Ảnh minh họa/INT
Việc đưa ra ngay một câu trả lời xem ra cũng không phải là chuyện dễ dàng. Các nhà nghiên cứu đã nêu lên nhiều định nghĩa khác nhau về sức khỏe. Sự “bí ẩn” về thời gian sống của con người cũng đang tiếp tục được giải mã…
Tương tự như “xài không khí”?
Sức khỏe cũng giống như không khí chúng ta đang hít thở từng giờ, từng phút vậy. Có lẽ, tất cả chúng ta đều “xài” sức khỏe tương tự như “xài” không khí, để rồi có một lúc, trong một hoàn cảnh nào đó nghĩ về hai chữ “sức khỏe” trong sự nuối tiếc.
Có một câu nói rất lý thú: “Hãy ăn cháo khi chúng ta đang khỏe mạnh để biết rằng cháo ngon”. Theo cách đặt vấn đề này, chúng ta hãy quan tâm đến sức khỏe của mình ngay khi còn đang rất khỏe mạnh chứ không đợi đến khi không còn khỏe mạnh nữa thì mới quan tâm đến chuyện sức khỏe.
Đến nay, các nhà chuyên môn đã đưa ra khá nhiều định nghĩa về sức khỏe. Mỗi thời đại quan niệm về sức khỏe một khác. Trong cùng một thời đại giữa hai người cũng chưa chắc có định nghĩa về sức khỏe giống nhau. Có người cho rằng sức khỏe nghĩa là chẳng ốm đau, bệnh tật gì.
Chưa chắc, chí ít trong mỗi người không nhỏ hơn một lần nhìn thấy nhiều người chẳng hề có bệnh tật gì, nhưng sắc diện chẳng lấy gì làm tươi vui. Họ luôn ở trong tâm trạng bồn chồn lo lắng, ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên, lao động, học tập đều không có hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS) đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe: “Sức khỏe là tình trạng hoàn toàn thỏa mái về mặt thể xác, tinh thần và xã hội, chứ không phải là không có bệnh”.
Có lẽ, mỗi người nên thuộc lòng định nghĩa này để… phòng thân trong việc kiểm soát sức khỏe cho mình và để… “kiểm tra” khả năng hiểu về sức khỏe của người thân trong gia đình và những người xung quanh.
Chính sức khỏe dâng tặng cho con người tuổi thọ. Một nhà văn nước ngoài đã nói rất hay: “Thời hạn của con người tùy thuộc vào sức khỏe, còn sức khỏe thì do cuộc sống đã sống quyết định”. Thôi thì cứ cho rằng chúng ta sống “nghiêm chỉnh” đi. Vậy liệu tuổi thọ của chúng ta có theo kịp Ông Bành không nhỉ?
Ảnh minh họa/INT.
Đâu là con số cuối cùng?
Ông Bành là ai? Ông Bành còn gọi là cụ Bành Tổ. Truyền thuyết dân gian cho rằng đến mùa Xuân thứ 800 của cuộc đời, cụ mới chịu cưỡi hạc quy tiên. Nhưng tiếc rằng, cụ không còn để lại giấy chứng sinh hoặc chứng tử - nghĩa là chẳng có chút căn cứ khoa học nào để tôn vinh cụ. Nên truyền thuyết cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi!
Các nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ của con người từ xưa đến nay là một con số không chịu đứng yên. Nó luôn dịch chuyển từ thời đại này, sang thời đại khác, không ngừng tăng lên cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và văn minh nhân loại.
Theo một số học giả người Anh, qua nghiên cứu bia đá của người La Mã, tuổi thọ thời cổ xưa là… 22, thậm chí ở nhiều nước chỉ là… 17 tuổi. Mãi đến thế kỷ 18, tại những nước châu Âu phát triển, tuổi thọ trung bình mới nâng lên trên mức 30 tuổi. Ngày nay, tuổi thọ trung bình ở nhiều nước đã vượt con số 70, tức là vượt qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Việt Nam chúng ta may mắn nằm trong nhóm này.
Sau đây, xin kể lại câu chuyện của viện sĩ hàn lâm Y học Paris, ông A. Ghê-ri-ô, người sống đến 102 tuổi: Một hôm, viên cố đạo đi trên đường phố chợt thấy một ông già 80 tuổi (tất nhiên là hỏi ra mới biết) đang ngồi khóc trước nhà. Hỏi sao khóc, ông ta bảo rằng vừa bị bố đánh.
Gặp người bố này, viên cố đạo ngạc nhiên được biết ông ta đã 113 tuổi. Lúc đó người bố phân bua rằng ông đánh “thằng” quý tử là vì nó có biểu hiện thiếu lễ độ với ông nội nó! Người ông là một cụ già quắc thước đã bước vào tuổi… 143!
Thế nhưng, cha - con - ông - cháu này xét về mặt tuổi tác lại “lép vế” cha con một nông dân người Hungari. Năm 1905, người cha chết ở tuổi 185, người con lúc này đã là 155 tuổi !
Trường hợp sống lâu gần chúng ta nhất là một cụ ông người Iraq. Năm 1964, truyền hình đưa tin cụ vừa tròn 156 tuổi, và hiện đang sống khỏe mạnh (tiếc rằng không biết bao nhiêu năm sau cụ mất?).
Tuổi thọ của con người như tìm hiểu trên đây là một biến số. Qua các thời đại, nó dịch chuyển theo hướng đi lên. Câu hỏi: “Đâu là con số cuối cùng?” đã làm cho nhiều nhà khoa học tốn không biết bao nhiêu công sức và giấy bút. Biết đâu, sau này, trong thế hệ tuổi trẻ hiện tại cũng sẽ có những người đeo đuổi việc nghiên cứu tuổi thọ của con người.
Trong quá trình đi tìm lời giải về tuổi thọ con người, nhà bác học Búp-phông đã tìm thấy quy luật sinh học nêu lên sự tương quan giữa giai đoạn phát triển và tuổi thọ trung bình của các loài động vật: “Giai đoạn phát triển càng dài, thời gian sống càng dài”.
Kết thúc sự ngưng phát triển biểu hiện bằng sự ngừng dài ra của các xương. Ông thấy tuổi thọ của từng loài luôn gấp thời gian phát triển từ 5 - 6 lần giai đoạn phát triển. Ở con người, giai đoạn phát triển là 25 năm. Nên tuổi thọ sẽ là 125 - 150 tuổi.
Bằng nhiều phương pháp khác nhau, các nhà khoa học của nhiều nước cũng đi đến kết luận tương tự như vậy. Có người còn lạc quan cho rằng, con người có thể sống đến 200 tuổi, thậm chí còn hơn thế nữa. Có như vậy mới cắt nghĩa được những tuổi thọ kỷ lục như đã kể ở trên.