Bà Nga nhớ lại, cách đây nhiều năm, vào một ngày cuối tháng 7 trời nắng oi bức, một người đàn ông tên Sơn bế theo một đứa trẻ khoảng 3 tuổi tới trung tâm muốn xét nghiệm quan hệ huyết thống. Người đàn ông khá khôi ngô tuấn tú, còn đứa trẻ thì không có một nét nào giống bố.
Người đàn ông nói với bà Nga: "Xin cô hãy xét nghiệm giúp cháu xem đứa trẻ này có phải là con của cháu không? Cô làm thật chính xác cho cháu, kết quả này hết sức quan trọng với cháu... Đứa trẻ này giống y đúc một người…".
Khi nghe Sơn nói vậy, trong đầu bà Nga thoáng qua một suy nghĩ lẽ nào đứa trẻ này giống tình địch của Sơn chăng và anh muốn đi xét nghiệm ADN để làm rõ trắng đen.
Biết Sơn ở rất xa trung xét nghiệm, bà Nga nói với anh cứ về khi có kết quả sẽ gửi chuyển phát nhanh cho anh. Tuy nhiên, Sơn từ chối và muốn tự mình tới trung tâm để lấy kết quả.
Xét nghiệm ADN bằng móng tay (Ảnh: ST)
Trước khi chia tay hai bố con Sơn, bà Nga cho cậu bé con của Sơn một viên kẹo socola. Đứa trẻ rất ngoan và đáng yêu. Nhìn hai bố con rời trung tâm bà Nga thở dài, trong đầu bà quẩn quanh suy nghĩ: "Không biết đứa bé này sẽ ra sao nếu nó không phải là con của Sơn".
Tới ngày có kết quả, Sơn đến một mình. Nhận tờ kết quả từ tay nhân viên trung tâm, Sơn ngập ngừng quay sang hỏi bà Nga: "Cô ơi! Liệu cô có thương đứa bé mà cho kết quả nó là con cháu không?". Lúc ấy, bà Nga nói với Sơn rằng: "Đúng là tôi thương đứa bé nhưng tôi không bao giờ can thiệp vào kết quả xét nghiệm".
Lúc đó, Sơn mới vỡ oà hạnh phúc. Anh mở lòng chia sẻ con của anh giống hệt ông nội. "Như vậy, chứng tỏ người đó (ông nội của con Sơn) là bố cháu", Sơn nói.
Bà Nga cảm thấy rất khó hiểu. Bà thắc mắc với Sơn vì sao cháu giống ông nội mà bố lại phải đi xét nghiệm quan hệ cha con? Sao không đưa ông nội của cậu bé tới để làm xét nghiệm mà phải làm gián tiếp qua cậu bé?
Đứa con bị bỏ rơi vì quá đẹp, không có nét giống bố
Theo lời Sơn chia sẻ thì bố anh đã bỏ rơi anh từ bé. Khi mẹ anh sinh anh được một thời gian thì bố đã đuổi cả hai mẹ con ra khỏi nhà.
Mọi bi kịch bắt đầu khi Sơn ra đời, chỉ vì anh không giống bố nên đã không được thừa nhận. Bố anh là một người yêu vợ nhưng lại hay ghen tuông. Còn mẹ anh là một người phụ nữ xinh đẹp, được nhiều người theo đuổi cho nên nhiều kẻ không 'ăn được' đặt điều nói xấu.
Sơn chia sẻ thêm, bố anh không có điểm nổi trội về ngoại hình nhưng là người tử tế nên mẹ đã quyết định lấy. Còn Sơn càng lớn càng khôi ngô tuấn tú không giống một nét gì của bố. Cứ nhìn thấy Sơn, ông lại nghĩ mình bị 'cắm sừng'. Sau đó, ông đã đuổi cả hai mẹ con Sơn ra khỏi nhà.
Trước những oan ức không ai thấu hiểu, mẹ Sơn nhiều lần muốn tự vẫn. Nhưng nghĩ cho con nên bà đã cố sống tiếp. Tới năm Sơn được 4 tuổi thì bà đã quyên sinh, Sơn trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ, bố không thừa nhận. Sơn được họ hàng bên ngoại nuôi.
Sau khi mẹ Sơn mất, hàng xóm láng giềng không ai muốn giao tiếp với bố Sơn. Ông dần trở thành người cô đơn nhất làng còn Sơn thì lúc nào cũng căm hận bố.
Theo lời Sơn, khi nghe tin bố ốm nặng anh mới đưa con về thăm ông. Khi trông thấy thằng bé nhà Sơn, ai cũng thốt lên thằng bé giống ông nội quá. Sơn nghĩ sự có mặt của thằng bé giống ông nội như đúc sẽ giúp giải oan cho mẹ anh năm nào.
Nhưng bố Sơn lại chua chát nói những câu khiến anh đau lòng: "Làm sao tôi tin nó là con anh! Nếu nó là con anh, tôi hạnh phúc quá, cùng một lúc có cả con và cháu". Với những câu nói của bố, anh đã quyết đưa con đi xét nghiệm quan hệ huyết thống để cởi bỏ mọi mối hoài nghi của bố.
Sơn hạnh phúc nói với bà Nga: "Giờ có kết quả xét nghiệm ADN này cháu sẽ về quê giải nỗi oan cho mẹ cháu".
Nghe câu chuyện của Sơn, bà Nga đã rất xúc động vì một đứa trẻ bị bố ruồng bỏ nhưng vẫn có một tấm lòng vị tha đối với cha mình. Sau một thời gian dài, đúng vào kỳ nghỉ lễ, Sơn gọi điện cho bà Nga báo tin giờ bố con anh đã hoà thuận. Bố anh đã xin lỗi và nhận anh là con.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Phụ nữ số