ràng hơn, từ đó hỗ trợ phần nào việc tìm kiếm.
Bà Claire Croucher - Mẹ người mất tích Lea Croucher nói: "Thật bối rối khi thấy con gái chúng tôi ở đó và nhìn xung quanh. Con bé vốn khá thích được mọi người chú ý khi ra ngoài mua sắm. Tôi có cảm giác như nó đang ở đó với tôi vậy".
Những thông báo tìm người mất tích sử dụng video deefake được thiết kế bắt mắt, rõ ràng, tập trung vào phần hình ảnh và ít ngôn từ hơn.
Ông Steve Martin - Nhà khoa học hành vi cho biết: "Có ba điểm khác biệt chính giữa những thông báo tìm người mất tích kiểu mới và truyền thống. Đầu tiên là hình ảnh động có độ phân giải rất cao, thứ hai là tích hợp bản đồ nơi người mất tích được nhìn thấy lần cuối. Thứ ba là mã QR liên kết đến trang web của người mất tích và tại đây bạn có thể tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin cá nhân, quan trọng là phải làm gì nếu bạn nghĩ rằng bạn "đã nhìn thấy người này".