Bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ
Theo luật sư Vi Văn A, xưa nay, việc công bố công khai điểm thi THPT vẫn áp dụng rộng rãi, và đúng là đã mang lại nhiều thuận lợi cho các em học sinh trong việc tra cứu. Tuy vậy, gần đây, sự phát triển rộng rãi của mạng xã hội, rồi các luồng sức ép đến từ gia đình, bạn bè... đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý học sinh khi công khai điểm thi.
Ở mặt tích cực, khi công bố điểm thi đối với các em có điểm cao đã góp phần khích lệ tinh thần học tập, làm tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo. Nhưng, ở góc độ khác, việc công bố công khai đã xuất hiện những câu chuyện buồn khi các thí sinh không có kết quả như kỳ vọng. Và lúc ấy, ở lứa tuổi trẻ, rất dễ gây ra những tổn thương nhất định về tâm lý, nguy cơ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
“Đó là yếu tố xã hội, còn với hệ thống pháp luật hiện hành, việc công bố điểm thi rộng rãi có dấu hiệu xâm phạm đời tư của các em học sinh, được pháp luật bảo vệ, trong đó có đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất – Hiến pháp” – luật sư Vi Văn A dẫn chứng.
Theo luật sư A, trước tiên, soi chiếu hệ thống luật pháp cho thấy, ngay Điều 16 của Hiến pháp 2013 quy định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều này có nghĩa, các trẻ em hay học sinh đều phải được đối xử bình đẳng, không phân biệt đối xử. Hoặc ở một chế định cụ thể hơn, ở Điều 21 của Hiến pháp đã nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh sự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật đảm bảo an toàn.
Có nhiều giải pháp ...
Luận bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Phương Nam - Trưởng văn phòng luật sư số 10, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - cho hay, việc công bố điểm thi công khai có dấu hiệu xâm phạm đời tư, dẫn đến những tiêu cực không đáng có. Để hóa giải bất cập này, luật sư Nam cho rằng “thiếu gì cách để các học sinh biết điểm thi của mình mà không bị ảnh hưởng đến đời tư”.
Theo luật sư Nam, mỗi thí sinh, một cách dễ hiểu, dễ làm và khả thi nhất chính là công tác “đặc định hóa”. Nghĩa là, mỗi thí sinh sẽ được mã hóa bằng một mật khẩu riêng, có thể nghĩ tới số báo danh, số chứng minh thư nhân dân, để khi có kết quả, học sinh có thể tra cứu điểm thi cho riêng mình mà không phải lo lắng bị phát tán rộng rãi.
Đồng ý phương án phải bảo vệ đời tư của học sinh, luật sư Hằng Nga - Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - chia sẻ: “Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện hệ thống pháp luật chưa quy định chi tiết việc công bố điểm thi có xâm phạm đời tư hay không. Tôi cho rằng đó không phải tư duy của người làm luật chuyên nghiệp.
Mọi người cần hiểu rằng, điểm thi của từng thí sinh là câu chuyện riêng tư, gắn liền với quyền lợi, nhân thân của thí sinh đó, do vậy, đó là quyền về đời tư của họ, được pháp luật bảo vệ. Để tránh những hệ lụy đáng tiếc, chúng ta cần có giải pháp khác, vừa hiệu quả, vừa không phạm luật”.
Luật sư Hằng Nga nói tiếp: “Có thể đâu đó, nhiều người còn lo ngại giải pháp dùng số chứng minh nhân dân, số báo danh dùng làm mật khẩu khi tra cứu cũng có thể bị lộ, vậy, theo tôi, một phương án đơn giản, đó chính là ở mỗi điểm thi, Ban tổ chức hoàn toàn có thể mã hóa cho từng thí sinh, cung cấp riêng cho họ và chờ đến khi có kết quả, thí sinh dùng số mã hóa ấy để tra cứu cho riêng mình. Phương án này vừa bí mật, vừa giản tiện và bảo vệ được đời tư các em”.