Đối với con trẻ, khi nhỏ chúng sẽ có một số hành vi chưa đúng vì dẫu sao với lứa tuổi này, các bé vẫn chưa hoàn toàn phân biệt được đúng sai. Một số đứa trẻ đã học được tầm quan trọng của tiền bạc từ cha mẹ và những người xung quanh nên đôi khi chúng sẽ có ý định "lấy đi một ít" từ túi của bố mẹ. Đối mặt với tình huống này, các biện pháp xử lý của mỗi bậc cha mẹ là khác nhau. Việc cha mẹ đối xử với con cái ăn trộm tiền như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Khang Khang, một cậu nhóc Trung Quốc năm nay đã lên 5 tuổi. Cậu bé rất thích đi siêu thị với bố mẹ vì lúc này em được đến các gian hàng đồ chơi mà mình thích. Tuy nhiên, bố mẹ của cậu bé là những người khá cứng rắn, họ không muốn mua sắm quá nhiều đồ chơi không cần thiết cho con, mỗi lần từ chối con như vậy thì cậu bé lại bắt đầu giãy nảy và tỏ ra giận dỗi.
Khang Khang biết được rằng, bố mẹ hay để một ít tiền lẻ ở ngăn kéo trong phòng ngủ. Một lần, mẹ cậu bé để trong đó 5 tờ tiền, mỗi tờ mệnh giá 10 nhân dân tệ, tức tổng khoảng 180.000 đồng. Nhưng đột nhiên số tiền này biến mất sau đó và người mẹ đã phát hiện người lấy là con trai của mình.
Nhưng chị đã không hề tức giận hay mắng nhiếc con ngay lập tức để đòi được số tiền mình bị mất. Chị tỏ ra ôn hòa trước tình huống này, chị nói với Khang Khang: "Mẹ làm mất tiền, con có thể giúp mẹ tìm lại tiền được không, nếu được mẹ sẽ thưởng cho con một món đồ chơi mà con thích!".
Khang Khang nghe vậy đã rất vui mừng, ngay sau đó, cậu nhóc đã lấy 50 tệ mà mình đang giữ để đưa cho mẹ và nói mình đã tìm thấy nó. Mẹ của anh chàng đáp lại trước hành động này bằng một lời khen: "Con trai giỏi quá! Từ nay, mẹ để tiền ở đây, con canh chừng giúp mẹ nhé!".
Kể từ lần xảy ra sự việc đó đến nay, gia đình Khang Khang chưa bao giờ bị mất tiền một lần nào nữa.
Trẻ có thể lấy trộm đồ của bố mẹ vì chưa hiểu rõ hậu quả của việc mình đang làm, nhưng chính đứa trẻ cũng sẽ có thái độ sợ hãi trong tình huống này. Nếu cha mẹ không dùng thái độ đúng đắn để giáo dục con cái sau khi phát hiện ra tật xấu nơi trẻ, nó sẽ gây ra những tác động xấu sau đây cho bé:
Làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ: Trẻ em vốn rất mỏng manh và dễ tổn thương. Nếu cha mẹ không đối xử đúng mực với con cái và chỉ biết lớn tiếng, đôi khi sẽ gây những ảnh hưởng tâm lý tới trẻ mà không hề hay biết. Đừng trách móc trẻ quá nhiều vì tâm lý còn non nớt.
Để trẻ trở nên rụt rè và tự ti: Khi một đứa trẻ làm điều gì đó sai trái, nếu không được cha mẹ tha thứ mà bị phóng đại lỗi ấy, nó sẽ thành bóng đen đè nặng lên tâm hồn con, làm con trở nên rụt rè và mất tự tin vào bản thân.
Tính cách của trẻ trở nên nổi loạn: Nếu cha mẹ không giáo dục con cái đúng cách, trẻ sẽ tiếp tục đối đầu với cha mẹ không ngừng trong tương lai. Vì vậy, đôi khi bạn phải vừa cứng rắn vừa mềm mại trong cách giáo dục, như vậy mới giúp đứa trẻ lớn lên đúng với định hướng của phụ huynh.
Tóm lại, khi trẻ còn nhỏ, chúng không biết ăn cắp thực sự là một việc làm xấu, vì vậy đừng khuếch đại sự nghiêm trọng của hành vi này quá nhiều. Chỉ cần bạn giáo dục trẻ tốt và điều chỉnh hành vi của trẻ thì trẻ vẫn phát triển theo chiều hướng tốt và tự thay đổi hành vi của mình sao cho đúng.