Biện pháp sơ cứu sáng suốt của người mẹ khi con trai bị bỏng nước sôi
Theo đó, vào tối 14/7, trước khi tắm cho con trai 17 tháng tuổi tên là Tiểu Cương, sợ con bị lạnh nên người mẹ đã cẩn thận pha nước ấm. Sau khi pha nước xong xuôi và đặt con vào chậu, người mẹ quay đi vài giây thì Tiểu Cương đã nắm lấy vòi, vô tình gạt sang phía vòi nước nóng.
Nước nóng xối thẳng vào mặt và phần lưng trên khiến cậu bé thét lên đau đớn.
"Chúng tôi đun nước bằng năng lượng mặt trời nên lúc xảy ra vụ việc, nước đã đạt tới nhiệt độ 100 độ C", mẹ của bé Tiểu Cương nói.
Khi nhìn thấy những vết thương trên người con, người mẹ vô cùng hoảng sợ.
Những người lớn tuổi trong nhà đều giục chị mang bé tới bệnh viện ngay lập tức, nhưng lúc đó chị bỗng nhớ ra một bài viết về cách xử lý vết thương khi bị bỏng nước sôi chị từng đọc trên báo.
Bài báo đó viết rằng bước sơ cứu đầu tiên là cần phải xả vết thương bằng nước lạnh để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da bị bỏng, tản nhiệt và giảm đau cho trẻ.
Vì vậy, mẹ của bé Tiểu Cương đã xả nước lạnh vào vết thương của bé trong vòng nửa tiếng rồi mới đưa bé tới bệnh viện cấp cứu.
Khi nhìn thấy vết thương của Tiểu Cương, các bác sĩ đã hết lời khen ngợi mẹ của bé.
Bác sĩ Nhạc thuộc Khoa bỏng Bệnh viện Đại học Chiết Giang chia sẻ: "Cháu bé bị bỏng ở đầu, cổ, mặt, một phần lớn trước ngực, nhưng độ nguy hiểm của vết thương đã giảm nhẹ nhờ sự sáng suốt của người mẹ. Cậu bé này thật may mắn vì có một người mẹ hiểu biết như vậy".
Các phương pháp bỏng dân gian gây hại cho trẻ
Tuy nhiên, trong các trường hợp lâm sàng, các bà mẹ sơ cứu như cách của mẹ bé Tiểu Cương là rất hiếm.
Bác sĩ Nhạc cho biết, trước đây ông từng điều trị cho một bé gái 18 tháng tuổi bị bỏng toàn thân do khi cha mẹ đang vội pha sữa bột, bé gái đã vô ý làm đổ một cốc nước nóng đặt trên bàn lên người.
Khi cấp cứu, phần đầu, mặt, cổ, ngực và một số bộ phận khác của bé gái không những bị bỏng ở diện rộng mà còn bị tổn thương da nghiêm trọng. Khi hỏi ra, bác sĩ Nhạc mới biết rằng, lúc bé gái bị bỏng, cả gia đình vô cùng hoảng loạn, vội vàng cởi toàn bộ quần áo của bé, khiến phần da của bé bị rách.
Kiểu sơ cứu này hoàn toàn sai lầm, không chỉ gây thêm vô số vết thương cho trẻ mà còn khiến trẻ vô cùng đau đớn, quá trình điều trị càng thêm khó khăn hơn.
Trên thực tế, sau khi bị bỏng, phương pháp sơ cứu chính xác nhất là rửa vết thương bằng nước lạnh khoảng 15-20 phút, sau đó mới cắt bỏ quần áo.
Một trường hợp sơ cứu sai lầm khác là một cậu bé dưới 5 tuổi. Sau khi bị bỏng, cha mẹ của cậu bé đã tin vào phương pháp dân gian, lấy lọ thuốc mỡ và bôi vào vết thương.
Mãi cho tới khi không thấy tình trạng của bé thuyên giảm, gia đình mới hối hả đưa bé tới bệnh viện. Sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, cậu bé đã qua đời do bề mặt vết bỏng quá rộng bị nhiễm khuẩn và sốc độc.
Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh còn trị bỏng bằng bột mì và tàn hương. Cách sơ cứu này vô cùng sai lầm bởi nó chỉ mang lại nhiều khó khăn hơn cho bác sĩ trong quá trình điều trị.
Một số cha mẹ khác lại hay sử dụng nước tương và kem đánh răng để chữa bỏng. Đặc biệt, nhiều người còn nghĩ rằng kem đánh răng có thể làm giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Thế nhưng, áp dụng kem đánh răng hay nước tương không chỉ gây ảnh hưởng tới chẩn đoán của bác sĩ về mức độ nghiêm trọng của vết thương mà còn gây nhiễm trùng.
Các bước sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng đúng cách
Bước 1: Xả nước
Các bậc cha mẹ cần nhớ rằng sau khi trẻ bị bỏng, vết thương cần phải được rửa bằng nước lạnh sạch chảy trong 10-30 phút, để làm giảm thiệt hại cho các mô sâu. Mục đích của việc này không chỉ làm giảm nhiệt độ của vết bỏng hiệu quả mà còn giảm sưng.
Bước 2: Cởi bỏ quần áo của trẻ
Sau khi rửa vết thương, các bậc phụ huynh hãy cởi bỏ quần áo của trẻ, bởi nếu không chúng sẽ khiến vết bỏng bị tổn thương nặng hơn. Lưu ý, không cởi quần áo ngay sau khi bé bị bỏng bởi việc này sẽ khiến da của bé bị rách.
Bước 3: Băng vết thương
Sau khi hoàn thành 2 bước trên, phụ huynh hãy băng vết bỏng của trẻ bằng gạc sạch hoặc vải bông sạch. Mục đích của việc này là để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn. Phụ huynh nên biết rằng nếu vết bỏng bị nhiễm trùng có thể gây ra tử vong.
Bước 4: Đưa trẻ vào bệnh viện
Khi hoàn tất các bước sơ cứu nên đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh trì hoãn thời gian điều trị tốt nhất.
4 bước sơ cứu chuẩn khi bị bỏng này không chỉ thích hợp với trẻ em mà còn có thể áp dụng cho cả người lớn.
* Theo Sohu /Ifeng