au nhiều năm quen biết nhau, điều khiến tôi yêu quý và nể phục Hồ Thanh Bình là ngoài sự hóm hỉnh, thông minh, thì anh còn có khả năng kiềm chế phi thường mỗi khi phải đối mặt với những lời xúc phạm mà người khác dành cho gia đình mình. Nên tôi đã đề nghị anh thực hiện cuộc trò chuyện này, để không chỉ nói về ông ngoại anh, ba anh, công nghệ giáo dục, mà còn nói về thời mà chúng ta đang sống – thời mà bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân dự bị của mạng xã hội.
Tô Lan Hương: Trong suốt những năm tôi quen anh, tôi luôn có một điều thắc mắc lớn. Trong cảm nhận của tôi, anh rất thông minh. Anh là con trai GS Hồ Ngọc Đại, là cháu ngoại của cố TBT Lê Duẩn, mà thậm chí còn là đứa cháu được ông Lê Duẩn yêu chiều nhất. Vậy mà anh lại an phận làm việc ở một Viện Nghiên cứu của Bộ Giáo dục, trong khi rõ ràng với nền tảng gia đình như thế, anh đã có thể có những lựa chọn tốt hơn. Tại sao thế?
Hồ Thanh Bình: Thật ra đó là ba tôi chọn cho tôi đấy!
Tôi học chuyên ngành Luật ở Nga đến năm 1997 thì về nước. Năm đó Ba tôi bảo tôi: "Với bằng cấp của con, với quan hệ của ba và uy tín của gia đình mình, ba có thể xin cho con vào bất cứ nơi nào phù hợp với chuyên ngành con học. Nhưng ba không thích. Vì những chỗ đó nếu không kiên định, con sẽ rất dễ làm chuyện thất đức. Ba khuyên con hãy chọn môi trường giáo dục để trưởng thành".
Dĩ nhiên là ông chỉ khuyên chứ không ép. Nhưng tôi nghĩ ba tôi nói đúng. Thế là tôi về làm ở Viện Nghiên cứu Giáo dục từ đó cho đến nay.
Tô Lan Hương: Nhưng ba anh lại dù sao cũng là một GS – một nhà khoa học nổi tiếng, còn ông ngoại anh – cố TBT Lê Duẩn - từng là người nắm quyền lãnh đạo cao nhất của đất nước. Anh không thấy rằng việc mình làm việc ở một Viện nghiên cứu nhỏ, và chỉ là một viên chức là chưa xứng tầm so với vị thế của ông và cha mình?
Hồ Thanh Bình: Triết lý giáo dục của ba tôi là không tạo áp lực cho trẻ nhỏ và để chúng trở thành chính mình. Chính chị cũng biết tôi không những là con trai ông mà còn là một trong những khoá học sinh đầu tiên của trường Thực nghiệm, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ba tôi áp dụng điều đó lên cuộc đời tôi một cách triệt để.
Từ nhỏ đến lớn, ba tôi luôn nói đi nói lại một điều: "Dù gia đình mình có thế nào, thì ba cũng không muốn con bị áp lực bởi những điều đó. Ba chỉ mong con trở thành một người lương thiện và hạnh phúc".
Tô Lan Hương: Nhưng hồi bé, anh có thực sự hạnh phúc?
Hồi bé, việc tôi là con ông Hồ Ngọc Đại không "áp lực" bằng việc tôi là cháu của ông Lê Duẩn.
Tôi gần như là đứa cháu bé nhất nên được ông ngoại tôi cưng chiều nhất. Hồi đó đất nước nghèo lắm, ông tôi được ăn theo tiêu chuẩn riêng của Bộ Chính trị, trong khi cả nhà vẫn phải ăn cơm độn. Và ông ngoại luôn cho tôi ngồi cạnh mỗi bữa ăn, chia cho tôi khẩu phần của ông.
Hồi đó , mỗi lần ông tôi đi công du nước ngoài, Liên Xô đều đưa chuyên cơ sang Việt Nam đưa ông tôi đi cùng. Tôi thường đi chuyên cơ cùng ông, ở cùng khoang riêng với ông trong những chuyến ông công cán nước ngoài. Nhưng lúc đó tôi không hiểu đấy là đặc quyền. Tôi chỉ thấy buồn và ấm ức vì đã đi máy bay mà lại phải ngồi khoang riêng, và vẫn phải ăn bằng bát đĩa sứ, trong khi giấc mơ của tôi là được ăn bằng bát giấy, uống cốc giấy. Và coi đó là thiệt thòi ghê gớm của mình.
Đến lúc lớn hơn một chút, thì tôi hiểu ra rằng, việc ông ngoại tôi là ông Lê Duẩn sẽ khiến cho bạn bè – dù không cô lập tôi – nhưng rất ngại ngần tiếp xúc với tôi. Tôi sợ nhất là những ngày trời mưa, ông ngoại sẽ bảo chú lái xe lấy ô tô đưa tôi đi học. Tôi luôn khăng khăng đòi đỗ xe cách cổng trường vài trăm mét rồi đi bộ vào, cố giẫm chân qua vũng nước để cho mình cũng lấm lem bùn đất như lũ bạn.
Tôi thậm chí rất sợ mắc lỗi, vì hiểu rằng ai cũng sẽ nhìn mình, bởi mình là cháu ông Lê Duẩn. Mãi sau này, khi ông tôi đã mất khá lâu, tôi sang Nga học, quay trở về với nếp sống bình thường, tôi mới học được cách thoải mái với cuộc đời mình.
Riêng ba tôi, ông không bao giờ gây áp lực gì lên cuộc đời tôi – đúng như lời ông nói với tôi lúc tôi còn bé. Cả tuổi thơ của tôi, ông có lẽ chỉ kiểm tra vở bài tập của tôi 1-2 lần. Ba tôi là con cả, tôi là cháu đích tôn. Khi tôi lấy vợ, mọi người đều nói nhiệm vụ của tôi là phải đẻ con trai. Nhưng tôi chỉ có một cô con gái. Ba mẹ tôi cũng hoàn toàn tôn trọng và thấu hiểu lựa chọn đó.
Tô Lan Hương: Cơn bão về Công nghệ giáo dục và làn sóng tấn công GS Hồ Ngọc Đại đã qua đi. Thật ra tôi cố tình chờ nó lắng lại rồi mới đề nghị anh cuộc trò chuyện này. Tôi biết rằng trong cuộc đời làm giáo dục 40 năm của mình, ba anh đã phải hứng chịu khá nhiều những cuộc tấn công từ đủ các phía, nhưng liệu đây có phải cuộc tấn công kinh khủng nhất mà anh đã từng chứng kiến?
Hồ Thanh Bình: Những cay đắng của ba tôi với Trường Thực nghiệm thì nhiều lắm. Tôi không chắc rằng mình biết hết và được chứng kiến hết.
Ngày xưa, Trường Thực nghiệm ở chung sân với trường Kim Đồng. Nhưng sau, người ta không cho chung trường nữa. Thành phố cấp cho trường Thực nghiệm khu đất ở Liễu Giai bây giờ. Nhưng hồi đó khu Liễu Giai giống như một bãi rác khổng lồ, đồng không mông quạnh, chứ không phải đất vàng được nhiều người thèm muốn như bây giờ nên ai cũng bảo ba tôi dở hơi.
Nhưng ông không bận tâm. Suốt cả mùa hè, ông kêu gọi cả phụ huynh lẫn giáo viên và học sinh toàn trường đi cuốc đất, nhổ cỏ để xây dựng trường. Phải có sự góp sức của tất cả mọi người mấy tháng trời liên tục, trường Thực nghiệm mới kịp hoàn thành ngay trước ngày khai giảng.
Một lần khác vào năm 2000, sách Công nghệ Giáo dục của ông đang được phổ biến ở 43 tỉnh thành trong cả nước thì bị thu hồi lại do chính sách cả nước một chương trình SGK thống nhất. Thành quả 15 năm mở rộng chương trình thực nghiệm của ba tôi lại tiêu tan chỉ sau một đêm.
Nhưng lần tồi tệ nhất với ba tôi có lẽ là vào năm 1987. Năm đó, người ta đòi đóng cửa trường Thực nghiệm. Lứa học sinh khoá 1, khoá 2 (trong đó có tôi) phải ra trường ngoài học. Hai năm sau người ta mới cho mở lại trường. Khóa thứ 3 của trường Thực nghiệm là khóa đầu tiên được học Thực nghiệm trọn vẹn 12 năm.
Ba tôi không bao giờ thể hiện ra bên ngoài nỗi buồn của mình. Mỗi khi trở về nhà, ông vẫn vui vẻ cười nói với gia đình. Nhưng tôi biết đó có lẽ là lần khiến ông đau buồn nhất, vì đó không phải chuyện thị phi, chuyện búa rìu dư luận nữa, mà đó là chuyện công trình của ông, giấc mơ cả đời ông theo đuổi có nguy cơ bị vùi dập hoàn toàn.
Thế nên nếu chị hỏi cơn bão tấn công ba tôi vừa qua có phải là kinh khủng với ba tôi hay không, thì tôi cho rằng nó chỉ kinh khủng nhất ở góc độ truyền thông thôi - vì bây giờ là thời của facebook, zalo, của MXH mà - chứ nó không phải là thứ có thể tổn hại đến tinh thần của ba tôi như quãng thời gian mà ông suýt mất trường Thực nghiệm.
Thú thật, khi chứng kiến những làn sóng chửi mắng ba mình trên facebook, tôi đã nghĩ một điều: "May quá vì bây giờ facebook mới xuất hiện. Nếu facebook tồn tại từ năm 1978, thì ông Hồ Ngọc Đại đừng mơ có cơ hội mở trường Thực nghiệm".
Tô Lan Hương: Khi lên facebook và thấy ba mình phải hứng chịu không ít những lời chê bai, đay nghiến và cả thoá mạ, anh có cảm giác gì?
Hồ Thanh Bình: Tôi rất giận dữ. Nhưng tôi cũng là người chơi facebook từ rất lâu để nhanh chóng kịp nhận ra rằng, đó là cách mà thế giới ảo bây giờ đang diễn ra. Đám đông lao vào tấn công một điều mà có khi chính họ cũng không hiểu, tấn công một người mà có khi chính họ cũng chẳng biết người đó là ai. Ngày mai, họ sẽ có một nạn nhân mới, và sẽ lại mau chóng quên ba tôi đi.
Cứ nhìn một người được yêu quý và được cư dân mạng coi như người hùng như HLV ParK Hang Seo mà đến lúc bại trận cũng phải hứng chịu không biết bao nhiêu lời độc địa nguyền rủa, thì một người như ba tôi – rất kém ngoại giao, không biết nói những lời làm đẹp lòng người khác – bị chửi có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Thậm chí tôi biết nhiều người ghét ba tôi chỉ vì khi nói chuyện, ông rất hay giơ ngón tay lên chỉ trỏ. Điều đó làm họ ngứa mắt!
Tô Lan Hương: Thật ra đây cũng không phải lần đầu anh chứng kiến những người thân của mình bị dư luận bàn tán. Ông ngoại anh từng là TBT nắm quyền điều hành đất nước trong thời gian rất dài, cũng là người đến bây giờ vẫn để lại nhiều ý kiến luận bàn. Những khi đó, anh có thấy tổn thương?
Hồ Thanh Bình: Nếu nói không tổn thương là nói dối. Ba tôi hay ông ngoại tôi – họ đều là những người tôi yêu quý và tôn trọng nhất. Làm sao không tổn thương được khi thấy những người mình yêu thương bị hiểu chưa đúng, nhất là khi rất nhiều điều trong đó là sai hoàn toàn với sự thật. Nhưng tôi đã được rèn luyện qua rất nhiều năm để mỉm cười trước mọi tin đồn, bình thản khi họ hiểu sai về ba tôi hay ông ngoại tôi. Ngay cả việc tham gia giao thông ở Hà Nội cũng chính là cách để rèn luyện bản lĩnh và tính chịu đựng của mình.
Tô Lan Hương: Tin đồn buồn cười nhất mà anh nghe về gia đình mình?
Hồ Thanh Bình: Nhiều lắm, tôi không thể nào nhớ xuể. Nhưng gần đây nhất, trong vụ đánh vần Tiếng Việt vừa rồi, có một thuyết âm mưu về việc ông Hồ Ngọc Đại là tình báo Trung Quốc đang cố tình làm hỏng Tiếng Việt để đưa Tiếng Trung vào chẳng hạn. Tôi đã cười không khép được mồm khi nghe chuyện đó, vì quá thán phục sự sáng tạo và trí tưởng tượng của một số người.
Hay như cách đây một hai năm, người ta bàn tán, đồn nhảm về cái chết của dì tôi - Lê Vũ Anh - ở Nga. Cả tôi và các con của dì Vũ Anh đều đau buồn vì những tin đồn ác ý, vô căn cứ ấy. Thật nực cười! Sao người ta lại nghĩ một người cha có thể làm hại con gái mình?
Nhưng tôi vẫn chọn cách kiên trì giải thích với những người chưa hiểu. Nhưng nếu họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu thì thôi cũng đành chịu. Mình không thể thể khiến họ thay đổi suy nghĩ nếu ngay từ đầu họ đã không có thiện chí đó.
Tô Lan Hương: Tôi để ý đã có rất nhiều cựu học sinh trường Thực nghiệm đã lên tiếng trên báo chí để ủng hộ ba anh trong những ngày mà dư luận chống lại ông quyết liệt nhất. Nhưng anh – con trai duy nhất của GS Hồ Ngọc Đại và cũng là một "sản phẩm" của Công nghệ Giáo dục lại hoàn toàn im lặng...
Hồ Thanh Bình: Tôi im lặng vì tôi biết rằng ba tôi vẫn ổn và luôn vững vàng. Bởi sức khỏe và tinh thần của ông thừa sức chống lại được sức ép đó. Đơn cử như trong những ngày sóng gió nhất vừa rồi, sáng ông vẫn dậy tập thể dục, lắc vòng, chiều đi bộ 2 -3 cây số. Nhà có người giúp việc, nhưng ông vẫn tự giặt đồ, tự cọ sàn nhà… Rồi chiều nào cũng dắt chó đi dạo trên đúng một cung đường đó. 84 tuổi rồi, mà ông vẫn có thói quen cứ cuối tuần là lấy xe máy tự chạy lên cầu Thanh Trì, sang Gia Lâm, làm vài vòng dạo chơi rồi quay về, can thế nào cũng không được.
Hay như buổi chiều chị đến phỏng vấn ba tôi giữa đúng những ngày "tâm bão", ba tôi vẫn cười nói sang sảng. Chị thấy đấy, búa rìu dư luận không thể quật ngã được ông!
Tô Lan Hương: Chứ không phải là anh sợ mình sẽ khó giữ được sự công tâm và thuyết phục được người xung quanh về sự công tâm ấy khi nói về ba mình à?
Hồ Thanh Bình: Tôi không giỏi giang bằng ba tôi và kém xa ông ngoại tôi về quyền lực và sự ảnh hưởng, nhưng ít nhất thì tôi cũng phải có một năng lực nào đó chứ: tôi có khả năng khi đặt mình vào vị trí nào thì sẽ nhìn nhận sự việc ở vị trí đó. Ở nhà, tôi là con trai ông Đại, thì tôi đúng là một người con. Tôi rất xót xa, rất giận dữ khi thấy ba tôi bị người ta xúc phạm. Nhưng khi tôi nhìn ông như một nhà khoa học, là tác giả của công trình nghiên cứu này, thì tôi tin tôi hoàn toàn có thể nhìn nhận ông khách quan và thuyết phục người khác tin vào sự khách quan của mình.
Tô Lan Hương: Thế ở góc độ một người làm trong ngành giáo dục, anh thấy triết lý giáo dục của ba anh có ưu điểm và nhược điểm gì?
Hồ Thanh Bình: Ưu điểm thì nhiều người đã nói. Chính chị cũng đã viết rất kỹ trong bài phỏng vấn với ba tôi rồi. Và có lẽ đến giờ này thì phần đông mọi người đều đã hiểu. Đó chính là sự nhân văn và tôn trọng tự do cá nhân.
Còn nhược điểm, tôi nghĩ đó không phải phương pháp ưu việt nhất, còn nhiều lựa chọn khác cho mọi người. Nó không thể nào là phương pháp phù hợp với tất cả mọi người. Tôi nhấn mạnh: Bất cứ phương pháp giáo dục nào cũng vậy, chứ không phải riêng công nghệ giáo dục. Đó là lý do chúng ta cần có nhiều cơ hội để chọn lựa.
Tô Lan Hương: Thẳng thắn mà nói, có điều gì ở ba mình khiến anh không thích?
Hồ Thanh Bình: Ba tôi gay gắt quá! Ông dễ làm mất lòng người khác. Dù ông rất tốt, rất tử tế. Tôi thích những người điềm tĩnh hơn, ngoại giao hơn.
Ba tôi cũng bị mọi người trong gia đình góp ý nhiều về tính cách đó của ông. Lúc mẹ tôi còn sống vẫn thường "chê" ba tôi: "Anh là nhà tâm lý mà chẳng tâm lý gì cả". Nhưng ông chỉ cười khà khà.
Thế nên, trong buổi toạ đàm về triết lý giáo dục được tường thật trực tiếp trên nhiều báo đài và live stream trên facebook, ngoài những người ủng hộ thì cũng có những người chê bai ba tôi vĩ cuồng, phát ngôn bừa bãi, thiếu kiềm chế so với cương vị của một giáo sư. Nhưng tôi thì ủng hộ ông. Bởi vì tôi hiểu ba mình. Không ai có thể thay đổi được tính ông cả. Ông rất cứng đầu, đôi khi cố chấp. Ngay cả khi ông ốm, ông cũng chẳng cho gia đình chăm sóc. Tôi chấp nhận ba mình với tất cả những ưu điểm và nhược điểm như những gì ông có.
Mà ba tôi không chỉ có một điểm xấu đó đâu. Ông là người tẻ nhạt kinh khủng trong thời trang. Bao năm nay, ba tôi có 15 cái quần kaki màu giống hệt nhau, 15 cái áo sơ mi kiểu giống hệt nhau. Tất cả đều nhờ nhờ, trắng trắng. Nên ông không bao giờ phải tốn công lựa đồ mặc mỗi sáng. Người nào không biết còn tưởng ông chỉ có mỗi một bộ quần áo.
Ba tôi rất nghiện công việc. Sáng mùng 1 Tết năm nào ông cũng lên cơ quan làm việc. Vì với ông, làm việc là hạnh phúc. Nếu ông đã ngồi vào bàn, thì không ai có thể kéo ông rời khỏi đó, trừ Rơm – con chó Husky nhà tôi. Nếu nó muốn đi chơi, nó sẽ quanh quẩn bên chân ông, nhìn ông như thôi miên, cho đến lúc ông phải kêu lên: "Thôi được rồi. Tao biết rồi. Giờ đi dạo nào"!
Ngoài ra, nếu để đứng ở vai trò người trụ cột về kinh tế trong gia đình thì ba tôi chắc chắn không làm được. Ba tôi không hề biết kiếm tiền. Mẹ tôi đã nuôi ba tôi cả đời. Nên đến giờ ông vẫn hoàn toàn ngơ ngác với các khái niệm về tiền bạc. Kể cả việc ông tiêu tiền cũng rất hài hước.
Điểm tích cực của ông là ông biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Ví dụ hồi năm ngoái, con gái tôi đi dự festival về cosplay ở Hoàng thành Thăng Long. Ba tôi cũng ra xem vì tò mò. Khi về ông kể với tôi: "Nay ba thấy một con bé 16, 17 tuổi mà mặc quần áo rách rưới như không mặc gì trên người. Ba hãi quá. Nhưng rồi ba nhìn thấy ánh mắt con bé cực kì tự tin, thì ba lại từ kinh hãi chuyển thành vui mừng. Vậy là bọn trẻ bây giờ rất tự tin vào những gì chúng nó làm".
Tô Lan Hương: Anh nói ba anh không để ý tới tiền bạc, vậy anh sẽ trả lời sao, nếu tôi hỏi anh về việc ba anh có 100 triệu cổ phần trong Công ty CP ĐT&PT Trường Phổ thông Công nghệ Giáo dục. Người ta đang đồn ầm ngoài kia, rằng ba anh là cổ đông của công ty đó và kiếm được siêu lợi nhuận từ việc bán sách công nghệ giáo dục?
Hồ Thanh Bình: Ba tôi đúng là có 100 triệu tiền cổ phần trong công ty đó – nhưng ông chỉ là một cổ đông danh dự, mang giá trị tượng trưng. NXB Giáo dục cũng có cổ phần trong công ty ấy. Họ đề nghị ba tôi đóng góp một chút cổ phần tượng trưng và mời ông làm Chủ tịch danh dự. Mỗi năm, ba tôi được chia cổ tức 15-20%, tức là khoảng 15-20 triệu đồng sau thuế. Chỉ có thế thôi. Nếu vì mục đích kiếm tiền, ông có thể kiếm nhiều hơn thế rất nhiều.
Thật ra chuyện ông có cổ phần ở công ty đó đến tận gần đây tôi mới biết. Nhưng giờ có ai bảo rằng ba tôi làm như thế là vì động cơ tiền bạc thì rằng tôi sẽ thấy buồn cười lắm. Mẹ tôi còn sống chắc bà cũng cười. Vì kiếm tiền kiểu đó – tôi thì may ra có thể - chứ ba tôi thì không.
Tôi nhớ ngày xưa ông có 1 cái xe đạp. Ông đạp nó từ năm 1970 đến tận năm 1990 mà không một lần nào rửa xe – trừ khi có ai đó mang đi rửa giúp ông. Đến một ngày đẹp trời, ông tự nhiên lấy vòi nước ra rửa xe thì cái khung xe gẫy thành đôi. Khiến cả nhà được một trận cười lớn. Ông ấy hồn nhiên như vậy đấy! Đến cái xe mình đi còn chẳng quan tâm nữa là tiền.
Tô Lan Hương: Một nhà khoa học "ngây thơ" và không có khái niệm về tiền bạc - anh có nghĩ vì thế ba anh sẽ dễ bị người khác lợi dụng hoặc hãm hại vì một động cơ nào đó?
Hồ Thanh Bình: Người muốn lợi dụng ba tôi không ít. Người muốn hãm hại ba tôi chắc cũng nhiều. Nhưng ba tôi có lẽ có quý nhân theo bên người. Đến giờ phút này chẳng thấy ai hãm hại ông thành công cả (cười).
Tô Lan Hương: Anh có giống ba mình?
Hồ Thanh Bình: Tôi không quyết liệt, không quyết đoán được như ông. Tôi hiền hơn, ngoại giao tốt hơn, đời hơn và vui chơi nhiều hơn. Số bạn gái của tôi chắc chắn là nhiều hơn ba tôi nữa (cười hóm hỉnh).
Tô Lan Hương: Thế chuyện kiếm tiền thì sao?
Hồ Thanh Bình: Chúng tôi đều không quan tâm quá nhiều đến vật chất. Nhưng tôi không thể như ba mình được. Ít nhất tôi phải kiếm đủ tiền để có cái nhà để phòng thân, có cái xe để đi. Nên tôi nghiêm túc và có ý thức với chuyện kiếm tiền hơn ông nhiều.
Tô Lan Hương: Khi nãy anh nói, anh nghe lời ba anh mà đi làm giáo dục. Vậy việc anh đang đầu tư vào hai trường Công nghệ giáo dục, áp dụng lý thuyết giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại – đó cũng là do ông đề nghị?
Hồ Thanh Bình: Việc tôi góp vốn cùng bạn bè mở hai trường Công nghệ Giáo dục thật ra là lựa chọn của tôi, không liên quan gì đến ba tôi cả. Tôi làm thế không phải để nối tiếp giấc mơ của ba mình. Mà bản thân ông cũng không cần tôi phải nối tiếp giấc mơ ấy.
Tôi xuất thân từ trường Thực nghiệm, lại làm trong ngành Giáo dục, hiểu được những cái hay và giá trị của Công nghệ Giáo dục nên tự tin đầu tư vào đó. Mà tôi cũng cần kinh doanh để cho mình một cuộc sống ổn định. Tôi không phù hợp với việc đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản. Đầu tư vào giáo dục có lẽ là cách kinh doanh nhân văn và phù hợp nhất với tôi.
Tô Lan Hương: Thế anh có trung thành hoàn toàn với triết lý giáo dục của ba mình?
Hồ Thanh Bình: Tôi vẫn trung thành với những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất: như tôn trọng sự phát triển cá nhân của trẻ, duy trì không khí vui vẻ ở trường học để trẻ con hạnh phúc khi tới trường.
Nhưng thời bây giờ rất khác so với cách đây 30-40 năm về trước. Cùng công nghệ đó, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, thì chúng tôi sẽ lựa chọn những cách áp dụng phù hợp hơn. Ví dụ như chúng tôi có thể cho học sinh học thể dục theo chương trình Singapore, vừa vận động nhưng vừa có tính chất như trò chơi để khuyến khích trẻ yêu thích vận động. Chúng tôi cũng mở cả những lớp dạy trẻ làm robot và khuyến khích lũ trẻ có thể tự phát minh ra những công trình nho nhỏ của mình. Cái đó thời ba tôi không làm được.
Tô Lan Hương: Phụ huynh cho con học ở trường anh, họ có biết anh là con trai GS Hồ Ngọc Đại không?
Hồ Thanh Bình: Tôi không dùng ba mình để quảng cáo cho trường. Nhưng tôi đoán là phụ huynh có người này người kia bằng cách nào đó vẫn biết được chuyện ấy. Và tôi không thể không thừa nhận rằng việc tôi là con trai GS Hồ Ngọc Đại đã thuyết phục không ít người có niềm tin để gửi con vào trường tôi học. Họ tin rằng một ngôi trường có con ông Hồ Ngọc Đại thì sẽ giống với ngôi trường Thực nghiệm của ông Đại ngày xưa nhất!
Nhờ thế mà tôi cũng có nhiều thuận lợi hơn. Chứ tôi vẫn nhớ 5 năm trước, khi chúng tôi mới xây dựng ngôi trường đầu tiên ở phố Vọng thì mọi chuyện khó khăn lắm. Lúc đó nhiều phụ huynh đến mua hồ sơ đăng ký cho con, thấy trường học vẫn ngổn ngang gạch ngói, họ bỏ về luôn.
Tôi thậm chí đã có lúc lo lắng mình sẽ thất bại. Nhưng may quá, sau những khó khăn ban đầu thì mọi việc dần tốt dần lên. Phụ huynh truyền tai nhau, số lượng học sinh đăng ký vào học năm sau đều tăng hơn năm trước rất nhiều nên tôi tự tin mở tiếp thêm một ngôi trường ở Hà Đông. Như năm vừa rồi, chỉ đến tháng 3, số hồ sơ nộp vào trường chúng tôi đã gấp 3 lần con số chúng tôi có thể tuyển sinh. Tôi thấy thế là mãn nguyện rồi.
Tô Lan Hương: Và lợi nhuận nó mang lại cũng đủ làm anh mãn nguyện nữa chứ, đúng không?
Hồ Thanh Bình: Xét về hiệu quả kinh doanh thì chưa chắc đã là tốt, nhưng tôi dễ thỏa mãn mà!
Tô Lan Hương: Sẽ thế nào nếu sau khi cuộc trò chuyện này đăng tải, người ta sẽ lại ném đá anh vì anh đang tranh thủ cơ hội này để quảng bá cho việc kinh doanh của mình?
Hồ Thanh Bình: Chẳng sao cả, vì tôi quen với việc bị ném đá và chửi rủa rồi. Nhưng tôi sẽ hài lòng nếu họ ném đá chị nhiều hơn. Vì chính chị đã đeo bám, khăng khăng đòi trò chuyện với tôi kia mà!
Tô Lan Hương: Vâng, đúng là thế! Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!