Trong xã hội hiện đại, tấm bằng đại học dường như trở thành thước đo cho sự thành công. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh đặt nặng áp lực học hành lên con cái. Theo đài CGTN, thi đại học tại Trung Quốc là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới.
Vì có ý nghĩa quan trọng nên nhiều bậc phụ huynh đặt kỳ vọng lớn vào kết quả của con mình. Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn cao đạt được điểm cao để trúng tuyển vào trường đại học mong muốn. Tuy nhiên, giữa "bão" điểm số, vẫn có những câu chuyện đẹp về tình cảm gia đình, về cách chúng ta đối diện với những "vấp ngã" đầu đời.
Ngày 27/6, một đoạn tin nhắn giữa người mẹ và con trai "gây bão" cộng đồng mạng Trung Quốc. Thay vì trách mắng hay thất vọng khi con trượt đại học, người mẹ lại chọn cách an ủi, động viên con bằng những lời lẽ đầy tình cảm và thấu hiểu. Cụ thể, cô viết: "Việc cảm thấy khó chịu khi con biết kết quả là điều bình thường, nhưng con như vậy có thể thay đổi kết quả không? Chúng ta chỉ cần đối mặt với nó thôi. Trong tương lai con làm gì cũng được, miễn là con chăm chỉ và làm những điều đúng đắn".
Câu chuyện của hai mẹ con nhanh chóng nhận được “cơn mưa” lời khen từ cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong xã hội ngày nay, khi mà cha mẹ thường đặt nặng thành tích học tập của con cái lên hàng đầu, thì cách hành xử của người mẹ như “một luồng gió mới”, truyền cảm hứng về tình yêu thương và sự tin tưởng.
Hành động đẹp của người mẹ cũng là lời khẳng định cho quan điểm: thành công không chỉ có một con đường. Việc không thể bước chân vào giảng đường đại học không đồng nghĩa với việc tương lai của bạn sẽ đóng sập. Mỗi người đều có những điểm mạnh, điểm yếu và sở thích riêng. Điều quan trọng là tìm ra con đường phù hợp với bản thân, theo đuổi đam mê và nỗ lực hết mình.
Dưới bài đăng, một cư dân mạng chia sẻ câu chuyện của bạn mình. Anh ta dù không thi đỗ đại học nhưng đã lựa chọn học nghề. Giờ đây, người ấy đang có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.
Có thể thấy, hành trình trưởng thành của mỗi người đều là chuỗi ngày không ngừng thử thách và lựa chọn. Trong hành trình ấy, gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất. Thay vì tạo áp lực, cha mẹ hãy là người đồng hành, thấu hiểu và luôn ở bên cạnh động viên con cái. Bên cạnh đó, chính bản thân mỗi người cần tự tin vào bản thân, dám đương đầu với thử thách và không ngừng nỗ lực để kiến tạo cuộc sống tươi đẹp cho riêng mình.
Cha mẹ càng thúc ép, con cái càng không có động lực
Nhiều cha mẹ cho rằng mình đã lao động rất vất vả vì con, chính vì thế con cái không được phép mắc sai lầm. Những kỳ vọng trong việc nuôi dạy con cái ở thời hiện đại đang gây áp lực lên chính các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, chính sự áp lực này lại hạn chế con trẻ được phát triển một cách toàn diện.
Một chuyên gia giáo dục Trung Quốc từng nhận định trên truyền hình rằng việc học cũng giống như việc kéo một chiếc xe, vốn là nhiệm vụ của chính đứa trẻ. Nhưng cha mẹ lại cho rằng trẻ chậm chạp và cố gắng thúc ép từ phía sau để giúp con đi nhanh hơn. Bề ngoài giống như trẻ đã tăng tốc nhưng cũng là lúc chúng dễ mất đi sự tự chủ, trải nghiệm và niềm vui, chỉ còn lại phải đi nhanh không ngừng một cách quá sức.
Lee Yoo-nam, chuyên gia giáo dục Hàn Quốc, từng chia sẻ về việc dạy con sai lầm của mình. Để con có thể đỗ các trường danh tiếng, cô giám sát con chặt chẽ từ khi chúng con nhỏ. Lee Yoo-nam lên lịch trình chi tiết 1 ngày cho những đứa trẻ, bao gồm thời gian thức dậy, ăn uống, học tập, những lớp luyện thi, các cuốn sách phải đọc và bài tập cần làm.
Hai đứa trẻ như những cỗ máy học mỗi ngày, ban đầu điểm số rất tốt nhưng càng về sau càng bày tỏ sự chán ghét việc học. Cả 2 người con của Lee Yoo-nam sau đó đều bỏ học vào năm cuối trung học, anh trai nghiện game và mắc chứng rối loạn xã hội nghiêm trọng, em gái mắc bệnh tâm lý chỉ chốt mình trong phòng.
Cha mẹ hy vọng con mình "hóa rồng hóa phượng" là điều dễ hiểu, nhưng hãy nhớ rằng việc quá thiếu kiên nhẫn và mù quáng theo đuổi thành công nhanh chóng chỉ có thể phản tác dụng. Thay vì giám sát con quá kỹ càng, hãy khơi dậy tính tự giác, chỉ đưa ra lời khuyên, giúp đỡ khi trẻ cần. Đồng thời chính cha mẹ có thể làm gương và không ngừng khích lệ con, trau dồi và hoàn thiện bản thân về mọi mặt bên cạnh việc học.
Theo Sohu