“Tôi sẽ hiến máu 100 lần”
Chia sẻ tại Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2019, anh Nguyễn Trí Hiếu (1974, Quận 4, TP HCM) khẳng định quyết tâm sẽ hiến máu 100 lần cho đến khi không thể. Câu chuyện đưa anh Hiếu tới hoạt động tình nguyện hiến máu khiến người nghe vô cùng xúc động.
“Mẹ tôi mất do không có máu để truyền. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho mẹ, đến giờ tôi vẫn nhớ.
Không chỉ mẹ tôi, mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra vẫn có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà không thể. Nếu mẹ tôi ở trong thời đại này, có lẽ mọi thứ đã khác”, anh Hiếu nói.
Đến nay, sau hơn 20 năm, anh Hiếu đã có 70 lần hiến máu. Gọi những người hiến máu tình nguyện là những “chiến sĩ”, anh Hiếu khẳng định quyết tâm thực hiện 4 lần hiến máu mỗi năm.
“Lần đầu tiên tôi chỉ hiến 250ml, rồi sau này 350ml và có khi lên đến 450ml. Tôi cũng tham gia vận động người thân và mọi người xung quanh tham gia. Tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tôi không còn hiến máu được nữa. Tôi cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước”, anh chia sẻ.
Với 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh, họ đã có 100 lý do để bén duyên với hoạt động hiến máu và sẽ có những câu chuyện ý nghĩa đi theo họ đến cuối cuộc đời.
Trong đó, có những “chiến sĩ” rất trẻ tuổi như bạn Đặng Quang Nam (1996, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã hiến máu 50 lần và cả gia đình cùng hiến máu 104 lần.
Hay Bác Trần Quang Hòa (1955, Cầu Giấy, Hà Nội) là người cao tuổi nhất được tôn vinh lần này. Bác đã tham gia hiến máu từ năm 2000 và đến năm 2015 thì hết tuổi hiếu máu.
“Lúc đó tôi 61 tuổi và đã hiến máu được 15 lần. Nhưng tôi cảm thấy sức khỏe của mình vẫn tốt và và hiến thêm một lần nữa thành 16 lần. Tôi muốn trao tặng điều tốt nhất cho người bệnh”, bác Hòa nói.
Sau đó, bác Hòa tiếp tục tích cực vận động con cháu trong nhà, người thân và hàng xóm cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này. Bác Hòa chia sẻ, cô con gái lớn của mình khi vừa đủ tuổi cũng đã ngay lập tức hiến máu trong lúc đang đi học quân sự.
Những tấm Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của gia đình bác Hòa. |
Mang nhóm máu hiếm phải biết trân quý mình trước tiên
Bạn Nguyễn Đức Kiên (1991), Trưởng nhóm máu Rh-, CLB nhóm máu hiếm khu vực Hà Nội nhấn mạnh thông điệp: “Mọi người hãy cứ cho đi và mình sẽ nhận lại nhiều hơn”.
Kiên cho biết, mọi thành viên trong CLB đều ý thức việc giữ cơ thể ở thể trạng tốt nhất, cũng như dự trữ nguồn máu của mình: “Lần đầu tiên tôi hiến máu vào năm 2009 khi còn là sinh viên và đến hiện nay đã hiến máu 15 lần.
Vì mang trong nhóm máu Rh- luôn để hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp, nên tôi và các thành viên của nhóm, của CLB luôn giữ gìn nguồn máu của mình để sẵn sàng hiến máu khi gặp những trường hợp người bệnh nặng hay cần nhiều máu”.
Không chỉ sẵn sàng trao đi giọt máu của mình để cứu người, các “chiến sĩ” còn hết mình lan tỏa hành động hiến máu cao đẹp, đặc biệt là thành công khi vận động được người thân, bạn bè và những người hàng xóm cùng tham gia hiến máu.
Chị Đàm Thị Nhi đã vận động được 300 người tham gia hiến máu. | ||
|
Chị Đàm Thị Nhi, công tác tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo hiến máu, đã vận động được 300 người khác tham gia trao đi giọt máu đào của mình.
“Khi hiến máu chúng tôi không nghĩ đến việc được tôn vinh hay là cảm ơn, mà mục đích chính của tất cả những người tình nguyện hiến máu là trao cơ hội sống cho nhiều người khác.
Buổi tôn vinh khiến chúng tôi và cả cộng đồng nhận thức được ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu. Đây cũng là động lực để vừa tiếp tục hiến máu, vừa vận động thêm người thân và bạn bè tham gia hiến máu”, chị Nhi nói.
Theo Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2018, viện đã tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó hơn 98% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện./.