Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), học sinh lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.
Chọn tổ hợp nào cho con trở thành vấn đề khiến bố mẹ "đau đầu" không kém sau việc chọn trường chọn lớp. Phụ huynh vẫn hay nói đùa với các con là "chọn sai lúc này là chọn sai cả 3 năm cấp 3". Trên thực tế thì việc lựa chọn tổ hợp môn học sẽ quyết định đến lựa chọn khối thi đại học và ngành nghề trong tương lai.
Nếu các con đã xác định rõ lực học của mình từ những năm cấp 2, thiên về các môn tự nhiên hay các môn xã hội hơn, thì cũng không khó trong việc lựa chọn. Tuy nhiên, mọi việc sẽ khó khăn hơn nếu như con học đều ở tất cả các môn, hoặc đơn thuần là con chưa có định hướng hay đam mê 1 môn học nào cả.
Chọn tổ hợp môn lớp 10: Cần xuất phát từ năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp
Theo nhiều chuyên gia, để chọn môn học phù hợp khi bước vào lớp 10 cần xuất phát từ năng lực của người học, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học ở cấp THPT. Trong khoảng thời gian học cấp THCS, học sinh có tư duy tốt về lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều được hiện rõ. Học sinh và phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến từ các thầy cô phụ trách chính để có thêm những thông tin chuẩn xác về năng lực của con.
Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ khiến con mất thời gian, ảnh hưởng tâm lý.
Nói về vấn đề này, thầy Đào Anh Phúc, giáo viên Sinh học ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc từng cho rằng, nếu có con vào lớp 10, thầy sẽ hướng dẫn lựa chọn dựa vào việc con theo hướng về lĩnh vực Tự nhiên hay Xã hội. Mỗi hướng sẽ có sự cân nhắc khác nhau:
1 - Nếu có thiên hướng về lĩnh vực Xã hội thì sẽ chọn tổ hợp Địa - Giáo dục kinh tế và pháp luật... các môn còn lại không cần quan tâm lắm. Ban xã hội sẽ tập trung học: Toán - Văn - Anh - Sử - Địa - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
2 - Nếu có thiên hướng về lĩnh vực Tự nhiên. Có mấy lựa chọn sau:
Chọn khối A1: Tập trung vào Toán - Lý - Anh. Ưu điểm: Toán và Anh đã có lợi thế từ lớp 9 để thi vào 10, các em chỉ học thêm mỗi môn Lý. Như vậy, sẽ chỉ vất vả học 1 môn, "đà" có sẵn của Toán - Anh sẽ làm học sinh nhàn hơn rất nhiều so với các khối khác.
Chọn tổ hợp đủ Lý - Hóa - Sinh (Thầy Phúc cho rằng mình sẽ chọn cho con học tổ hợp này). Lý do như sau:
Thứ nhất: Tiếng Anh là bắt buộc nên dù ở khối nào các em cũng phải học tốt nhất có thể. Vì vậy, nếu môn Hóa không học nổi thì... kệ, bỏ qua, lúc đó định hướng thi Toán - Lý - Anh là chính. Trong tình huống "dở khóc dở cười" thì vẫn có thể quay xe về lại khối A1.
Thứ hai: Nếu học tốt môn Hóa thì sẽ chọn Hóa làm môn thi tốt nghiệp. Vậy lúc này vừa có thể xét tổ hợp A1 (Toán - Lý - Anh) vừa xét được tổ hợp khối A (Toán - Lý - Hóa). Tăng gấp đôi cơ hội.
Thứ ba: Thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) sẽ là xu hướng trong các năm tới. Bài thi KHTN thường đủ Lý - Hóa - Sinh. Vậy, nếu học khối A1 thì mặc nhiên loại mình ra khỏi" cuộc chơi". Do đó, chọn Lý - Hóa - Sinh và trình độ ở mức khá thì điểm vẫn cao hơn là giỏi Lý nhưng khoanh bừa Hóa Sinh.
"Theo tôi, chọn Lý Hóa Sinh là tổ hợp có khả năng nhiều lựa chọn nhất, "quay xe" dễ nhất và giải quyết tất cả các tình huống xảy ra chứ chọn theo khối thi đã "lỗi thời". Theo dự đoán của tôi, vài năm nữa khối thi sẽ mờ nhạt dần. Thay vào đó là thi đánh giá năng lực và tuyển sinh theo tiêu chí riêng của từng trường", thầy Phúc nói.