Bàn về nhân tình thế thái, có lẽ không thể bỏ qua câu chuyện được truyền trong dân gian về một giấc mơ kỳ lạ dưới đây.
Thời xa xưa, bên bờ biển nọ có một gia đình ngư dân họ Trần sinh sống. Ông bố Trần Vũ trong suốt nhiều ngày liền vì hôn sự của con trai Trần Khắc mà lo lắng không yên. Nguyên nhân là vì người môi giới báo rằng, bên thôn Lăng có cô gái rất xinh, chỉ có điều yêu cầu sính lễ rất cao.
Gia đình ông Trần không lấy gì làm dư giả nên phải nghĩ đến số sính lễ để hỏi vợ cho con, cả hai vợ chồng đều ăn không ngon ngủ không yên.
Một hôm, ông Trần cùng một người đàn ông trong thôn là Lưu Tam ra biển đánh cá để kiếm thêm tiền lo việc cho con trai. Nào ngờ giữa trưa, trời bỗng xám xịt, sấm sét đùng đùng, một cơn mưa xối xả ập xuống.
Người con trai Trần Khắc và mẹ là bà Liễu trong lòng như lửa đốt, vội chạy ra biển ngóng chờ tin. Cho đến tận chiều tối, họ mới nhìn thấy trên mặt biển có người đang tìm cách dạt vào bờ.
Trần Khắc vội cứu người lên, mới nhận ra đó là Lưu Tam, liền vội vã hỏi bố mình đâu. Lưu Tam sắc mặt đau thương, mếu máo nói:
"Thuyền bị sóng đánh vỡ, nếu chú không ôm được cây gỗ, e là cũng đã chết rồi. Còn anh Trần, chính mắt tôi đã nhìn thấy anh chìm xuống biển, sợ rằng…"
Vừa nghe đến đó, bà Liễu đã ngã sụp xuống đất. Trần Khắc phải dìu mẹ vào nhà, đợi mưa tạnh gió ngừng mới chèo thuyền ra biển tìm bố. Nhờ có ánh trăng, người con trai cứ thế lênh đênh trên biển tìm cha. Không biết từ lúc nào, anh ngủ thiếp đi.
Trong mơ, anh thấy bố của mình trên biển. Kỳ lạ là trên biển có một chiếc quan tài và bố anh là người nằm trong đó. Xung quanh quan tài có rất nhiều rùa biển đang tập trung lại, đẩy chiếc quan tài đi. Giấc mơ kỳ lạ khiến Trần Khắc giật mình bừng tỉnh.
Anh cảm thấy tim đau nhói, tiếp tục chèo thuyền tìm cha.
Ngày thứ nhất, rồi ngày thứ hai trôi qua, người con trai vẫn chưa tìm thấy tung tích của bố. Trong khi đó, bà Liễu ngày ngày thẫn thờ ngồi trên bãi biển trông ngón, mắt sưng húp lên vì khóc quá nhiều.
Còn Lưu Tam, sau khi sống sót trở về cũng không hề đến hỏi thăm tình hình của ông Trần, chỉ đứng từ xa theo dõi, đầu cúi gằm, lê những bước chân nặng nề. Trần Khắc cho rằng vì Lưu Tam không dám đối diện với gia đình anh nên mới làm vậy.
Thế nhưng sang đến ngày thứ 3, có một thứ gì đó bất ngờ xuất hiện, trôi lềnh bềnh trên mặt biển.
Trần Khắc vội vã chạy ra xem, đến gần, anh vô cùng kinh ngạc khi thấy một chiếc quan tài, giống hệt như chiếc quan tài đã xuất hiện trong giấc mơ của anh đang trôi trên mặt nước.
Đáng kinh ngạc hơn, anh còn nhìn thấy không biết bao nhiêu con rùa biển đang đẩy chiếc quan tài về phía trước. Nhìn vào trong quan tài, Trần Khắc không nén nổi sự mừng vui khi người nằm trong đó chính là bố mình.
Giấc mơ kỳ lạ về đàn rùa đẩy quan tài của Lưu Khắc quả nhiên trở thành hiện thực. Ảnh minh họa.
Sau khi đưa bố về nhà, anh vội vã đi tìm thầy thuốc. Nhờ được uống thuốc và chăm sóc cẩn thận, một vài hôm sau, ông Trần đã hồng hào, hô hấp bình thường trở lại.
Lúc này, thông tin ông Trần sống sót từ biển trở về đã truyền khắp thôn. Lưu Tam nghe được, nét mặt biến sắc.
Thì ra hôm đó, ông Trần và Lưu Tam cùng ra biển. Lúc thuyền vỡ, Lưu Tam để giữ mạng mình đã chiếm cây gỗ và đạp người đồng hành với mình rơi xuống biển. Ông ta không ngờ Trần Vũ lại có thể sống được mà trở về.
Sau khi bị bắt lên quan phủ, Lưu Tam đã thừa nhận tất cả chân tướng sự việc.
Về phía ông Trần, ông vô cùng biết ơn những con rùa biển. Thì ra vài năm trước, người đàn ông này đã từng cứu một con rùa biển. Thật không ngờ, khi ông gặp nạn, chú rùa đó lại có thể dẫn theo cả một đàn rùa đến cứu mình.
Thông điệp được gửi gắm từ câu chuyện ly kỳ
Câu chuyện rùa biển cứu người xưa nay vẫn được lưu truyền trong dân gian. Có nhiều yếu tố là hư cấu nhưng giấc mơ về đàn rùa đẩy quan tài chẳng phải đã gửi đến chúng ta một thông điệp rất rất rõ ràng?
Đó là đạo lý sống ở đời: Thiện hữu thiện báo. Vạn vật trong trời đất đều có linh hồn. Thực tế cuộc sống đã có không ít câu chuyện chứng minh rằng, động vật biết quay lại báo đáp con người chứ chưa nói đến con người dành lòng biết ơn, báo đáp cho nhau.
Chúng ta làm việc thiện từ tâm, có thể chúng ta không cần báo đáp, không cần tán dương nhưng rồi có ngày, bản thân chúng ta sẽ nhận được sự đền đáp từ chính những việc mình đã làm.
Cổ nhân có câu nhắc rằng: "Hành thiện mà không cầu báo đáp sẽ khai mở thiện tâm của người khác và giải được khổ nạn của bản thân; cứu người trong lúc khốn đốn sẽ giúp họ tích lũy của cải để hành thiện và bản thân sẽ nhận được sự giúp đỡ của người khác".
Có lẽ dù trong thời đại nào đi nữa, câu nói này cũng vẫn rất đáng để chúng là ngẫm và làm theo.