Số nạn nhân trên tử vong từ ngày 30/5/2022 đến ngày 4/9/2022.
Mùa hè năm ngoái, châu Âu đã trải qua nhiệt độ tăng vọt lên hơn 46 độ C. Bồ Đào Nha đạt nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 là 47 độ C , mặc dù nhiệt độ đó không phá vỡ kỷ lục nhiệt độ 47,3 độ C vào năm 2003.
Nhiệt độ cũng gây ra mùa cháy rừng tồi tệ thứ 2 của lục địa được ghi nhận, với gần 17.000 đám cháy đã phá hủy hơn 1,62 triệu ha.
Các đợt nắng nóng chết người được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong mỗi tuần của mùa hè năm đó, nhiệt độ trung bình luôn vượt quá các giá trị cơ bản của 3 thập kỷ trước. Mức nhiệt cao nhất tấn công lục địa trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến ngày 24/7/2022.
Các quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất bao gồm Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo sau các quốc gia đó là Bulgaria, Croatia, Malta, Litva, Estonia và Romania.
Joan Ballester, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona cho biết, địa Trung Hải bị ảnh hưởng bởi quá trình sa mạc hóa, các đợt nắng nóng được khuếch đại vào mùa hè chỉ vì những điều kiện khô hạn hơn này.
Trong một nghiên cứu riêng biệt, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch và các nguồn khác làm tăng số người chết.
Ana Maria Vicedo-Cabrera, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về khí hậu và sức khỏe tại Đại học Berne, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu trên. Theo bà, 60% số ca tử vong được ghi nhận có thể là do biến đổi khí hậu, đồng thời cảnh báo số người chết thực sự có thể còn cao hơn.
Những người chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt rất có thể đã có sẵn các vấn đề sức khỏe như bệnh tim và phổi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi trên 80 tuổi, có nhiều khả năng tử vong hơn nam giới. Tuy nhiên, đó là do phụ nữ có nhiều khả năng sống đến già hơn nam giới, điều này khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi sức nóng.
Một số quốc gia trên khắp châu Âu đã triển khai các cách giải quyết nắng nóng, bao gồm hệ thống cảnh báo và làm mát không gian xanh trên khắp các thành phố. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết số người chết trong mùa hè năm ngoái là một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực đó còn lâu mới hiệu quả.
Chloe Brimicombe, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Graz của Áo cho biết đó là một dấu hiệu cho thấy các quốc gia đó cần xem xét lại các kế hoạch của mình và xem điều gì không hiệu quả.
Nhà khoa học Mỹ Juan Declet-Barreto giải thích rằng việc mở rộng khả năng tiếp cận với điều hòa không khí là yếu tố quan trọng nhất để ngăn ngừa tử vong do sóng nhiệt.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó có thể không đến sớm trong năm nay. Khi El Nino gia tăng cường độ và ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu—kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra, Trái đất đã lập kỷ lục nóng nhất vào tháng 6 năm nay, ít nhất kể từ năm 1940.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên hôm 10/7.
Theo Sputnik