Với Thóc, tôi là mẹ, là chị gái, là bạn thân. Như nó từng hứa: "Vào năm sinh nhật con bằng tuổi mẹ bây giờ, chúng ta sẽ ăn mừng bằng cách đi săn rồng Kô Mô Đô!" – hy vọng vào tuổi 80, tôi sẽ vào rừng cùng nó tìm một con bò sát ngớ ngẩn nào đấy…
Thóc là hành trình tôi khám phá lại bản thân với sự kinh ngạc mãi không vơi. Từ nó, tôi tìm lại được đứa trẻ trong veo và ngây thơ tưởng đã trốn biệt trong chính mình, với niềm vui và sự điên rồ, hớn hở và háo hức sống.
Khi Thóc bắt đầu biết viết, nó ghi nguệch ngoạc dòng chữ sai chính tả, âu yếm lổn nhổn như đàn ruồi: "quộc đời con dành cho mẹ". Nhưng tôi không muốn con dành đời nó cho tôi, làm tôi vừa ý. Tôi cần Thóc sống cho chính nó, nó hạnh phúc và yên tâm với mọi lựa chọn của bản thân, kể cả lựa chọn ấy có thể tôi không mong muốn.
Tôi luôn tin vào linh cảm của người mẹ. Tôi cố gắng thư giãn và không áp đặt, lắng nghe và bảo vệ những tính cách tự nhiên của con một cách nghiêm túc như việc tôi tôn trọng chính mình.
Thóc tha thiết được chăm các con vật - tôi cố gắng nuôi cho nó cá, gà, mèo, chó, chim cảnh, rùa...dù muôn vàn khổ sở. Nó muốn trồng cây và "nghiên cứu khoa học" - chúng tôi gieo hạt ở ban công và tìm hiểu về thực vật ở bất cứ góc công viên nào. Nhà tôi biến thành các phòng thí nghiệm nhiều chức năng.
Thóc tha thiết được ôm hôn - tôi dàn xếp tất cả mọi cơn giận giữ và ương bướng của nó bằng vòng tay mình. Thóc chỉ nghe muốn nghe lời dịu dàng - tôi luôn gắn chữ "yêu" vào mỗi câu gọi nó. Nó muốn được nói chuyện với tôi như hai bạn thân - tôi sẽ vứt hết công việc, ngồi trước mặt nó thật nghiêm túc. Để nghe nó kể lại nỗi buồn niềm vui hàng ngày.
Tôi biết rất nhiều người mẹ khác như tôi, cố gắng để con trưởng thành theo cách - chính - nó - muốn. Và tôi tin, những đứa bé lớn lên được tôn trọng bản tính tự nhiên, luôn là những đứa bé hạnh phúc. Chúng không nhất thiết phải có điểm số cao, nhưng chúng có cả bầu trời ao ước.
Chúng ta, những người mẹ, có thể mua rất nhiều sách hướng dẫn về cách nuôi dạy con để tham khảo. Nhưng tất cả các kiến thức, chỉ dẫn về nuôi con đều không dùng được và đều thành không đúng – nếu bạn không DÀNH THỜI GIAN cho con. Đứa trẻ cần người bố mẹ tiêu thời gian cho chúng, thích đáng và 100% sự tập trung, trong ít nhất 6 năm đầu đời. Tất cả enzym làm nên một em bé vui vẻ và hạnh phúc, em bé cởi mở và yên tâm về việc "mình được yêu" – đều được bắt nguồn từ thời gian THỰC SỰ bố mẹ dành cho em ấy.
Hầu hết người lớn chép miệng với những đứa trẻ nghịch, mong chúng nó ngồi im, đừng gây xô lệch, bảo gì làm nấy, cấm cãi….Điều ấy thật vô lý, bởi với đứa trẻ việc được nghịch thiết yếu như mầm cây non cần nắng. Một đứa trẻ tất nhiên phải nghịch, vì với tụi nó nghịch để lớn, để hiểu về thế giới, để khoẻ mạnh và đầy năng lượng, để não bộ và trí tưởng tượng phát triển, để hiểu biết về nguy hiểm và an toàn của cuộc sống này. Nếu bạn có con nhỏ, hãy hạnh phúc chấp nhận cuộc sống của mình như trải qua động đất mỗi ngày, và đừng mất bình tĩnh hay nổi giận trước bất cứ đổ vỡ hay hỏng hóc nào của đồ đạc.
Thóc bảo, "nghịch ngu là nghịch vui – sao bố mẹ lại cáu?". Thế là tôi tạnh ngay, vì nó đúng mà!!!
Tôi không thù oán gì TV, thậm chí trước khi có Thóc tôi vẫn tiêu các buổi tối của mình trước màn ảnh nhỏ. Nhưng TV và các thiết bị điện tử, một mức độ nào đó, chẳng hay ho gì cho trẻ con. Những bộ phim hoạt hình, Brain Baby, Baby Einstein, nghệ thuật và khoa học, các kiến thức cơ bản về kỹ năng sống – được đưa đến bọn trẻ con qua thế giới của những thước phim. Tất nhiên nó rất có ích, sống động và đầy hài hước, đến người lớn còn mê tít cơ mà. Nhưng chúng ta không thể phó mặc việc dạy con và đặc biệt là CHƠI VỚI CON cho Tivi và các thiết bị điện tử.
Bạn có thấy cảnh này quen thuộc quá không - những đứa trẻ mới đang tập bò, đã bị tống cho cái điện thoại hoặc ipad, hoặc ngồi đờ đẫn trước màn hình vô tuyến để người lớn (có thể bố mẹ, hoặc ông bà, hoặc bác giúp việc) được yên thân làm việc cuả họ. Lúc ấy đứa trẻ sẽ không kêu khóc gì nữa, sẽ không nghịch ngợm, không hoạt động làm rối loạn nhà cửa, thậm chí sẵn sàng há mỏ ra nuốt những thìa thức ăn như cái máy mà không cảm nhận được hương vị của món ăn.
Ngay từ khi Thóc còn bé, trong nhà tôi đã có luật hạn chế tối đa xem TV. Nhưng có ngày đi làm về, nhìn con bé mắt đỏ kè đờ đẫn ngồi bất động trên ghế sofa và những Oggy, Tom & Jerry chạy nhoang nhoáng trên TV, thì tôi hiểu rằng người lớn trong nhà đã chọn cách chơi với nó sao cho nhàn nhất, vì Thóc nghịch quá.
Tôi quyết định đẩy mình vào tình thế không trông đợi được vào ai, để "chiến đấu" với con bé. Tôi cho người giúp việc nghỉ. Trong vòng 7 năm đầu đời của Thóc tôi chẳng làm gì được mấy trong sự nghiệp của mình, gần như toàn bộ thời gian tôi dành cho việc chơi với Thóc, đưa đón nó đi học, nấu ăn và cùng nhau dọn nhà, nuôi chó mèo, trồng cây cối, học về từng loại cây cỏ và loài vật mà chúng tôi có thể gặp ngoài kia….
Chuyện đó có quan trọng không? Theo tôi đó là nền tảng để tôi có được mối quan hệ BẠN THÂN với Thóc, và định hình được đời sống tinh thần của con bé. Mỗi buổi chiều trên đường về tôi đã hát ca trong lòng khi nghĩ đến lúc được nắm bàn tay bé xíu của Thóc trên con đường đi bộ từ trường về nhà (may sao, lúc Thóc nhỏ thì nhà tôi luôn ở gần trường), bọn tôi luôn rẽ qua công viên cho Thóc chạy nhảy một vòng và chơi với các em bé ỏ đó, rồi đi chợ.
Thóc học được rất sớm về gia vị và rau quả, thịt cá. Thóc được nhìn thấy một cuộc sống vô cùng sống động từ cái chợ nhỏ ấy, nó muốn cứu con tôm con cá, thương người bán rau, muốn chia sẻ với em bé phụ mẹ bán giò ở chợ, và nó còn có sự nhạy cảm của một người yêu bếp thiên bẩm: nó luôn xúc động với những thực phẩm tươi ngon và vẻ đẹp của các loại gia vị còn lấm lem đất cát.
Chúng tôi cùng nấu ăn bữa tối và các ngày cuối tuần. Thóc học bóc hành, gọt mướp, nhặt rau…từ khi mới 3 tuổi. Rồi lớn hơn nó phụ mẹ rửa bát, tự rang cơm và rán trứng cho mình. Thực ra đứa trẻ vào bếp giúp chúng ta thì nó gây mệt gấp 10 lần nếu chúng ta tự làm. Vì nó vụng về, làm rơi vãi, làm hỏng, và bừa bộn phát khiếp. Phải kiên nhẫn vô cùng mới chịu được việc chờ cho nó "đẽo" xong 1 quả mướp sau 30 phút chỉ còn đúng ruột. Nhưng nếu không tập làm từ sự vụng về, thì làm sao đến ngày khéo đảm? Nếu không học về lao động, làm sao biết thương vất vả của bố mẹ mình?
Để tránh tivi và điện thoại, tối nào tụi tôi cũng chơi vật nhau, như chó mẹ chó con. Vật thật sự, cù và cấu và húc đầu chẳng nhường nhịn gì. Nó với tôi đều mệt phờ và có khi xước sát, nhưng mà xả năng lượng và xả stress dã man, vui dã man. Đôi khi chúng tôi sẽ thay đổi sang trạng thái là cùng làm thủ công, xâu vòng, vẽ tranh, pha chế hoá học, bật nhạc lên và ôm nhau nhảy múa.
Giờ lên giường, chúng tôi cùng đọc một cuốn truyện và trả lời 15 câu hỏi cuối cùng của Thóc. Nói "15 câu hỏi cuối cùng" là vì con Thóc buôn chuyện khiếp lắm, nó cứ hào hứng nói mãi chẳng thể nằm im để ngủ. Tôi bao giờ cũng phải đóng lại là "Thôi, còn MỘT câu hỏi cuối cùng cho Thóc – rồi chúng ta nằm im đi ngủ". Và cái câu hỏi cuối ấy, đêm nào tôi cũng mềm lòng và bị nó dụ trả lời cho đến ít nhất là câu thứ 15…
Khi bạn sinh ra một đứa con, nghĩa là bạn sẽ phải lo âu về nó cho đến khi bạn nhắm mắt từ giã cuộc đời này. Có lần nói chuyện với X – người mà tất cả bạn bè chúng tôi đều ngưỡng mộ vì sự dạy con kỹ lưỡng. X bảo, "Tôi dạy con vất vả bây giờ để mong được YÊN THÂN sau này. Nghĩ xem, về già rồi mà còn phải chứng kiến con mình nó loay hoay, vô tích sự, sống cẩu thả, sống phí cả một cuộc đời – thì mình đau đớn và bất lực lắm".
Càng ngày tôi càng nhận ra, sinh được đứa con đã là khó, nuôi nó lớn mạnh khoẻ rất khó, dạy nó để mình "yên tâm" (YÊN THÂN) là mình đã cố gắng nhất – điều đó mới là khó cực độ.
Đây, tôi kể cho bạn nghe những thứ lặt vặt vớ vẩn nhất của việc dạy con nhé. Như việc dạy nó lau đít sạch sẽ và đúng cách sau mỗi lần đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn cơm, tụt quần áo ra nhớ cất ngay vào giỏ đồ bẩn hay treo lên mắc áo, bày cái gì ra thì phải dọn lại….Tôi nghĩ là mình phải nhắc Thóc đến hàng ngàn lần, kèm từ năm nó 2 tuổi – bây giờ nó hơn 10 tuổi, thế mà vẫn lõm bõm lúc nhớ lúc quên.
Những chi tiết rất nhỏ nhưng sẽ là nếp, là tính cách của con người khi trưởng thành. Bạn gặp những người theo đuổi mục tiêu đến cùng, rất chăm chỉ và nỗ lực, bao giờ cũng tìm ra giải pháp cho mình trong mọi hoàn cảnh. Nhưng bạn cũng gặp những người vô trách nhiệm, được chăng hay chớ, giao việc gì cũng không thể tin được, hơi khó khăn tý là thấy cùng đường và muốn buông tay. Tôi cho rằng để hun đúc lên con người lúc trưởng thành, chính là từ lúc bé họ được dạy dỗ, được uốn nắn, được lớn lên thế nào.
Nhưng dạy con kiểu gì cũng chẳng bằng mình sống. Bạn không thể bảo con chăm chỉ khi bạn lười biếng. Bạn không thể dạy con về sự tận tuỵ, kỹ lưỡng và cố gắng đến cùng khi bạn vô trách nhiệm và dễ bỏ cuộc. Bạn không thể trao cho con lòng yêu sách, khi bạn chẳng bao giờ đọc thứ gì ngoài xem báo và lướt FB. Thậm chí bạn không cần bảo "con phải làm thế nọ thế kia", nhưng cách bạn hành xử, thái độ sống kiêu hãnh và gắng gỏi của bạn, sự lương thiện của bạn – đã hàng ngày ngấm vào con rất chậm và ở lại tâm hồn đứa trẻ vĩnh viễn.
Người lớn chúng ta đầy bất toàn, nhưng ác nỗi toàn yêu cầu bọn trẻ con hoàn hảo: không nói dối, gọn gàng sạch sẽ, thông minh học giỏi, không cãi lại bố mẹ, không làm hỏng đồ đạc, biết giữ gìn cẩn thận tư trang cá nhân, quan tâm đến người khác, không ăn bim bim và uống nước ngọt, thích ăn rau xanh và nhiều trái cây, chữ đẹp và không sai chính tả, không làm giây mực ra quần áo… Tôi thấy làm đứa trẻ thoả mãn được những đòi hỏi của bố mẹ - thật là vất vả khôn khiết.
Hãy bình tĩnh, thở chậm lại nếu bạn sắp tăng xông vì một kết quả gì đó kinh khủng do đứa trẻ gây ra. Cái sinh mệnh chi chít sai ấy đang lớn, nó sẽ tự điều chỉnh bản thân mỗi ngày, và mình chỉ có cách đồng hành thật kiên nhẫn…
Vợ chồng tôi có cam kết với Thóc:"Chuyện gì bố mẹ cũng chấp nhận được, dù con sai, dù con gây ra lỗi lớn thế nào – miễn là con NÓI THẬT! Con có thể chia sẻ với bố mẹ mọi điều khó chịu con gặp, những phiền toái và đổ vỡ con gây ra, và mẹ hứa sẽ cùng Thóc giải quyết và sửa lại những phiền toái đó".
Và Thóc đã được xác nhận: nếu nó đánh mất đồ đạc, nó phạm lỗi, nó làm hỏng một thứ gì đó mẹ yêu thích ghê gớm, nó hậm hự với bạn bè, nó bị oan ức… thì chỉ cần Nói Thật với mẹ, nó sẽ có một người bạn hiểu và thương nó, không mắng mỏ không trách phạt, mà cặm cụi hiệp sức với nó chữa lại các xộc xệch đó. Mà nếu không chữa được, thì mẹ sẽ bảo nó: "Thôi bỏ qua đi Thóc! Mẹ chịu đấy.Lần sau thì kể cả muốn vui, cũng đừng nghịch ngu như thế nhé!".
"Em cần ôm! Em cần được yêu! Em bị thiếu tình yêu!". Con Thóc hay nói thế. Đòi hỏi đó là mệnh lệnh, nghiêm túc, không khoan nhượng, đòi được nhìn đến, đòi được quan tâm, đòi được yêu. Như một thứ nhân quyền tất nhiên, như dinh dưỡng, như đòi 1 cốc sữa. Đòi hỏi tham lam vô đáy ấy có năng lực dừng lại tất cả những gì tôi đang làm. Công việc, dọn nhà, cáu giận, buồn bã, bung biêng mệt mỏi. Tôi vứt hết, và nhao vào ôm nó hôn nó. Chỉ 1 phút thôi mà năng lượng trở lại tràn ngập cả 2 đứa tôi. Trong veo và tinh sạch. Bọn tôi cứ lấy ôm hôn làm nhiên liệu, thuốc giảm đau và thuốc bổ- để mình đi hết mỗi ngày và đón đợi từng ngày.
Buổi sáng, bọn tôi đánh thức nó dậy: "Thóc yêu ơi, con dậy nhé! Yêu con nhất trên đời". Cái từ "yêu" gần như đính kèm tên nó luôn, nghĩa là nó luôn được bố mẹ gọi là "Thóc yêu ơi" chứ không phải "Thóc ơi!". Không phải vì tụi tôi chỉ có con Thóc nên dồn nguyên cục yêu cho nó. Chỉ đơn giản vì tôi từng là một em bé có niềm tin được mẹ yêu nhất trên đời, và điều đấy đã làm nên thứ tế bào hạnh phúc trong cơ thể, tôi biết thứ "vitamin Yêu" cần thế nào cho một đứa trẻ (hay lớn hơn, cần thế nào cho một con người).
Một con người Được Yêu sẽ không bao giờ mặc cảm về bản thân. Con người ấy kiêu hãnh vì họ được sinh ra trên cuộc đời này, họ âu yếm với cả những khiếm khuyết của chính mình. Con người ấy sẽ vừa nghiễm nhiên tận hưởng vừa cố gắng nỗ lực để xứng đáng với việc được yêu. Họ không chấp nhận những thứ thấp kém trong các lựa chọn của mình. Họ cũng sẽ tránh xa những thứ thô lỗ, xấu xí có khả năng gây tổn thương cho họ.
Có một lần tôi ghi hình một tập phim với tụi trẻ con ở trường học, khi nghe một em bé nói: "Mẹ con bảo con thế này là hoàn hảo rồi", tôi xúc động lắm. Lúc đó là giờ ra chơi, từ các lớp túa ra lũ trẻ con nhặng xị chạy nhảy, quần áo xộc xệch, má đỏ rực, chúng nó cười vui và hét ầm...Tất cả lũ nhóc lộn xộn và nhem nhuốc ấy đều xinh đẹp và sinh động vô cùng. Tôi ước sao tất cả bọn trẻ đấy đều có niềm tin "con được yêu nhất trên đời", "đối với bố mẹ con đã là em bé hoàn hảo rồi". Tất cả những sự thua kém của điểm Toán, bài chính tả sai nhiều lỗi, chạy quá chậm trong giờ thể dục, phát âm sai Tiếng Anh ...đều không được phép làm một em bé trở thành mặc cảm và lo lắng về giá trị của bản thân mình.
Tôi tin vào ôm hôn, sự dịu dàng và kiên nhẫn, nhất định dành thời gian, háo hức cùng nhau khám phá mỗi ngày mới, cùng chia sẻ những niềm vui điên rồ và lấp lánh. Tôi tin rằng việc nuôi dạy một con người hạnh phúc khó hơn nhiều đào tạo nên một con người thành công.
Thóc đã bước sang tuổi thứ 11, và cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều. Nó đang bước trên con đường khám phá chính bản thân và khẳng định cái Tôi độc lập của mình.
Như mọi bố mẹ khác của bọn tuổi teen, đôi khi tụi tôi cảm thấy sốc, (thậm chí tủi thân) khi con bé chủ động lập một "hàng rào" giữa nó và bố mẹ. Một THẾ GIỚI RIÊNG được tạo ra dưới mái nhà của 3 người, ở đó nó nghe loại nhạc riêng, mặc quần áo theo cách nó thích, đọc những quyển sách ngoài danh mục lựa chọn của mẹ, ghi nhật ký, trò chuyện thì thầm với lũ bạn sau cánh cửa phòng…
Thoạt đầu, tôi chẳng dễ chấp nhận việc con Thóc vẫn quấn quýt sau lưng mình, rúc dưới nách mình – lại đòi độc lập! Cảm giác mất mát và lo lắng, như là mình sẽ không kiểm soát được con, và nó có thể rơi vào những thứ chẳng hay ho mà mình không ngăn lại được. Tôi nhớ lại chính mình ở tuổi của Thóc, bị cấm đoán mọi thứ, mẹ vẫn bế bồng tôi như đứa trẻ lên 5, và ra đường thì tôi bắt đâu phá phách "cho đã" phần bị bố mẹ chặn lại, nói dối như cuội, vấp phải cái gì đó sai lầm thì loay hoay tự sửa chữa, càng sửa càng sai thêm… May là gia đình dạy dỗ kỹ từ tấm bé, bố mẹ là người hiền lương, nên cuối cùng tôi vẫn được "quay đầu là bờ"…
Tôi nhận ra Thóc cần tự do và sự tôn trọng, như một con người độc lập. Ừ thì hãy ăn mặc như cách con muốn – toàn màu xám và đen, ngược lại hoàn toàn sở thích rực rỡ của mẹ. Ừ thì cứ nghe nhạc BTS, dù bố mẹ không chịu được K.POP. Ừ thì giữ không gian riêng của mình với các loại ảnh chibi, gấu bông Trung Quốc mua trong các cửa hàng lưu niệm mà tụi bạn tặng. Ừ thì cứ sái cổ tin vào cung Hoàng Đạo và có vẻ mặt rất hãm khi phải đi cùng bố mẹ tới chỗ tiệc tùng chung của các gia đình.
Chẳng sao cả, ai chẳng phải qua đoạn đường chật vật bước vào tuổi teen, nổi loạn theo cách hoặc điên rồ hoặc câm lặng. Nhưng mẹ tin những gì chúng ta đã kiên nhẫn gieo vào nhau mỗi ngày mỗi giờ trong suốt 10 năm qua, bằng tất cả niềm vui- tình yêu và lòng tha thiết, NÓ sẽ là "bộ khung" hệ giá trị sống của con.
Thế thì phải giữ sự độc lập song hành với sự quấn quýt bầu bạn thế nào? Vậy Thóc ơi, con tự đạp xe đi học và chơi với các bạn sau giờ rồi trở về nhà, lo bữa tối của chính con (nếu bố mẹ chưa đi làm về kịp), con tự học (vì các môn học của Thóc bây giờ là mẹ hoàn toàn chịu – không giúp được). Con cần mua quà tặng bạn, sưu tập ảnh của thần tượng, chọn các món đồ lưu niệm hấp hơi – mẹ sẽ cùng con đi sắm. À, mẹ còn nghe nhạc và đọc thêm về BTS để có thể cùng con chia sẻ những thứ thú vị bọn mình mới tìm ra về ‘Các Anh ấy".
Buổi tối, sau giờ con học xong, thì tụi mình cùng đi bộ, hoặc rúc rích xem chung một vài bộ phim ngắn (5 minutes craft, Try not to laugh animal, Nat geo wild…), hoặc nửa đêm mò dậy để cùng làm một món bánh mà mình thèm quá do vừa nhắc đến nó. Rồi "15 câu hỏi cuối cùng" tất nhiên vẫn tiếp tục, nhưng các chủ đề con hỏi đã rộng hơn rất nhiều, từ chuyện cơ thể của con sẽ thay đổi như thế nào, cho đến những khúc mắc với bạn bè, và mẹ cũng bắt đầu chia sẻ cùng Thóc những vất vả cũng như thành tựu mà mẹ thu nhận sau mỗi ngày…
Nhưng các chuyện đau đầu vẫn cứ xảy ra, không chuyện nào giống chuyện nào, và đều thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Như mới đây, Thóc phạm lỗi nặng, nó không làm bài tập và chữa chữ ký trong sổ liên lạc để bố mẹ và cô giáo không nhận ra. Và khi bị hỏi đến, nó lì lợm nói dối thêm lần nữa hòng cứu chữa cái lỗi không trung thực kia.
Trong cơn điên giận tột độ, tôi đã tẩn con Thóc một trận ra trò, và dùng những lời nặng nề hết mức để tấn công nó. Rồi hai mẹ con rúc vào hai căn phòng ngồi khóc, tổn thương và tan nát. Tôi đau đớn vì mình đã hành xử như một người mẹ tồi tệ xấu xa, tôi làm con đau về thể xác và hoảng loạn về tinh thần.
Chui vào cái chăn tối om, tôi nhìn lại cách mình dạy con mà hoang mang ghê gớm. Tôi chưa bao giờ mắng phạt Thóc vì điểm kém, vì con làm hỏng hay gây đổ vỡ các thứ. Tôi chỉ tha thiết bồi đắp mỗi ngày với mong mỏi Thóc lớn lên trở thành một con người thẳng thớm đàng hoàng, chăm chỉ nỗ lực, có trách nhiệm và lòng tự trọng về bản thân. Nhưng làm sao để Thóc hiểu đây???
Đêm đó thức trắng, và tôi biết mình chỉ có cách quay về sự KIÊN NHẪN và DÀNH THỜI GIAN. Công việc của tôi gần đây bận ngạt thở, không chi li từng chút với con được, và vì thế nó đã chớm buông tay khỏi bàn tay vẫn chìa ra của mẹ. Như mọi đứa trẻ bước vào tuổi teen, đây là quãng khó khăn của Thóc, khi cơ thể nó chật chội với tinh thần đang lớn và nó luôn bứt dứt ngột ngạt với chính mình.
Ngày hôm sau, tôi gọi Thóc nói chuyện "nghiêm túc như hai người lớn". Con bé căng thẳng tột độ, nó chưa quên trận đòn và cái lỗi luôn được cảnh báo từ ngày nhỏ: "thứ mẹ ghét nhất – sự dối trá". Nó ngồi thẳng lưng, đầy phòng thủ, nó hẳn đoán mẹ sẽ hạch tội ngày hôm qua.
Tôi nói: "Thóc ơi, có một chuyện vô cùng quan trọng, mẹ nói với con chỉ một lần thôi. Con chú ý nghe để nhớ nhé!". Rồi gỡ đôi tay gồng cứng khoanh trước bụng của nó ra, kéo vòng lên cổ tôi, ôm lấy con bé, tôi bảo nó: "Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, cho dù mẹ có không bình tĩnh mà đánh con rất đau, mẹ có nhiếc mắng và dùng những lời nói gây tổn thương cho con, thậm chí nếu mẹ bị điên giận, có thể mẹ còn đuổi con ra khỏi nhà. Thì con chỉ cần nhớ điều DUY NHẤT này thôi: mẹ yêu con vô cùng, mẹ yêu con nhất đời, không có điều gì, không có lỗi lầm nào của con có thể làm thay đổi được tình yêu ấy".
Con bé khóc nức lên, nó dụi hết mũi dãi vào vai áo tôi và lắp bắp: "Con nhớ rồi, con sai rồi, con cố gắng không làm mẹ đau lòng nữa, nếu con bị quên thì mẹ vẫn yêu con nhé".
Tết 2019, Thóc viết khai bút ngày mùng Một, một câu thôi: "Con mong ước năm nay mẹ vui và thành công, để mẹ được trở về nhà sớm với con". Và mục tiêu quan trọng nhất 2019 mà tôi cần phấn đấu là: Thu xếp công việc để có thể trở về nhà sớm để cùng Thóc đi bộ, đạp xe, chơi bóng và dắt chó đi dạo, dạy Thóc nấu ăn cấp độ khó hơn và kèm nó làm thành thạo việc nhà. Mỗi tối tụi tôi vẫn vật lộn và cấu chí nhau, chơi cờ vua và ăn gian rồi cười rinh rích, nhảm nhí và điên khùng như hai đứa trẻ nghịch ngu.
Thóc, đã bước sang tuổi thứ 11, tóc dài chấm vai dày và đen óng, da bánh mật, bắp tay bắp chân chắc nịch, sống động và nhanh nhẹn như một chú hươu non. Mới hôm qua, nó ôm tôi thủ thỉ: "Con yêu mẹ nhiều như hạt cát, chui cả vào giày và quần áo. Con yêu mẹ muốn nổ tung con ra…".
Còn với tôi. Thế giới trong veo và thơ ngây, viển vông và điên khùng, kỳ diệu và ngọt ngào, an ủi và âu yếm – được gói tròn xoe trong vòng ôm non nớt của em Thóc.
Hành trình Học Làm Mẹ là hành trình không bao giờ buông tay một đứa trẻ để cúi xuống lắng nghe, thấu hiểu và thương yêu tận tụy. Hành trình ấy tôi tự học, để khám phá thêm một lần nữa cuộc đời kỳ diệu của chính mình.