Các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Hóa học Mỹ đã dành nhiều tháng liền để tìm ra lợi ích dinh dưỡng của châu chấu, dế, sâu gạo và sâu bột.
So với thịt bò, 2 loại côn trùng đầu tiên là châu chấu và dế chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt về hàm lượng sắt, một trong những lợi ích chính của thịt bò.
Bản báo cáo được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội vào ngày 26.10 cho biết những phát hiện này mở ra một nguồn cung cấp thực phẩm bền vững mới và giàu chất dinh dưỡng cho con người.
Trước đây, các nhà khoa học cũng đã phát hiện côn trùng chứa một hàm lượng protein cao.
Nhưng nghiên cứu mới nhất này cung cấp thêm một cái nhìn mới về những chỉ số dinh dưỡng của côn trùng. Quan trọng nhất chính là tìm ra nguồn thay thế sắt, vốn có nhiều trong thịt.
Thông thường, chúng ta chỉ biết nếu một chế độ dinh dưỡng không có thịt thường không cung cấp đủ chất sắt cho cơ thể, gây ra bệnh thiếu máu do sắt.
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến khả năng nhận thức thấp, hệ miễn dịch yếu, ảnh hưởng tới thai nhi và nhiều chứng bệnh khác.
Dế là loại côn trùng chứa sắt nhiều nhất, hơn cả lượng sắt có trong thịt bò. Tiếp đến là châu chấu và sâu gạo.
Khoáng chất bao gồm canxi, đồng và kẽm từ châu chấu, dế và sâu bột cũng dễ được hấp thụ hơn so với các loại khoáng chất tương tự có trong thịt bò.
Tiến sĩ Latunde-Dada, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết kết quả này sẽ giải quyết phần nào nhu cầu dinh dưỡng của dân số ngày càng gia tăng không ngừng trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã biết chế biến nhiều món ăn ngon từ côn trùng. Tuy nhiên, ngoài hình thù "ghê sợ", nhiều người chưa dám thử các món ăn này do lo ngại vấn đề ngộ độc thực phẩm.
Theo Liên Hợp Quốc, ẩm thực côn trùng không phải là một khái niệm mới ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay có hơn 2 tỷ người đang bổ sung dưỡng chất mỗi ngày bằng cách ăn côn trùng, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico và Thái Lan.
Có hơn 1.900 loài côn trùng có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng như: Dế, mọt cọ, sâu bướm, châu chấu, cào cào, ve sầu, bọ cạp...
Côn trùng không chỉ bổ dưỡng, ngon và ít calorie mà còn giúp giảm khả năng lây truyền bệnh cho con người hơn là các món ăn từ thịt bò, thịt lợn...
Trước đó, Tổ chức Lương thực Thế giới cũng đã kêu gọi người dân thế giới ăn côn trùng để chống nạn đói và bảo vệ môi trường.
Một số lưu ý trong chế biến món ăn từ côn trùng
- Không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành món ăn.
- Những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn côn trùng.
- Khi so chế phải lưu ý: Ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi… để côn trùng bị kích thích thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết; Loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi;
Rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; Để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến.
- Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh…
- Khi có người bị ngộ độc côn trùng, cần tìm cách làm cho bệnh nhân nôn hết thức ăn ra. Cho người bệnh uống than hoạt tính hoặc đậu xanh giã nát hay nước ngô non để hấp thụ chất độc trong cơ thể người bệnh.
Sau đó nhanh chóng chuyển người bệnh tới bệnh viện để được kiểm tra và chăm sóc tốt nhất.
* Tổng hợp