Chiều 25/8, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo, cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 đối tượng trong đường dây phá rừng Pơ mu xuyên quốc gia xảy ra trên địa bàn.
Trước đó vào tháng 7/2016, người dân xã La Dê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) phát hiện rừng đặc dụng Pơ mu trên địa bàn bị đốn hạ với số lượng lớn nên báo cho cơ quan công an huyện Nam Giang.
Ngày 8/7, công an huyện Nam Giang đã phối hợp cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới gần Trạm cửa khẩu Nam Giang - Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông - Lào).
Tại đây lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 297 phách gỗ pơ mu với tổng khối lượng 34,3m3 gỗ được tập kết gần cột mốc biên giới 717 khu vực vành đai biên giới cách Trạm cửa khẩu Nam Giang khoảng 500m.
Một cây gỗ Pơ mu bị lâm tặc đốn hạ trong rừng đặc dụng gần biên giới Việt Nam - Lào
Ngày 4/8, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện thêm 611 phách gỗ pơ mu, có khối lượng hơn 47,37m3 gỗ nằm ngay trong khu vực cửa khẩu Nam Giang, cách rào chắn kiểm soát chừng 70m.
Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam phải nhanh chóng điều tra, xử lý, làm rõ vụ phá rừng Pơ mu trái phép ở huyện Nam Giang. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trên báo cáo trước ngày 25/8.
"Đây là vụ phá rừng đặc dụng Pơ mu đặc biệt nghiêm trọng. Vị trí vụ phá rừng nằm giữa biên giới 2 nước Việt Nam – Lào.
Các đối tượng phá rừng có tổ chức chặt chẽ, có sự móc nối của nhiều đối tượng trong nước và ngoài nước.
Ngoài ra, các đối tượng này còn đưa gỗ khai thác ở Việt Nam sang địa phận nước bạn Lào để xẻ gỗ", đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho hay.
Hiện trường vụ phá rừng Pơ mu đặc biệt nghiêm trọng
Công an tỉnh Quảng Nam cho biết xác định được có 20 đối tượng liên quan đề đường dây phá rừng Pơ mu đặc biệt nghiêm trọng trên.
Trong đó, đã có 9 đối tượng bị bắt nhưng hiện vẫn còn 11 đối tượng hiện đang bỏ trốn. Các đối tượng bị bắt gồm người cầm đầu nhóm chặt gỗ, cầm đầu nhóm vận chuyển gỗ và người cung cấp tiền để thực hiện hành vi phá rừng. Ngoài ra, còn có 1 số người làm thuê.
"Cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Hiện tại có 3 cán bộ Biên phòng cửa khẩu Nam Giang và 1 cán bộ Hải quan cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra. Tuy nhiên, chúng tôi chưa xác định được những người này có tham gia vào đường dây phá rừng hoặc có hành vi bao che phá rừng hay không", đại tá Lợi nói.
Đại tá Lợi cũng khẳng định số gỗ Pơ mu được phát hiện trong trụ sở hải quan cửa khẩu Nam Giang và gần trụ sở đồn Biên phòng Nam Giang chưa được xác định có phải là tang vật vụ phá rừng hay không.
"Đây chỉ mới là kết quả ban đầu. Đây là vụ việc có tổ chức và trách nhiệm của cơ quan điều tra phải làm rõ có hay không các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý địa bàn có liên quan đến phá rừng.
Đến thời điểm này, chưa có chứng cứ, tài liệu chứng minh các cơ quan trên tham gia bao che, tham gia tổ chức phá rừng.
Khi có kết quả điều tra cuối cùng thì Công an tỉnh Quảng Nam sẽ công bố rộng rãi", đại tá Lợi nói.
Thay mặt công an tỉnh Quảng Nam, Đại tá Huỳnh Sông Thu thông tin thêm, liên quan đến các cán bộ Biên phòng bị đình chỉ trong vụ án thì chưa có kết luận cuối cùng. Cơ quan điều tra đang phối hợp với Cơ quan điều tra của Bộ đội Biên phòng để làm rõ vấn đề này.