Công an công bố 6 thủ đoạn lừa đảo được sử dụng nhiều nhất hiện nay

Duy Anh |

Cơ quan chức năng đã thống kê các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến, khiến nhiều người "sập bẫy" trong thời gian gần đây.

Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang có những diễn biến phức tạp, có xu hướng phát triển mạnh, tăng cả về số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.

Theo cơ quan chức năng, các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng phố biến nhất hiện nay, bao gồm:

Đối tượng chiếm quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook... bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô mạo danh người thân của bị hại nhờ thanh toán chuyển khoản hoặc gửi tiền giải quyết việc gấp vào các tài khoản ngân hàng trung gian.

Đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát đe dọa bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm, sau đó kết bạn zalo gửi lệnh bắt bị hại đồng thời yêu cầu bị hại kê khai và chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; sau 1 ngày nếu không có liên quan đến tội phạm sẽ trả lại tiền cho bị hại còn nếu bị hại không đồng ý thì tất cả các tài khoản ngân hàng của bị hại sẽ bị phong tỏa. Khi nhận được tiền trong tài khoản bọn chúng nhanh chóng rút tiền, xóa hết các dấu vết.

Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng bị lỗi xâm nhập, lỗi bảo mật hoặc khách hàng nhận được một khoản tiền nhưng lỗi giao dịch.... sau đó yêu cầu bị hại cung cấp tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã OTP để sữa lỗi hệ thống và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Đối tượng gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng theo chương trình của Ngân hàng, của các công ty hoặc giao dịch mua bán, tặng quà qua mạng hoặc thực hiện cuộc gọi giả mạo cán bộ ngân hàng và yêu cầu khách hàng đăng nhập theo đường link giả mạo tương tự giao diện dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng. Sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ, để chiếm đoạt tiền.

Công an công bố 6 thủ đoạn lừa đảo được sử dụng nhiều nhất hiện nay - Ảnh 1.

Các thủ đoạn lừa đảo, chiểm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, người dân cần đặc biệt cảnh giác (Ảnh minh hoạ/Nguồn: Công an TPHCM).

Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu đang có chương trình hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G", hoặc đổi sim để nhận ưu đãi và hối thúc nạn nhân nâng cấp lên sim 4G nếu không sẽ không thể sử dụng. Đối tượng sẽ hướng dẫn chủ sim số điện thoại soạn tin theo cú pháp. Sau khi thực hiện thao tác soạn và gửi tin nhắn, ngay lập tức sim số điện thoại đã bị đánh cắp. Sau khi chiếm quyền kiểm soát sim của người dùng, kẻ gian dùng chính sim đó lấy mã OTP từ ngân hàng gửi về sử dụng các dịch vụ tín dụng, vay tiền online dưới danh nghĩa nạn nhân.

Đối tượng mạo danh CSGT gọi điện gửi thông báo phạt nguội giao thông: Các đối tượng lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, chúng tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng.

Người dân cần làm gì để tránh bị lừa đảo?

Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc Online qua mạng.

Không công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng ... lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo; chọn lọc những thông tin cụ thể khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội.

Không truy cập các đường link trong tin nhắn, email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng.

Cảnh giác khi tiếp cận website, ứng dụng (App) trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, bao gồm các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.

Cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp thẻ điện thoại, hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn, không rõ lý do.

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp (nếu có thể nên gọi video call) để xác nhận thông tin trước khi chuyển tiền yêu cầu của người đó.

Đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về thì gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, đổi tiền quốc tế của các cá nhân, tổ chức không hợp pháp. Khi mua hàng Online tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng Online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Không cài đặt lên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng trước yêu cầu của đối tượng lạ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại