Cơn sốt vàng
Từ đầu tuần, vàng giao ngay giao dịch ở mức hơn 2.300 USD/ounce một chút, tùy vào tình hình thị trường. Số liệu trên cho thấy vàng thế giới tăng khoảng 12% so với đầu năm. Giá vàng hiện tại cũng chỉ thấp hơn khoảng 6% so với mức cao kỷ lục ngày 20/5 (2.449 USD/ounce).
Theo Reuters , các nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào vàng, bên cạnh các lựa chọn rủi ro hơn là bất động sản và cổ phiếu.
Ruth Crowell - Giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường vàng thỏi London - nói: “Khi bối cảnh kinh tế vĩ mô trở lại bình thường, bất động sản và chứng khoán trở nên thú vị hơn, sự nhạy cảm về giá vàng sẽ quay trở lại”.
Trong khi đó, ông Bruce Ikemizu - Giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản - cho biết lượng người mua vàng đang tăng cao những tháng qua, dù có lúc vàng vọt lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy.
Một số chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang vật lộn với việc đồng nhân dân tệ mất giá, suy thoái bất động sản kéo dài và căng thẳng thương mại. Điều đó khiến họ tìm đến vàng như là nơi trú ẩn an toàn. Báo cáo cho thấy lượng mua vàng của Trung Quốc tăng đến 27% trong quý I năm nay.
Tại Hội nghị kim loại quý châu Á - Thái Bình Dương, Albert Cheng - Giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường vàng thỏi Singapore - nói với Reuters rằng người tiêu dùng mua vàng "bất chấp".
"Xu hướng thị trường hiện tại là người tiêu dùng thích là mua vàng. Giá cả với họ không thành vấn đề", Albert Cheng nói.
Tại những quốc gia châu Á khác, các nhà đầu tư bán lẻ đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn. Điều đáng nói, vàng nói chung ngày càng thu hút người tiêu dùng trẻ.
Nuttapong Hirunyasiri, Giám đốc điều hành của MTS Gold Group, cho biết tại Thái Lan, người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng vàng ngay khi có tin giá vàng tăng cao.
Mặt khác, Ấn Độ và Australia vẫn nhạy cảm với giá vàng tăng cao.
Giá vàng Ấn Độ giao dịch ở mức thấp hơn giá quốc tế trong 5 tuần liên tiếp, phản ánh nhu cầu ảm đạm ở quốc gia tiêu thụ vàng thỏi lớn thứ hai thế giới. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ vào năm nay dự kiến giảm gần 1/5. Giá vàng cao kỷ lục thúc đẩy người tiêu dùng bán lẻ đổi đồ trang sức cũ lấy đồ mới thay vì mua mới.
Trong khi đó doanh số bán sản phẩm vàng của Perth Mint (nơi tinh luyện vàng duy nhất của Australia) trong tháng 5 giảm 30% so với tháng trước.
Sự trỗi dậy của Singapore
Trong khi đó, Hội đồng Vàng thế giới nhận định Singapore chuẩn bị trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới.
Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương của Hội đồng Vàng thế giới - cho biết, Singapore trỗi dậy nhờ mức tiêu thụ vàng ở các nền kinh tế mới nổi tăng mạnh, phần lớn thị trường này tập trung ở Đông Nam Á.
Tại Hội nghị Kim loại quý châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Singapore, ông Shaokai Fan nói: "Trọng tâm của thị trường vàng chuyển về phía đông. Singapore tình cờ được đặt làm điểm tựa tiềm năng cho sự cân bằng này".
Ông Fan cho rằng vị trí địa lý của Singapore cũng gần với nhiều Ngân hàng Trung ương đẩy mạnh việc tích trữ vàng, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong năm qua, Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và Ngân hàng Trung ương nước này đứng đầu trong việc mua vàng dự trữ. Trong khi đó, báo cáo cho thấy nhu cầu vàng ở Nhật Bản phục hồi, với việc vàng trang sức trong quý đầu tăng mạnh nhất kể từ năm 2019. Hội đồng Vàng thế giới cũng ghi nhận nhu cầu mua vàng của Hàn Quốc trong quý tăng mạnh nhất trong hai năm.
Ngoài ra, Singapore ở gần nhiều trung tâm cung cấp khai thác vàng của thế giới như Trung Quốc, Australia, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea và Lào.
Ông Fan cho rằng Singapore hoàn toàn có khả năng thay thế London và New York để trở thành trung tâm kho vàng của Ngân hàng Trung ương.
"Singapore sẵn sàng dẫn đầu thị trường vàng trong tương lai. Yếu tố quan trọng tạo nên điều này là sự ổn định về chính trị và chính sách nới rộng thuế tiêu thụ đối với vàng đầu tư" - ông Fan cho hay.