Sáng 24/10, Công an TP Cần Thơ sẽ thông tin xung quanh việc anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi; thợ điện, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đổi 100 USD tại một tiệm vàng đã bị UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 90 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV SX-TM Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực cũng bị phạt 180 triệu đồng và bị tịch thu tang vật là 100 USD và 2.260.000 đồng.
Tiệm vàng Thảo Lực
Theo Công an TP Cần Thơ, trưa 30/1, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, tiệm vàng Thảo Lực, Ninh Kiều) đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Qua quá trình xác minh, tổ chức và cá nhân nêu trên đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Công an TP Cần Thơ cho biết đã có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân nêu trên nên trình Chủ tịch UBND TP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Quyết định xử phạt của UBND TP Cần Thơ đối với anh thợ điện
Cụ thể, ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng (quy đổi từ 100 USD) theo Điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ).
Căn cứ vào Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Công an TP Cần Thơ tham mưu UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính đối với tổ chức và cá nhân nêu trên theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Công an TP Cần Thơ, căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính, tổ chức và cá nhân vi phạm có thể thực hiện các yêu cầu để giảm nhẹ việc nộp phạt như: đề nghị tiền nộp phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 hoặc đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76, hay đề nghị giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại Điều 77.
Trường hợp, ông Nguyễn Cà Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND TP Cần Thơ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Rê cho biết anh hành nghề sửa chữa điện, lương hằng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Số tiền 100 USD trên ông được người bạn cho. Khi anh mang ra tiệm vàng để đổi thì bị lập biên bản và bị xử phạt nặng như trên.
Anh Rê nói không am hiểu pháp luật, anh thấy người ta chỉ đổi đôla ở tiệm vàng thì mang ra đổi chứ không biết tiệm vàng có được đổi đô hay không.
Ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, cho biết thời điểm đổi 100 USD cho khách và bị Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ bắt quả tang là ngày 30/1/2018.
Gia đình ông Lực kinh doanh tiệm vàng gần 20 năm nay. Địa điểm đăng ký kinh doanh là tại tầng trệt, có nộp thuế đàng hoàng, đầy đủ. Hiện ông đã đóng tiền phạt vào ngày 10/9, còn anh Rê nói chưa nhận được quyết định xử phạt và cũng chưa nộp tiền phạt.
Thông tin với báo chí, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, anh Nguyễn Cà Rê có thể xin miễn, giảm mức phạt 90 triệu đồng do vi phạm hành chính.
Anh Rê vi phạm vì "Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ", được quy định tại Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP.
Theo lãnh đạo Cần Thơ, anh Rê có thể làm các yêu cầu để xin giảm nhẹ việc nộp phạt của mình.
Cụ thể, đề nghị giảm, miễn tiền phạt theo quy định của Điều 77, đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định Điều 79, đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76.
Trao đổi với VnExpress, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hành vi mua bán ngoại tệ trái phép bị xử phạt như vậy là đúng quy định. Tương tự, nhiều luật sư cũng nhìn nhận hành vi bán ngoại tệ như vậy là trái quy định hiện hành.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, việc xử phạt này "hợp về lý" nhưng "chưa thuận về tình". Với những người không nắm chắc về luật, như anh Rê, theo đánh giá của các luật sư, sẽ rất khó để biết "cách xử lý thế nào là đúng luật với tờ 100 USD".
Bị phạt nặng nếu đổi USD không đúng nơi quy định
Theo Điều 22 của Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, hành vi đổi USD tại tiệm vàng được coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP . Cụ thể, điểm a, khoản 3, Điều 24 của Nghị định này chỉ rõ: Hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng - 100 triệu đồng.
Đổi USD ở đâu là hợp pháp?
Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Riêng việc bán ngoại tệ còn có thể được thực hiện tại các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
Để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt.