Bố mẹ nào cũng mong muốn con trở thành những người thông minh, tốt bụng, trung thực, dũng cảm và biết yêu thương người khác. Một đứa trẻ lớn lên có thành tài hay không, không chỉ liên quan đến bản thân đứa trẻ mà còn chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ cách giáo dục gia đình.
Mới đây, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh bữa ăn của một gia đình nhỏ gồm có bố mẹ và 1 cậu con trai tại Trung Quốc. Đang chuẩn bị ngồi lên ghế ăn cơm, cậu con trai lỡ tay va phải chiếc cốc nên làm nước đổ lênh láng ra bàn. Phản ứng sau đó của phụ huynh đã nhận về nhiều lời khen có cánh.
Một bữa ăn gia đình ấm cúng (Nguồn: douyin)
Theo đó, lúc sự cố xảy ra, bố của cậu bé đang ở bên cạnh và chứng kiến toàn bộ sự việc. Lúc này, cậu bé có lướt vội lên để nhìn nét mặt của bố. Xem đến đây, nhiều netizen nghĩ rằng chắc em sẽ bị ăn mắng cho mà xem. Tuy nhiên, bố của cậu bé không nói gì mà chỉ lấy giấy ra để lau vũng nước mà con trai vừa làm đổ ra bàn. Dù chẳng nói câu nào, nhưng khi nhìn hành động này của bố cũng chẳng khác gì đang nói: "Không sao đâu con trai ạ".
Một lúc sau, mẹ cậu chạy ra để xem bố con có chuyện gì, rồi cũng nhanh chóng lấy giấy ra để lau mớ "hỗn độn" mà cậu con trai vừa gây ra. Chứng kiến hành động của mẹ, thần sắc trên gương mặt cậu bé thay đổi rõ rệt từ buồn thiu vì biết lỗi mình đã gây ra sang trạng thái vui vẻ. Chưa dừng lại ở đó, mẹ còn véo má yêu em một cái khiến không khí xung quanh ấm áp vô cùng.
Thấy vậy, em cũng lấy giấy ra phụ giúp bố mẹ dọn dẹp mọi thứ để chuẩn bị ăn cơm. Họ sắp xếp lại mọi thứ, bàn ăn từ lộn xộn trở nên ngăn nắp như lúc đầu. Mọi chuyện trôi qua như chẳng có gì xảy ra, cả gia đình nhỏ lại cùng nhau ăn uống trong bầu không khí vui vẻ, ấm áp vô cùng.
Chưa dừng lại ở đó, vì cốc nước của cậu bé vừa bị đổ, mà mẹ cậu chỉ chuẩn bị vừa như in cho mỗi người một cốc, lúc này, chúng ta còn thấy được sự sẻ chia của gia đình này nữa. Mẹ chia phần nước của mẹ cho con, bố chia phần nước của mình cho mẹ, con trai thấy vậy cũng chia lại cho bố... Chỉ một đoạn video thôi mà xem cảm thấy vô cùng ấm áp, nếu ai thắc mắc không khí gia đình là gì, thì đây chính là câu trả lời dễ hình dung nhất.
Một số bình luận của netizen:
- Lớn lên rồi tôi mới biết, làm vỡ một cái bát, đổ một cốc nước chẳng là gì quá to tát cả. Nhưng cách hành xử của phụ huynh vào lúc con làm sai, lại định hình lên tính cách, cũng như sự gan dạ của con trước những vấn đề trong tương lai.
- Bố mẹ trong đoạn clip thật sự quá tâm lý.
- Chắc ai cũng từng ăn qua những bát cơm chan nước mắt vì chỉ một lỗi sai mà bị bố mẹ quở trách.
- Giáo dục con cái thật sự rất quan trọng.
Có thể thấy, không ít phụ huynh khi thấy con cái của mình làm đổ vỡ, hay hỏng hóc đồ đạc gì đó là lại nổi đóa lên, mắng mỏ con là người bất cẩn, thậm chí giáo dục con ngay trên bàn ăn. Đó là một sự lựa chọn trong cách dạy con, nhưng trẻ sẽ chẳng nhận lại được gì sau những lời chỉ trích như vậy. Thậm chí nhiều năm về sau, những đứa trẻ sống trong môi trường như vậy sẽ trở nên tự ti, rụt rè, làm bất cứ chuyện gì cũng sợ sai, sợ hỏng việc và luôn sống trong nỗi ám ảnh bị bố mẹ hay người khác trách móc.
Khi con làm sai, nên phê bình như thế nào?
1. Không la mắng con trong lúc bản thân đang tức giận.
Đôi khi những sai lầm của con cái sẽ khiến cha mẹ vô cùng tức giận. Khi tức giận, chúng ta rất khó có thể kiểm soát được hành động và lời nói của mình, vì lẽ đó có thể dẫn tới những lời nói và hành động làm tổn thương trẻ. Lúc này, tốt nhất cha mẹ nên để vấn đề hiện tại sang một bên, hít thở sâu để bản thân thật bình tĩnh.
2. Không chỉ trích trẻ em ở nơi công cộng
Dù là trẻ con nhưng chúng vẫn là một cá thể độc lập có cá tính riêng và cả lòng tự trọng. Nếu cha mẹ chỉ trích con ở nơi công cộng, rất dễ khiến chúng nảy sinh tính phản kháng. Ngay cả khi trẻ biết mình làm sai, chúng miễn cưỡng thừa nhận lỗi lầm và chống trả bằng cách khóc, cãi lại. Thay vào đó, cha mẹ nên bình tĩnh chỉ ra trẻ sai ở đâu, khuyến khích con tự thừa nhận lỗi lầm của mình. Điều này không chỉ giúp trẻ hình thành quan điểm đúng sai mà còn cải thiện sự tự tin.
3. Không nhắc lại những chuyện đã qua
Nhiều phụ huynh hay nói "bố mẹ đã nói với con cái này bao nhiêu lần rồi hả, con không chịu nghe, chẳng thay đổi gì cả". Kiểu phê bình này dễ dàng làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ và chúng thường không muốn thay đổi. Thay vào đó, cha mẹ nên sửa hành vi của trẻ ở hiện tại thay vì nói đi nói lại những chuyện đã qua.
4. Chú ý đến thái độ
Khi con làm sai, cha mẹ có thể bày tỏ cảm xúc của bản thân về việc con đã làm, sau đó phân tích việc đó đúng hay sai, cách giải quyết như thế nào là hợp lý.
Tổng hợp