Con 'nổi loạn', ương bướng tuổi dậy thì, bố mẹ cần làm gì? Chuyên gia chỉ mẹo cực hay

PV |

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì ở trẻ là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh 'đau đầu' khi xử lý. Hãy lắng nghe chia sẻ của chuyên gia để hiểu thêm về vấn đề này.

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là điều có thể gặp ở bất cứ ai và mỗi người sẽ trải qua mức độ khủng hoảng khác nhau. Thế nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng trải qua những khủng hoảng này một cách thuận lợi mà con luôn cần sự giúp đỡ của cha mẹ - những người ở gần con nhất.

Vậy làm thế nào để cha mẹ nhận biết được những dấu hiệu của khủng hoảng tâm lý trong độ tuổi dậy thì của con? Cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua giai đoạn này?

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chương trình Chuyện khó có bác sĩ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E và là giảng viên bộ môn Tâm thần - Tâm lý học lâm sàng, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội để bàn luận về chủ đề “Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì: Làm thế nào để nhận biết và giúp con vượt qua”.

Kính mời quý độc giả đón xem chương trình!

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì?

Hỏi: Dậy thì là gì? Vì sao lại có khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì?

Đáp: Tuổi dậy thì không chỉ là giai đoạn thay đổi về mặt thể chất, hormone, sinh lý mà còn là giai đoạn trẻ thay đổi về mặt tinh thần, nhận thức xã hội, ước mơ và hoài bão. Ở trẻ nữ, tuổi dậy thì là khoảng 10 - 14 tuổi, tuổi dậy thì ở trẻ nam là từ 12 - 16 tuổi.

Ở tuổi dậy thì, trẻ có sự thay đổi hormone đột ngột, nhanh chóng khiến cơ thể khó thích ứng bình thường. Điều này đều góp phần hình thành khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì.

Hỏi: Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì có thể dẫn tới các hệ lụy và hậu quả gì?

Đáp: Thông thường khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì có thể gây ra một số hậu quả như sau:

- Sa sút, bỏ bê việc học tập.

- Ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe thể chất.

- Mất đi các mối quan hệ với bạn bè.

- Mất kết nối, xa cách với gia đình.

- Chơi game, nghiện game.

- Bướng bỉnh, chống đối với cha mẹ, thầy cô.

Con nổi loạn, ương bướng tuổi dậy thì, bố mẹ cần làm gì? Chuyên gia chỉ mẹo cực hay - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì có thể khiến trẻ bỏ bê học tập, chống đối lại thầy cô và cha mẹ.

Hỏi: Khủng hoảng tâm lý có thực sự là vấn đề tâm lý bình thường ai cũng phải trải qua?

Đáp: Ai cũng phải trải qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì nhưng mỗi người sẽ trải qua một mức độ khủng hoảng khác nhau.

Hỏi: Khi nào các vấn đề tâm lý tuổi dậy thì có thể chuyển thành bệnh lý?

Đáp: Các vấn đề tâm lý tuổi dậy thì có thể chuyển thành bệnh lý khi:

- Gia đình của trẻ có tiền sử mắc bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, bệnh loạn thần.

- Trẻ gặp khủng hoảng tâm lý nhưng không được hỗ trợ kịp thời dẫn đến trẻ cảm thấy buồn chán, thất vọng và thấy bản thân thiếu giá trị. Lúc này, trẻ có thể tìm đến những “niềm vui mới” như chơi game, dùng chất kích thích và dần thu rút khỏi xã hội.

- Cha mẹ để con mắc khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì kéo dài quá dai dẳng mà không chữa trị.

- Trẻ bị lôi kéo, nghe lời những người có hành vi không tốt và thường xuyên gây gổ, đánh nhau, dùng chất kích thích có thể hình thành một số bệnh lý như rối loạn hành vi chống đối, rối loạn nhân cách chống đối xã hội,...

Hỏi: Nhóm đối tượng nào dễ mắc khủng hoảng tâm lý khi dậy thì?

Đáp: Một vài yếu tố khiến trẻ dễ mắc khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì, cụ thể như sau:

- Xuất thân từ nhóm yếu thế hơn so với bạn đồng trang lứa.

- Nhóm đối tượng tự ti về mặt thể chất: quá béo hoặc quá gầy, quá thấp hoặc quá cao.

- Trẻ thiếu sự đồng cảm, thiếu sự ghi nhận, khuyến khích, thiếu sự gần gũi từ gia đình và cha mẹ.

- Trẻ bị bắt nạt học đường, bắt nạt trên mạng xã hội.

- Trẻ có năng lực học tập không tốt.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì

Hỏi: Những hành vi như thế nào thì được coi là khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì?

Đáp: Thông thường cha mẹ cần phải quan sát biểu lộ, hành vi của trẻ thật kỹ để phát hiện con có bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì hay không. Cụ thể, trẻ sẽ có xu hướng trở nên bất thường, điển hình như:

- Con trở nên bướng bỉnh hơn, cãi hoặc quát lại cha mẹ.

- Con phát sinh vấn đề ở trường lớp như: đánh nhau, phá phách, chống đối thầy cô và bạn bè.

- Con có hành vi thu rút khỏi xã hội như: buồn hơn, ít nói, ít giao tiếp hơn hay thở dài.

- Con trở nên lười biếng hơn, không dọn dẹp phòng ngủ.

- Con chơi game vượt quá giới hạn cho phép.

- Mất tập trung trong học tập, kết quả học tập giảm sút.

- Con thường xuyên lo lắng biểu hiện rõ ràng trên mặt.

Ngoài ra, các dấu hiệu trên cơ thể cũng có thể cảnh báo các yếu tố tâm lý bất thường ở trẻ, vì vậy cha mẹ cần đặc biệt lưu ý và chú trọng:

- Thường xuyên đau đầu, chóng mặt, ù tai.

- Ăn uống vô độ hoặc chán ăn.

- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.

- Trào ngược dạ dày.

Con nổi loạn, ương bướng tuổi dậy thì, bố mẹ cần làm gì? Chuyên gia chỉ mẹo cực hay - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Cha mẹ cần phải quan sát biểu lộ, hành vi của trẻ thật kỹ để phát hiện con có bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì hay không.

Đồng hành cùng trẻ tuổi dậy thì

Hỏi: Cha mẹ nên là người ở bên cạnh con để cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì. Bác sĩ nghĩ sao về điều này?

Đáp: Cha mẹ nên là người đồng hành, kết nối và thấu hiểu con kể từ khi con chưa bước vào tuổi dậy thì. Quá trình này sẽ là bước đệm giúp con tin tưởng và chia sẻ với cha mẹ những lúc gặp khủng hoảng.

Hỏi: Cha mẹ nên làm gì khi con có dấu hiệu muốn ngắt kết nối và không muốn chia sẻ?

Đáp: Khi con có dấu hiệu muốn ngắt kết nối, cha mẹ cần làm những điều sau:

- Cha mẹ cần tạo sự kết nối với con trẻ trong cả cuộc sống.

- Cha mẹ cần tôn trọng con cái để con cái có không gian riêng tư.

- Khi con có dấu hiệu muốn ngắt kết nối, cha mẹ cần nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân bằng cách kết nối thêm với bạn bè, thầy cô của con.

- Cha mẹ cần cố gắng bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm với con bằng cách động viên, cử chỉ cơ thể, món quà đúng nhu cầu, dành thời gian trò chuyện với con,... Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý đừng kiểm soát cuộc sống của con quá mức.

- Chia sẻ những trải nghiệm, sai lầm mà chính bản thân cha mẹ đã từng trải qua ở giai đoạn dậy thì để tạo ra sự đồng cảm.

- Tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý để giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Con nổi loạn, ương bướng tuổi dậy thì, bố mẹ cần làm gì? Chuyên gia chỉ mẹo cực hay - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: Cha mẹ nên là người đồng hành, kết nối và thấu hiểu con kể từ khi con chưa bước vào tuổi dậy thì.

Hỏi: Cha mẹ nên làm thế nào để đồng hành cùng với con mà không xâm phạm quyền riêng tư của con?

Đáp: Cha mẹ có thể để ý những hành động, cử chỉ của con trong cuộc sống hàng ngày, để ý chuyện học tập của con để nhận thấy những thay đổi rõ rệt của con cái. Ngoài ra, cha mẹ có thể kết bạn hoặc theo dõi con trên các nền tảng mạng xã hội để hiểu con hơn.

Hỏi: Khi con bướng bỉnh, liên tục cáu gắt, nổi nóng cha mẹ nên làm gì?

Đáp: Cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân. Thông thường sẽ có một vài nguyên nhân sau đây:

- Do con học theo hành vi cáu gắt, la hét của cha mẹ.

- Do một nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng.

- Do thu hút sự chú ý của cha mẹ, mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn.

Nếu con ngỗ nghịch, la hét, chửi mắng bố mẹ, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tâm lý, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để điều trị.

Hỏi: Khi trẻ tò mò về vấn đề sinh lý, giới tính, cha mẹ nên xử trí vấn đề này thế nào?

Đáp: Trẻ cần được giáo dục đúng đắn về vấn đề sinh lý, giới tính để hình thành và nhận thức đúng đắn xu hướng tính dục và giới tính của bản thân. Ngoài ra, giáo dục giới tính sẽ giúp trẻ phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục và bảo vệ sức khoẻ sinh sản của bản thân.

Phòng tránh khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì

Hỏi: Các bệnh lý do khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì gây ra sẽ được chữa trị như thế nào?

Đáp: Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì có thể khiến trẻ hình thành các bệnh lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, stress quá mức, bệnh loạn thần, rối loạn cảm xúc,... Tất cả các bệnh lý này đều có thể điều trị bằng liệu pháp hoá dược, điều trị tâm lý, nhận tư vấn từ bác sĩ.

Hỏi: Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh khủng hoảng tuổi dậy thì?

Đáp:

- Cha mẹ cần giữ mối quan hệ tốt với con cái từ khi còn nhỏ.

- Cha mẹ cần quan sát, chú ý đến con nhiều hơn, đặc biệt là ở những lứa tuổi con dễ gặp khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì.

- Cung cấp đủ thông tin cho con để giúp con bớt bỡ ngỡ khi gặp các thay đổi về tâm sinh lý trong tuổi dậy thì.

- Nếu trong gia đình có người từng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc, để ý con hơn.

- Xây dựng nguyên tắc rõ ràng trong gia đình như cha mẹ con cái giúp đỡ lẫn nhau, chăm sóc, chia sẻ, tâm sự với nhau.

- Bố mẹ cần hoà hợp, ổn định sẽ giảm thiểu nguy cơ con gặp khủng hoảng tâm lý.

Con nổi loạn, ương bướng tuổi dậy thì, bố mẹ cần làm gì? Chuyên gia chỉ mẹo cực hay - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại