Công nghệ gặt đập "made in Vietnam" được phổ cập tại châu Phi
Thành công của 10 ruộng lúa nước giống Khang Dân trên đất Angola đã khiến Linh Phillip, ông chủ Việt Phi farm tự hào. Từ những ngày đầu vừa "nín thở" gieo hạt, hồi hộp theo dõi quá trình cây lúa làm đòng rồi chín dần, mọi người trong trang trại trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.
Trung tuần tháng 4, Việt Phi farm bắt đầu thu hoạch lúa. Bên cạnh nhóm anh em người Việt và nhóm công nhân chính người Angola của trang trại, nhiều người dân ở bản Bota lân cận cũng qua hỗ trợ thu hoạch.
Anh Linh Phillip cho biết, nhóm anh em người Việt có hỗ trợ người dân bản Bota xây nhà thờ. Phần vì muốn "đáp lễ", phần vì tò mò với việc trồng lúa nước, họ sang giúp trang trại mấy buổi. Không khí vô cùng náo nhiệt, có cả những người mẹ địu theo con nhỏ vẫn nhiệt tình tham gia.
Nhiều người cùng làm việc nên quy trình thu hoạch rất suôn sẻ, gặt đập liên hoàn: Một nhóm chuyên gặt lúa, một nhóm chuyên vận chuyển lên khu vực đập thóc, một nhóm chuyên đập và phơi thóc.
Ra ruộng xem gặt lúa, ông chủ trang trại khá hài lòng khi thấy những thửa ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ thẳng tắp. Để anh em công nhân gặt lúa đúng cách và tận dụng được rơm, Linh Phillip thậm chí còn phải đặt mua liềm từ Việt Nam sang, thay vì dùng dao bản địa.
Còn việc đập lúa, mấy anh em đã chế các bàn đập thủ công, tương tự như ở các hợp tác xã Việt Nam thời bao cấp.
Chỉ được ghép đơn giản từ mấy tấm ván và gỗ nhỏ, nhưng "công nghệ" đập lúa này cũng khiến người Angola kinh ngạc. Dân bản cứ tấm tắc khen ngợi người Việt thông minh, chế tạo dụng cụ đơn giản mà hiệu quả.
Vụ lúa nước đầu bội thu, thử nghiệm luôn vụ mới
Ở Angola, nhiều nơi vẫn chưa có vùng canh tác lúa. Lúa nước lại càng xa lạ hơn, vì từ cách gieo trồng đến chăm sóc đều thách thức, đòi hỏi kỹ thuật cao. Thế nên, việc Việt Phi farm trồng thành công lúa nước ngay từ vụ đầu được đánh giá là kỳ tích.
"Cấy lúa năm đầu tiên thực sự là vất vả, vì làm đất khó, bùn non ở ruộng chưa có mấy. Ra được năng suất 1,5 tấn vụ đầu, với anh em chúng mình đã là thành quả đáng tự hào. Mùa mưa năm nay thế là tuyệt vời rồi", Linh Phillip xúc động nói.
Thu hoạch được khoảng 40 bao thóc, ông chủ trang trại trù tính sẽ giữ lại 6 bao để tích trữ, còn lại sẽ đi thuê xát thành gạo, chia cho hơn chục người ăn ngủ với cây lúa suốt thời gian qua.
"Tính ra mỗi người sẽ có khoảng 20 - 25 cân gạo để ăn. Mình và anh Quý lâu lắm rồi chưa được ăn gạo Việt Nam, chưa biết mùi cơm mới Việt Nam thế nào. Năm nay có gạo ăn mà không phải mua nữa rồi", anh hào hứng.
Linh Phillip cũng chia sẻ về kế hoạch mạo hiểm của mình: Trồng nối vụ vào mùa khô. Trong số thóc thu hoạch được, họ chọn ra khoảng 35kg đẹp nhất để làm thóc giống.
"Ở bên này, mùa khô là bà con tự động bỏ qua, không trồng cấy bất cứ cây gì, vì tốn tiền bơm nước, chăm sóc cũng vất vả hơn. Nhưng mình vẫn quyết định thử trồng luôn vụ lúa hè thu như ở Việt Nam.
Team châu Phi đã thử trồng nhiều rau củ trái mùa rồi và thấy vẫn làm được. Lúa thì lần này sẽ thử. Nếu không thử không bao giờ biết được sẽ thế nào, có làm được không.
Nếu thành công thì quá tốt, sẽ có hai vụ lúa như ở nhà. Còn không thành công thì đến mùa mưa năm sau, mình sẽ tính toán cho cấy sớm để kịp hai vụ lúa mùa mưa".
Nói là làm, ở Việt Phi farm, mọi người đã tất bật cày ải, làm đất cho vụ lúa mới. Với số hạt giống để dành, họ hy vọng có thể đủ để mở rộng canh tác thêm ở một vài bản lân cận, trồng tăng 300% diện tích ở trang trại Việt Phi.
Tất cả là để có thêm nhiều hơn những ruộng lúa vàng Việt Nam trên đất châu Phi, tiến đến tự cung tự cấp lương thực và có sản phẩm để kinh doanh. Đó quả là một quyết định mạo hiểm, nhưng cũng đáng để thử của anh nông dân người Việt tại Angola.