Theo tờ PLA Daily, sáng 12/3, một tiêm kích thuộc lực lượng hàng không của hải quân Trung Quốc đã gặp nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện tại Ledong, tỉnh Hainan.
PLA Daily - kênh ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, đã công bố thông tin về vụ việc trên tài khoản WeChat ngay buổi chiều hôm đó. Theo bản tin, hai phi công Trung Quốc đã thiệt mạng nhưng không có thiệt hại nào trên mặt đất. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Theo một phóng viên nắm rõ quy trình xử lý thông tin của quân đội Trung Quốc (PLA) thì vụ việc mới xảy ra buổi sáng nhưng buổi chiều đã được công bố. Điều đó cho thấy PLA "thật thà, ngay thẳng" và sẵn sàng giải quyết sự việc. Trước đây, PLA ít khi công khai các vụ tai nạn trừ khi chúng xảy ra ở khu vực đông dân cư.
Song, tờ PLA Daily nhấn mạnh rằng, đây không phải lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc công khai thông tin về các vụ tai nạn huấn luyện. Trước đó, vào tháng 6/2016, Hải quân Trung Quốc đã chủ động công khai thông tin về cái chết của phi công Zhang Chao – "phi công đầu tiên đã hy sinh mạng sống vì sự cố trên tàu sân bay".
Hiện trường vụ máy bay tiêm kích Không quân hải quân Trung Quốc đâm xuống đất ngày 12/03/2019.
"Không những thế, Hải quân Trung Quốc còn công khai thông tin về tình huống nguy hiểm mà các phi công tiêm kích hạm Cao Xianjian và Yuan Wei đã gặp phải khi ở trên không, trong đó phi công Cao Xianjian bị thương nặng" – PLA Daily viết – "Sau hơn 1 năm điều trị và phục hồi, phi công Cao Xianjian đã có thể quay trở lại lực lượng Không quân".
Cũng theo tờ báo này, thông báo của PLA về vụ việc hôm 12/3 đã khiến cư dân mạng bày tỏ sự cảm thương và tôn trọng sâu sắc.
Trên tài khoản microblog của PLA Daily, một cư dân mạng đã bình luận rằng "Trong thời bình, mặc dù ít phải tác chiến thực tế hơn, nhưng những người lính của chúng ta vẫn không thể tránh khỏi đổ máu. Hai người hùng của chúng ta, các anh hãy yên nghỉ!".
Một cư dân mạng khác viết "Hy sinh trong quá trình huấn luyện còn hơn là bị đánh bại trong chiến tranh. Tôi rất đau lòng vì sự ra đi của những người anh hùng này. Chúng ta nên rút ra kinh nghiệm từ vụ việc và tích cực ủng hộ chương trình huấn luyện tác chiến thực tế".
Theo PLA Daily, trong những năm gần đây, với những bước tiến không ngừng trong chương trình huấn luyện chiến đấu thực tiễn, tỷ lệ tai nạn và các tình huống nguy hiểm mà binh lính/sĩ quan PLA gặp phải cũng tăng cao hơn.
"Có thể nói thế này, cường độ huấn luyện chiến đấu thực tiễn càng cao, càng tiến gần tới chiến đấu thực tế, thì rủi ro an toàn càng lớn.
Điều đó có nghĩa những tai nạn của máy bay chiến đấu trong quá trình huấn luyện là cái giá phải trả trong trường hợp này, nó xảy ra với tất cả các cường quốc quân sự" – PLA Daily viết.
Theo một bản khảo sát của tờ Washington Post năm 2017, trong 3 năm trước đó, số quân nhân Mỹ thiệt mạng khi không chiến đấu và chiến đấu lần lượt là 185 và 44. Nói cách khác, số lượng quân nhân thiệt mạng trong các vụ tai nạn gấp 4,2 lần số quân nhân thiệt mạng trong chiến đấu.
PLA tiếp tục viện dẫn số liệu thống kê từ truyền thông Mỹ cho biết, trong 7 năm qua, hơn 1.000 nhân viên hàng không trên mặt đất trong khắp các quân chủng của Mỹ đã bị thương do nhiều tai nạn liên quan đến an toàn, chỉ 82 người bị thương trên chiến trường.
Con số này đã cho thấy một thực tế: Trong bối cảnh huấn luyện chiến đấu thực tiễn ngày càng được chú trọng, thì tỷ lệ thương vong sẽ cao hơn nhiều so với thương vong do chiến đấu.
Một chuyên gia giấu tên của Trung Quốc nói với tờ PLA Daily rằng, quy mô và cường độ huấn luyện chắc chắn sẽ làm gia tăng tỷ lệ tai nạn. Điều này xảy ra với tất cả các lực lượng vũ trang, ngay cả với đội quân mạnh nhất trên thế giới là Mỹ.