Có những đứa con chăm ngoan, học giỏi là niềm mong mỏi của tất cả các bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích việc học, có thành tích tốt. Nhiều trẻ thường bị điểm kém dẫn đến chán ghét việc học, lo sợ mỗi khi ngồi vào bàn làm bài tập. Để giúp con cải thiện tình trạng trên, các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số cách sau.
1. Có thói quen ghi chú thông tin
Một trong những chức năng cơ bản nhất của việc ghi chú là giúp bạn khắc sâu nội dung một lần nữa. Chép một lần còn hơn đọc 10 lần, điều này hoàn toàn đúng đắn. Phần ghi chú sẽ điểm lại những kiến thức quan trọng, là những điều tinh túy được chắt lọc từ sách giáo khoa. Nhờ đó sẽ giúp trẻ dễ hình dung trọng tâm kiến thức trong quá trình ôn luyện.
Tập thói quen ghi chú là một phương pháp ôn thi hiệu quả. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc viết thông tin bằng tay ra giấy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng ghi nhớ. Từ đó trẻ có thể hình dung về những gì mà mình đã viết. Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ khi viết ghi chú cần viết bằng từ ngữ của mình một cách dễ hiểu, thay vì viết theo những gì giáo viên dạy. Điều này sẽ giúp trẻ nắm bắt và lưu giữ thông tin tốt hơn.
2. Phương pháp tổng hợp thông tin
Với sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu, hầu hết những đứa trẻ đều tiếp xúc với Internet từ rất sớm. Cơ hội tiếp cận này vừa là kho báu, vừa là mối nguy hiểm đối với học tập của trẻ. Nếu như Internet có thể giúp con người tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng với góc nhìn đa chiều, thì cũng có thể nhấn chìm họ trước biển lớn tri thức. Vì thế, tổng hợp thông tin là một kỹ năng phát triển bản thân vô cùng quan trọng mà trẻ cần được hướng dẫn.
Tổng hợp thông tin thông minh là từ một bài báo, một đoạn văn hay bài nghiên cứu của một học giả nào đó, trẻ có khả năng đọc lướt và tìm ra cốt lõi vấn đề, các luận điểm, luận cứ chứng minh. Trẻ cần biết cách tìm ra các từ khóa, tóm tắt bài viết theo ngôn ngữ của mình, vẽ sơ đồ tư duy hoặc đánh dấu những đoạn ngắn bằng bút nhớ để lọc thông tin.
3. Đặt câu hỏi phản biện
Đặt câu hỏi phản biện vô cùng quan trọng trong quá trình học mà cha mẹ cần hướng dẫn trẻ. Bởi sự chủ động học hỏi không chỉ giúp trẻ giải đáp những thắc mắc cá nhân để hoàn thiện mình, mà còn là một thái độ tốt để rèn luyện sự tự tin và mài giũa tư duy sắc bén.
Đặt câu hỏi cũng đồng nghĩa với việc trẻ phải có khả năng lập luận, bảo vệ quan điểm của mình. Khi đó, trẻ sẽ có cơ hội rà soát lại kiến thức của bản thân và tiếp tục ghi nhớ kho tàng tri thức. Nếu trẻ chưa có thói quen đặt câu hỏi và nêu ý kiến phản biện, cha mẹ hãy sớm giúp trẻ hình thành phương pháp học tập này.
Ảnh minh họa.
4. Không nên làm nhiều việc cùng lúc
"Multi-tasking" là một khái niệm chỉ hành động thực hiện nhiều công việc trong một lúc để tiết kiệm thời gian và rèn luyện não bộ linh hoạt. Ngày nay, nhiều người đã áp dụng cách học này nhưng với một hướng đi hoàn toàn sai lệch. Nghiên cứu về "multi-tasking" cho thấy, sự chuyển đổi giữa nhiều nhiệm vụ sẽ mất thời gian hơn khi những nhiệm vụ càng nhiều và phức tạp. Đồng thời, người thực hiện có thể làm các việc kém hiệu quả hơn là tập trung vào một thứ.
Chính vì vậy, khi trẻ chưa quen với làm nhiều việc cùng một lúc thì cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tập trung hoàn thành tốt một thứ, thay vì tham gia quá nhiều việc khác nhau trong cùng một thời điểm.