Phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch cảng hàng không , sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn biết, quy hoạch mới được xây dựng trên cơ sở quy hoạch trước đây, hiện trạng các sân bay và phù hợp với các quy hoạch giao thông khác, các quy hoạch vùng, tỉnh.
“Hàng không có ưu điểm là giúp hành khách, hàng hoá đi lại nhanh hơn các phương tiện khác, tiếp cận những nơi xa; đặc biệt với quốc tế, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cảng hàng không cũng có nhiều nhược điểm là chi phí đầu tư và duy trì hoạt động lớn”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định, ngoài sân bay trong quy hoạch, các địa phương muốn có sân bay mới sẽ được Thủ tướng xem xét, quyết định khi đủ điều kiện. Ảnh: Thuỳ Dung.
Theo ông Tuấn, quy hoạch sân bay lần này đã được đơn vị tư vấn lập dựa trên 5 tiêu chí để quyết định (có quy hoạch sân bay không, thị trường có hay không). Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lập tổ công tác của Chính phủ do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để rà soát, nghiên cứu tận dụng các sân bay hiện có, bổ sung sân bay mới.
“Quy hoạch lần này có điểm mở, hàng năm Bộ GTVT sẽ rà soát, nếu địa phương thấy kinh tế - xã hội phát triển, đủ nhu cầu đầu tư sân bay thì báo cáo bộ để bộ rà soát trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch ”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, bộ đang nghiên cứu chuẩn bị trình Chính phủ Đề án huy động nguồn lực phát triển sân bay, để cụ thể hoá quy hoạch, cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư sân bay. Đặc biệt, trong tương lai, nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân, bay kỹ thuật, du lịch, bay taxi… Bộ GTVT sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để các hình thức này phát triển, hình thành sân bay phục vụ hàng không chung.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết thêm, quy hoạch sân bay lần này vừa đóng vừa mở. Mở là cho phép các địa phương theo nhu cầu, khi đáp ứng 3 tiêu chí cơ bản sẽ được bổ sung sân bay mới vào quy hoạch, gồm: Có nhu cầu; có vị trí phù hợp làm sân bay; và thu hút được nhà đầu tư hoặc thu xếp được nguồn lực để đầu tư, đảm bảo sân bay hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, quy hoạch cũng đóng là sân bay nào hoạt động không hiệu quả, hoặc không còn đáp ứng các tiêu chí đặt ra sẽ loại khỏi quy hoạch, hoặc đóng cửa. Theo ông Thắng, không chỉ ở Việt Nam, ngay các nước phát triển, không phải sân bay nào cũng hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, nhưng xét trên tổng thể phải mang lại lợi ích cho phát triển.
“Tôi hiểu và rất chia sẻ với mong muốn có sân bay của các địa phương , đây là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, có sân bay không đồng nghĩa với việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, khi xem xét làm sân bay phải dựa trên nhiều yếu tố. Hiệu quả của sân bay là yếu tố quan trọng để xem xét làm sân bay hay không, vì chi phí đầu tư làm sân bay rất lớn, chưa kể nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển nó, tránh việc đầu tư ra lại phải dừng khai thác sẽ rất đáng tiếc. Địa phương nào có nhu cầu, thu xếp được nguồn lực đầu tư sẽ được Thủ tướng xem xét chấp thuận đưa vào quy hoạch và đầu tư”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, việc công bố quy hoạch sân bay lần này cũng là cách để công khai cho người dân, doanh nghiệp cùng được biết và tiếp cận, nắm được định hướng phát triển, tránh bị lợi dụng quy hoạch để “thổi giá” bất động sản.
Thiếu tướng Trần Văn Xô - Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - khẳng định, các đơn vị quân đội luôn phối hợp, chia sẻ để ưu tiên hạ tầng, vùng trời cho phát triển hàng không dân dụng. Tại một số sân bay là đầu mối hàng không lớn, như Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng… các đơn vị quân đội đã di chuyển sang khu vực lân cận, chỉ duy trì một số đơn vị làm nhiệm vụ khẩn cấp, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn… Thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để định hướng phát triển sân bay dân dụng cho phù hợp, đặc biệt sân bay lưỡng dụng, chuyên dùng…
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023. Quy hoạch xác định mô hình phát triển theo trục nan, với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TPHCM. Hiện cả nước có 22 sân bay.
Quy hoạch xác định, tới năm 2030, Việt Nam sẽ có 30 cảng hàng không, sân bay. Trong đó, có 14 sân bay quốc tế, gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
Có 16 sân bay nội địa, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.
Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước có 33 sân bay. Trong đó, 14 sân bay quốc tế tiếp tục giữ nguyên, nhưng sân bay Hải Phòng mới sẽ thay vị trí của sân bay Cát Bi. Sân bay nội địa tăng lên 19 sân bay, ngoài các sân bay kể trên, sẽ bổ sung thêm sân bay mới, gồm: Cao Bằng, Cát Bi (chuyển sang khai thác nội địa sau khi có sân bay mới thay thế), sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Đáng chú ý, quy hoạch xác định, sân bay thứ 2 vùng Thủ đô được định hướng đặt phía Đông Nam hoặc Nam Hà Nội. Tuy nhiên, sân bay này chỉ được bổ sung khi sân bay Nội Bài đã được mở rộng và đạt quy mô khai thác 100 triệu hành khách/năm.
Những địa phương có nhu cầu sân bay sẽ được Thủ tướng xem xét, quyết định cho bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện.