Công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại ba địa phương

Theo VOV/TTXVN |

Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực đảo Phú Quý, Bình Thuận và sông Bưởi, Thanh Hóa là do môi trường ô nhiễm nặng.

* Về hiện tượng cá chết nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, VOV dẫn thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến 17h ngày 17/5, số lượng cá chết vớt được trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là 14 tấn, chủ yếu là cá rô phi và cá chép.

Sau khi có hiện tượng cá chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy mẫu nước phân tích.

Nguyên nhân được xác định là do cơn mưa đầu mùa cuốn nhiều chất độc tố trên đường phố, trong cống rãnh đổ ra kênh nên gây ra ô nhiễm cục bộ.

Nồng độ các chất gây hại như NH3, NH4 cao và giảm lượng dưỡng khí là nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt.

Về giải pháp trước mắt, các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên vớt cá chết để sử dụng vì cá bị nhiễm độc.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng địa phương sẽ đưa các chế phẩm sinh học xuống dòng kênh để tăng lượng oxy hòa tan và giảm đục cho nguồn nước.

* Thông tin từ huyện đảo Phú Quý cho biết vào khoảng 4h sáng 15/5, tại khu Lạch Dù, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý đã xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè của 4 hộ nuôi bị chết hàng loạt.

Nguyên nhân được xác định là do đến thời kỳ rong lá lụa phân hủy, cộng với thời tiết nắng nóng làm cho nước biển trong khu vực thiếu oxy cục bộ, khiến cho cá nuôi trong lồng bè chết đột ngột.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về việc này.

Trước đó, vào ngày 9/5 tại khu nuôi lồng bè này cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Hơn 7.000 con (chủ yếu là cá mú thương phẩm có giá trị cao) bị chết trong hàng chục ô lồng bè của 7 hộ nuôi, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi trồng thủy sản.

* Ngày 17/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có báo cáo kết quả kiểm tra mẫu nước, mẫu cá chết trên sông Bưởi.

Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, chỉ tiêu NH3 trên sông Bưởi đoạn qua huyện Thạch Thành vượt ngưỡng cho phép là 7,4-7,5 lần; chỉ tiêu H2S ngưỡng cho phép là 1,5-2 lần; chỉ tiêu NO2 vượt ngưỡng cho phép là 2-4 lần.

Về dịch bệnh, kiểm lâm sàng trên cá, không tìm thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, ngành chức năng khẳng định cá chết trên sông Bưởi do yếu tố môi trường bị ô nhiễm nặng.

Ngoài vấn đề cá chết thì nguồn nước bị ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và nhất là đời sống, sinh hoạt của người dân ven sông Bưởi.

Cũng theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, do điều kiện khối lượng nước sông Bưởi bị ô nhiễm lớn, các giải pháp khắc phục sinh học, hóa học hiện đều không khả thi. Do vậy, cần phải có thời gian để mưa lũ rửa trôi và khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên.

Để hạn chế thiệt hại đối với vùng hạ lưu (khi nước ô nhiễm chưa đến) cơ quan chức năng khuyến cáo người dân di chuyển lồng bè, thu hoạch cá nuôi, chuyển cá vào ao; tạm thời không nên sử dụng nước từ sông Bưởi.

Trước đó, 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường dọc sông Bưởi gồm: Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng (có địa chỉ tại xóm Bùi, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) đã bị phạt với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất 12 tháng.

Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) bị phạt với tổng số tiền hơn 1,78 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động trong 6 tháng.

Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), bị phạt với tổng số tiền gần 195 triệu đồng và đình chỉ hoạt động xả thải gây ô nhiễm cả cơ sở trong 3 tháng, kể từ ngày 20/5.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại