Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12-11 tuyên bố việc một công dân Mỹ gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị mắc kẹt ở một vùng đất không người ở giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp “không phải vấn đề của chúng tôi”.
Các bản tin truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-11 cho hay một công dân Mỹ bị Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất đã bị mắc kẹt trong một khu quân sự hóa giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi giới chức Hy Lạp từ chối nhận người này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói nước này không phải là "khách sạn" cho các chiến binh IS. Ảnh: REUTERS
Bình luận về thông tin trên, ông Erdogan trong một bài phát biểu trên truyền hình cho hay: “Dù họ có bị mắc kẹt ở biên giới hay không cũng không liên quan chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục trả họ về. Dù các nước có nhận họ hay không thì đó cũng không phải vấn đề của chúng tôi”.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin AFP rằng tay súng IS mang quốc tịch Mỹ bị từ chối đưa về Mỹ mà thay vào đó được yêu cầu đưa tới Hy Lạp.
Vị quan chức này cho hay tay súng này đã qua đêm tại vùng đất không người giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp, gần tỉnh Edirne của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện chưa rõ tại sao Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng Hy Lạp sẽ chấp nhận một công dân Mỹ mà đưa người này sang Hy Lạp.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ “đã biết các báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một công dân Mỹ”, song không bình luận thêm bởi các quy tắc riêng tư.
“Những điều nguy hiểm”
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích các nước phương Tây vì không tiếp nhận các thành viên IS bị bắt.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu công bố các vụ trục xuất sau làn sóng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Syria hồi tháng trước. Một số đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ như Pháp và Đức nói chiến dịch sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống IS.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 12-11 kêu gọi một hiệp ước quốc tế về số phận của các thành viên IS nước ngoài đang bị bắt ở Trung Đông. Ông Guterres nói rằng chuyện giải quyết vấn đề này cho từng nước không phải chỉ của Syria và Iraq.
“Chúng ta cần sự hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề này. Chúng ta không thể chỉ yêu cầu Iraq và Syria giải quyết vấn đề cho từng nước. Phải có sự đoàn kết quốc tế thật sự”, ông Guterres nói tại Diễn đàn Hòa bình Paris trước sự có mặt của 30 lãnh đạo thế giới.
“Nếu ai cũng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến những kẻ khủng bố tự chạy thoát và làm những điều nguy hiểm”, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh.
Tiếp tục cho hồi hương các chiến binh IS
Phát biểu trước báo giới trước chuyến công du tới Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 12-11 tuyên bố nước này có thể thả các tù binh IS mà Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt giữ và đưa họ trở về châu Âu.
Ông Erdogan tức giận trước quyết định của Liên minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc nước này khoan thăm dò khí đốt ở các vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Cộng hòa Síp.
“Các ngài nên xem lại lập trường của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước hiện tống giam nhiều thành viên IS và đồng thời kiểm soát những tù binh ở Syria”, ông Erdogan cảnh báo các nước châu Âu hôm 12-11, một ngày sau khi EU công bố hệ thống trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan nói thêm: “Những cánh cổng này sẽ mở ra và các thành viên IS đã bắt đầu được đưa trở về cho các ngài sẽ tiếp tục được đưa trả lại. Rồi các ngài có thể giải quyết vấn đề của riêng các ngài”.
Ông Erdogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ không phải “khách sạn” cho các tay súng IS. Đồng thời, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích phương Tây đã từ chối hồi hương những công dân của họ tham gia chiến đấu cho IS.
Các tay súng IS người Pháp
Pháp ngày 12-11 thông báo nước này sẽ hồi hương 11 tay súng IS người Pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháp, với khoảng 400-500 công dân bị bắt giữ ở địa bàn người Kurd thuộc miền bắc Syria, trong đó có khoảng 60 chiến binh, kiên quyết sẽ không tiếp nhận những người gia nhập IS. Pháp muốn ký với Iraq một thỏa thuận về bắt và truy tố các công dân của họ đến từ Syria.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner từ chối bình luận chi tiết về những cá nhân này, song nói rằng chính phủ Pháp biết họ và họ sẽ được bàn giao cho các cơ quan tư pháp khi họ đến Pháp.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất các công dân Mỹ, Đan Mạch và Đức hôm 11-11, đồng thời thông báo những kế hoạch sớm trục xuất bảy công dân khác của Đức, hai công dân Ireland và 11 công dân Pháp.
Gia đình người Kurd chạy nạn khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công miền bắc Syria. Ảnh: RTE
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cho biết có khoảng 1.200 tay súng IS đang bị giam trong các nhà tù của Thổ Nhĩ Kỳ và 287 người khác, trong đó có trẻ em và phụ nữ, đã bị bắt trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria mà nước này phát động hôm 9-10.
Thổ Nhĩ Kỳ những năm qua âm thầm trục xuất các thành viên IS song đã nêu vấn đề này một cách mạnh mẽ hơn sau khi các quốc gia phương Tây từ chối ủng hộ chiến dịch quân sự đánh lực lượng người Kurd ở Syria của nước này. Ankara xem lực lượng dân quân người Kurd là khủng bố có liên hệ với nhóm vũ trang người Kurd chống chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bên trong nước này hàng thập niên qua.
Nhiều quốc gia lo ngại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới sự hồi sinh của IS.