Tôi tên là Trần Phương, 68 tuổi. Ở độ tuổi này, đa số chúng ta sẽ được hưởng an nhàn cùng con cháu nhưng tôi lại đang phải phiền lòng rất nhiều.
Dạo này Phong - con trai lớn thường xuyên đến nhà tôi để gây sự, mắng mỏ bố mẹ đối xử không công bằng giữa các con. Bởi vì năm ngoái nó muốn mua một chiếc ô tô và đề nghị chúng tôi cho 100.000 Nhân dân tệ (350 triệu) nhưng vợ chồng tôi đã từ chối dù nó có năn nỉ ra sao.
Hai tháng trước, Dũng - con trai út dự định mua nhà. Ngay khi biết tin, chúng tôi lập tức rút 200.000 Nhân dân tệ từ sổ tiết kiệm và đích thân đưa số tiền đó cho con.
Ngay khi biết chuyện, Phong vô cùng tức giận, nên nó coi đây là lý do để có thể bới móc chuyện quá khứ ra trách mắng bố mẹ.
Tôi không phủ nhận rằng chúng tôi thực sự yêu quý con út hơn nên dù nó không hề xin tiền thì vẫn sẵn sàng đưa cho con.
Nhiều hàng xóm biết chuyện đã hỏi vì sao tôi lại thiên vị như vậy? Trên thực tế, mọi thứ đều có lý do của nó.
Hồi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi có phần yêu thương Phong nhiều hơn Dũng. Bởi lẽ so về tính cách thì Phong luôn khiến cả nhà vui vẻ nhờ biệt tài ăn nói khéo léo và hài hước của mình. Còn con trai út lại trầm tính, ít nói, không thích náo nhiệt.
Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra Phong có chút ích kỷ. Đúng như người xưa vẫn nói: "mồm miệng đỡ chân tay", Phong biết lợi dụng sự yêu quý của mọi người để trốn tránh công việc, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân chứ không hề quan tâm đến gia đình.
Còn Dũng, nó từ nhỏ đã rất ngoan ngoãn và hiếu thảo với bố mẹ. Thường khi có món gì ngon thì con cả sẽ ăn vội, còn con thứ sẽ chia sẻ với bố mẹ chứ không bao giờ ăn một mình.
Khi chúng lớn lên và bắt đầu đi làm, hàng tháng Dũng đều cho chúng tôi một khoản tiền sinh hoạt và mua rất nhiều thứ mỗi lần nó về nhà. Con trai út của tôi thậm chí còn lắp camera ở nhà nếu nó thấy thứ gì chúng tôi cần, nó sẽ tự động mua.
Khi hai con lần lượt lập gia đình, vợ chồng tôi đều chuẩn bị số quà hồi môn như nhau kèm một khoản tiền để các con có vốn làm ăn. Có điều, thời điểm Dũng lấy vợ thì tiền mất giá hơn, thị trường lạm phát nên chúng tôi cũng cho con nhiều hơn số tiền mà Phong nhận được hồi 7 năm trước.
Nhưng Phong không chấp nhận điều này và làm ầm lên, đòi bố mẹ phải đền bù. Việc này khiến hai người già này rất buồn. Đáng lẽ nó là anh cả thì nên thay bố mẹ chăm sóc em, đằng này đang trong lúc gia đình bận công việc hôn sự thì nó lại phá đám. Để hôn lễ diễn ra êm đẹp, chúng tôi chẳng có cách nào khác là cho thêm vợ chồng Phong 1 khoản tiền.
Chưa hết, từ khi lấy vợ, Phong cũng chẳng trưởng thành hơn. Vợ chồng nó chưa bao giờ biết mua quà cho bố mẹ, rất ít khi về nhà thăm nhà. Đôi khi vì nhớ con cháu, tôi chủ động gọi điện thoại kêu chúng về thì Phong đều nói rằng: "Con rất bận, khi nào rảnh thì con sẽ về. Ông bà ốm đau thì gọi thằng út tới chăm sóc nhé".
Ngược lại, con dâu út giống như chồng của nó, rất biết quan tâm đến chúng tôi. Ngày lễ tết, chúng luôn chuẩn bị hai chiếc phong bì đỏ. Hay toàn bộ tủ quần áo của tôi đang mặc đều do con dâu chuẩn bị.
Quả thực càng nghĩ, tôi càng thấy chán nản về con cả. Tôi biết, tôi sẽ chẳng thể sống dựa vào nó lúc cuối đời.
Năm ngoái, bỗng nhiên một ngày vợ chồng Phong mang theo rất nhiều quà cáp, đồ ăn về nhà. Lúc đó, trong lòng tôi rất vui, tôi nghĩ có lẽ nó đã biết quan tâm đến bố mẹ hơn. Nhưng ngay khi nó vừa mở miệng thì tôi đã biết mình sai.
"Bố, mẹ, con đến đây có chuyện cần thương lượng. Xe của con chạy được mấy năm rồi, bây giờ có nhiều vấn đề, con muốn mua một chiếc xe mới. Mấy năm nay việc học của Tiểu Bảo cũng tiêu tốn không ít, vợ con lại không có việc làm ổn định. Vì vậy, chúng con muốn bố mẹ cho 100.000 Nhân dân tệ để đủ tiền đổi xe mới", Phong nói ra đề nghị của mình.
Nghe con trai nói xong, tôi thấy hơi buồn nhưng cương quyết từ chối. "Bố mẹ già rồi chỉ còn một khoản tiết kiệm để sống nốt đến cuối đời. Hơn nữa, đến khi bố mẹ ốm cũng không muốn gây phiền phức đến các con nên luôn phải chuẩn bị kinh tế cho mình. Các con còn trẻ, lương con cũng không hề thấp, vậy nên hãy cố gắng tiết kiệm để đủ tiền mua nhé".
Nghe tôi nói vậy, Phong chẳng thèm đáp lại. Nó ngồi im lặng một lúc rồi bảo có việc bận cần giải quyết nên phải về ngay. Đáng nói, có bao nhiêu quà cáp thì nó đều xách mang đi luôn khiến tôi chỉ biết lắc đầu cười buồn khổ.
Ngày hôm sau, nó lại gọi điện thoại cho tôi với lời đề nghị tương tự. Lần này, nó còn dọa tôi rằng, nếu bố mẹ không hi sinh cho con cái thì khi về già đừng bắt nó phải có trách nhiệm chăm sóc.
"Mẹ chỉ biết hiện tại chứ không để tâm đến tương lai", tôi nói ngắn gọn rồi cúp máy.
Vậy là suốt cả năm trời, vợ chồng nó như mất tích, không gọi điện hỏi thăm cũng không về nhà. Cách đây vài tháng, tôi ngã bệnh phải nhập viện nên chồng tôi liền báo cho các con biết. Và đúng như tôi dự đoán, chỉ có vợ chồng con út là trở về chăm sóc tôi cho đến khi tôi khỏe lại.
Cho đến khi biết tin tôi cho Dũng 200.000 Nhân dân tệ để cọc tiền nhà thì Phong mới xuất hiện. Giống như hồi nó đòi sự công bằng về của hồi môn thì bây giờ nó bắt chúng tôi phải đưa bằng số tiền mà đã cho con út.
Gần đây, gia đình chúng tôi trở thành trò cười trong chung cư vì con trai lớn mỗi lần qua nhà đều gây ồn ào, mắng nhiếc bố mẹ và em trai không tiếc lời. Tôi thường tự hỏi, kiếp trước vợ chồng tôi đã làm gì sai? Làm sao có thể sinh ra một người con bất hiếu như vậy? Kiếp này, có lẽ nó chỉ đơn giản là đến đây để đòi nợ và sẽ không bỏ cuộc cho đến khi có được số tiền như mong muốn.
Song, tôi đã lớn tuổi và đủ để biết phân biệt sai trái. Dù mọi người có đánh giá vợ chồng tôi ra sao thì tôi cũng cương quyết không bỏ ra một xu cho con cả. Nó sẽ phải nhận lấy một bài học thích đáng để sớm thay đổi tâm tính của mình.