Trưa 20/3, trao đổi với PV, một nguồn tin của Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác nhận, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã được Công an tỉnh triệu tập lên Phú Thọ làm việc từ ngày 13/3 và hôm nay vẫn đang tiếp tục làm việc.
Nội dung làm việc với tướng Vĩnh nhằm làm rõ các vấn đề, trách nhiệm liên quan đến vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành từ ngày 13/3.
"Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập ông Vĩnh lên làm việc là chuyện bình thường. Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra đang làm rõ trách nhiệm quản lý của ông Vĩnh thời điểm ông ấy còn đang công tác", vị này nói.
Vị này cũng nhấn mạnh, hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Cũng quan đến việc triệu tập ông Vĩnh, trao đổi với PV, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cho hay, việc này được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Luật sư Nguyễn Công Thành (Hà Nội) giải thích, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong quá trình điều tra, Công an cũng có thể yêu cầu người dân đến và hợp tác thông qua giấy mời hoặc giấy triệu tập. Giấy mời và giấy triệu tập là hai loại giấy có bản chất khác nhau.
Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan Công an, Tòa án hay các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được giấy mời của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc.
Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc).
Như vậy, việc triệu tập chỉ có thể xảy ra khi có vụ án, tức là có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xác định rõ (Tư cách tham gia tố tụng), ai là bị can (nghi can), ai là người biết sự việc (làm chứng)…
Liên quan đến vụ án trên, trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50- Bộ Công an) về tội "Tổ chức đánh bạc".
Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỉ này, bị can Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương được xác định là 2 đối tượng cầm đầu điều hành đường dây đánh bạc qua mạng internet có quy mô nghìn tỷ, với sự tham gia của hàng nghìn người trong và ngoài nước.
Tính đến ngày 16/3/2018, Cơ quan điều tra đã khởi tố 83 bị can, trong đó một số bị can bị khởi tố 2 tội danh, gồm 41 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 38 bị can về tội đánh bạc, 4 bị can về tội mua bán hóa đơn trái phép, 2 bị can tội rửa tiền và 1 bị can tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay, Cơ quan điều tra đang tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 2 bị can, truy nã 8 bị can đang bỏ trốn.