Con trai Thanh Nga: Bị người nhà trách móc vì không khóc, hạn chế lên thăm mộ cha mẹ

Tùng Ninh |

"Lúc bà mất, mọi người trong nhà trách tôi dữ lắm. Mọi người bảo thằng Hà Linh không rơi một giọt nước mắt nào khi ngoại mất" – con trai Thanh Nga chia sẻ.

Vừa qua, tại chương trình Người kể chuyện đời, con trai huyền thoại Thanh Nga đã chia sẻ về cuộc sống của anh sau khi cha mẹ bị ám sát. Anh nói: "Tôi thấy mẹ hoài trong mơ. 5, 10 năm nay thì tôi bớt lại rồi nhưng lâu lâu vẫn nhìn thấy mẹ, giống như kiểu mẹ về chơi, về thăm tôi.

Tôi chủ động kể chuyện cho mẹ, tâm sự với mẹ những điều xảy trong cuộc sống hàng ngày hay trong gia đình.

Con trai Thanh Nga: Bị người nhà trách móc vì không khóc, hạn chế lên thăm mộ cha mẹ- Ảnh 1.

Hà Linh

Nếu có luân hồi, tôi mong mẹ được đầu thai sang kiếp khác, nhưng trong lòng lại nghĩ mẹ vẫn còn thương nên ở lại giúp mình. Tôi thấy trong những câu chuyện tôi gặp phải đều có bàn tay của mẹ giúp mình.

Sau khi cha mẹ mất, tôi sống với bà ngoại là bà bầu Thơ. Bà chăm tôi 10 năm, tới năm 1988 thì bà qua đời. Từ đó, tôi tự lực cánh sinh.

Lúc bà mất, mọi người trong nhà trách tôi dữ lắm. Mọi người bảo thằng Hà Linh không rơi một giọt nước mắt nào khi ngoại mất nhưng do tôi đau quá không thể khóc được. Tôi chỉ nghe thôi chứ không nói lại ai. Tôi chỉ mong họ hiểu cho tôi.

Ngay cả khi cậu hai mất, tôi cũng không khóc được. Tôi nghĩ rằng, bố mẹ mình mất đi đã là nỗi đau lớn nhất rồi thì đâu còn nỗi đau nào lớn hơn được. Tôi nghĩ đơn giản rằng, ai rồi cũng phải chết, không cần phải khóc lóc làm gì.

Tôi luôn muốn quên đi những câu chuyện về bố mẹ, không muốn khơi gợi lại chuyện cũ nữa. Ngay cả việc lên mộ thăm bố mẹ, tôi cũng không muốn lên nhiều. Tôi nghĩ, nếu tôi còn vấn vương, lưu luyến hoài thì bố mẹ không đi được.

Con trai Thanh Nga: Bị người nhà trách móc vì không khóc, hạn chế lên thăm mộ cha mẹ- Ảnh 3.

Thanh Nga

Trước lúc mất, tôi nghĩ chắc mẹ có linh cảm được nên làm một cuốn nhật ký ghi lại nhiều hình ảnh, lưu bút của mẹ về tôi, nhưng chỉ được vài trang thôi.

Lúc nhỏ, bà ngoại có đưa lại cuốn lưu bút cho tôi, tôi mừng lắm vì ít ra mình cũng biết được hồi nhỏ mình như thế nào".

Tiếp đó, Hà Linh chia sẻ về lí do rẽ sang hài kịch trong khi gia đình truyền thống là cải lương. Anh nói: "Ban đầu tôi rất mê cải lương, cũng học ca. Hồi nhỏ tôi còn vào đoàn và được bà ngoại giao cho mấy vai nhỏ. Nhưng tôi không có giọng hát và tự thấy mình không hát cải lương được. Tôi thử hát vọng cổ nhiều lần nhưng không đủ hơi để hát.

Tới năm lớp 12, nhà tôi tính cho tôi đi xuất khẩu lao động. Tôi thấy xa xôi quá nên muốn thi vào trường Sân khấu để theo nghề diễn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại