Cánh buồm tự động được gắn trên một con tàu - Ảnh: YOUTUBE
Dự án cánh buồm WISAMO được lắp đặt trên tàu buôn được đóng vào năm 1999 và hiện tàu đang cập cảng El Astillero của Tây Ban Nha.
Nhờ sử dụng năng lượng gió, công nghệ này có thể giảm mức sử dụng nhiên liệu tới 20%.
Hệ thống cánh buồm này có thể gắn ngay trong giai đoạn thiết kế của con tàu, hoặc được trang bị thêm trên con tàu đã được đưa vào sử dụng.
Theo công ty, cánh buồm có thể xì hơi thu gọn lại để di chuyển dưới cầu và vào cảng. Loại này phù hợp cho tàu Ro-Ro (Roll-on/Roll-off - tàu được thiết kế để chở các loại hàng hóa có bánh xe như ô tô, rơ móc, toa xe tàu hỏa...), tàu chở hàng rời, tàu chở khí hóa lỏng và tàu chở dầu.
Tập đoàn Michelin cho biết: "Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, thỏa thuận hợp tác có thể mở ra cánh cửa cho các cuộc thử nghiệm sử dụng một cánh buồm lớn hơn. Công nghệ này đánh dấu một bước tiến lớn đối với việc khử carbon trong vận tải hàng hải".
Ngành hàng hải ngày càng chú ý đến sức đẩy của gió như một trong những giải pháp thay thế, có thể cho phép tàu tăng hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời trở nên thân thiện hơn với môi trường.
Theo ông Gavin Allwright - tổng thư ký Hiệp hội Dịch vụ vận chuyển dưới nước quốc tế (IWSA), việc triển khai động cơ gió trên toàn thể tàu thuyền vào năm 2050 có thể tiết kiệm được 1.000 tỉ USD nhiên liệu/năm.
Với việc lắp đặt công nghệ cánh buồm đẩy gió gần đây nhất trên các tàu thương mại lớn, đã vượt qua cột mốc một triệu tấn trọng tải.
Hiện tại, thế giới có 21 tàu thương mại lớn có hệ thống cánh buồm đẩy gió. IWSA dự đoán rằng vào cuối năm 2022, có thêm 25 tàu thương mại lớn sẽ được lắp đặt hệ thống đẩy gió.
Quá trình toàn cầu hóa đã được hưởng lợi rất nhiều từ ngành hàng hải. Vận tải đường thủy chiếm 90% tổng thương mại. Tuy nhiên, chi phí môi trường cao đáng kể.
Mỗi năm, các tàu container di chuyển trên các tuyến đường thủy trên thế giới thải ra môi trường khoảng một tỉ tấn carbon dioxide (CO2), hay 3% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.