Đối với một người mà nói, thứ gì mới là đáng quý nhất?
Tôi từng đọc qua một câu trả lời rằng: thứ quý giá nhất của con người đó là thời gian và không gian không bị chiếm giữ.
Cái khoảng thời gian và không gian rảnh rỗi ấy thực ra là được dùng để sắp xếp lại bản thân, sắp xếp lại cơ thể và tâm hồn của chính mình. Tâm, càng đơn giản, đời người càng đáng quý và giàu có.
01
Cuộc sống đơn giản, ắt tự tại
Sống trong xã hội hiện đại, mọi người ai cũng đều có hàng chục hoặc hàng trăm phần mềm trong điện thoại di động của mình, chẳng hạn như mạng xã hội, nghe nhạc, xem phim, trò chơi giải trí hay ứng dụng gọi món ăn.
Dường như việc gì cũng cần có một vài phần mềm trợ giúp, cảm giác như thiếu đi một cái là thiếu đi một sự lựa chọn đáng giá, mà không biết rằng, cũng chính vì đối mặt với quá nhiều lựa chọn như vậy mà chúng ta mới thường xuyên hao phí tâm sức, rơi vào tình huống khó khăn.
Cũng giống như cái gọi là "nhiều là ít, mà ít ngược lại chính là nhiều". Đơn giản, mới là trí tuệ của cuộc sống, mới là cái đẹp thực sự của cuộc đời.
Năm 1664, bức tượng điêu khắc "David" của Michelangelo sau khi được trưng bày tại Ý đã gây chấn động cả Châu Âu. Có người hỏi ông: "Ông đã tạo ra David như thế nào?"
Michelangelo đáp: "Tôi đã đục đi những mảng đá thừa, chỉ để lại cái phần đá có ích, vậy là "David" ra đời."
Sau đó, Michelangelo đã nói một câu nói nổi tiếng rằng: "Đẹp, chính là quá trình thanh lọc đi những gì dư thừa."
Thật trùng hợp, nhà điêu khắc Auguste Rodin khi được hỏi "Thế nào là nghệ thuật", cũng đã không do dự mà trả lời rằng: "Bỏ đi những bộ phận dư thừa".
Nghệ thuật là vậy, cuộc sống lại càng hơn vậy.
Trong cuộc sống của chúng ta, thực ra hơn 90% mọi chuyện đều là bạn đang tự vắt kiệt chính mình, tức là, mỗi khi đưa ra một lựa chọn nào đó, là khi ấy bạn sẽ làm tiêu hao đi một phần năng lượng tâm lý, mỗi một lần tiêu hao đi một chút năng lượng tâm lý, chức năng điều hành của bạn sẽ giảm đi một chút.
Cuộc sống của chúng ta, bất kể là điện thoại có quá nhiều phần mềm, trong nhà có quá nhiều đồ dùng, hay trong cuộc sống có quá nhiều những mối xã giao không cần thiết, thực ra, tất cả đều đang làm tiêu hao đi tâm lực và năng lượng của chúng ta.
Không gian tâm hồn của một người là có giới hạn, chỉ khi cuộc sống đủ đơn giản, tâm hồn mới có không gian để mở rộng, phát triển, và chứa đựng những điều quan trọng hơn của cuộc đời.
02
Ham muốn đơn giản, chính là giàu có
Có một câu chuyện nhỏ như này:
Một ngư dân ngồi bên hồ câu cá, mỗi lần câu một con cá lên, anh lại lấy thước ra để đo, con cá nào lớn hơn cái thước, anh đều sẽ vứt trở lại hồ. Mọi người xung quang không hiểu, hỏi anh vì sao lại làm như vậy.
Anh thong dong trả lời: "Cái chảo nhà tôi chỉ lớn bằng cái thước này, cá to quá không cho vừa chảo."
Không để khát vọng, ham muốn che lấp đi cái tâm, "đủ dùng là được" cũng chính là một thái độ sống đơn giản.
Henry David Thoreau từng nói: "Một người, buông được càng nhiều, càng giàu có. Một người mong muốn càng nhiều, càng muốn khoe khoang cái gì đó, càng có nghĩa là nội tâm anh ta đang thiếu đi những thứ đó."
Người có nội tâm giàu có trước giờ không bao giờ khoe khoang tất cả những gì mình có.
Anh ta sẽ không nói với người khác mình lái xe gì, đi qua những đâu, mặc những bộ quần áo ra sao, mua những chiếc vòng ngọc nào, bởi lẽ những vật ngoài thân ấy, không cần thiết phải quá để ý.
Một người, ham muốn với vật chất càng đơn giản, nội tâm của anh ta càng đầy ắp và giàu có.
03
Tâm hồn đơn giản, chính là hạnh phúc
Hạnh phúc, là cái đích đến của mỗi người. Nhưng hạnh phúc, không tới từ việc bạn sở hữu vật chất bao nhiêu mà tới từ trong tâm hồn.
Lev Nikolayevich Tolstoy từng nói: Càng lớn tuổi, sinh mệnh càng trở nên "tinh thần hóa".
Thực ra mỗi người chúng ta, khi ngày càng trôi đi xa hơn trên con đường đời, mới chợt nhận ra, dù vật chất bên ngoài nhiều tới đâu, thì suy cho cùng cũng sẽ không thể sánh được bằng sự đầy ắp và phong phú về mặt tinh thần.
Cũng giống như câu nói, thế giới là của bản thân, nó trước giờ chưa từng có quan hệ trực tiếp tới bất cứ ngoại vật nào khác.
Sau khi đã trải qua biết bao thăng trầm và khó khăn, nhánh sông vận mệnh của chúng ta cuối cùng cũng sẽ đổ về thung lũng, nơi nó hội tụ với những nhánh sông cuộc đời khác thành một hồ nước lớn.
Cuộc đời, chính là quá trình không ngừng buông bỏ và có được, buông bỏ những xiềng xích vô dụng trong cuộc sống, thứ có được chính là sự giàu có thực sự trong nội tâm.
Nội tâm càng đơn giản, càng dễ dàng tận hưởng được niềm vui của thế gian.
Có người hỏi: vì sao người khác có thể sống cuộc đời của mình đơn giản như vậy?
Đó thực ra là bởi vì bạn chỉ biết chăm chăm nhìn vào cuộc đời của người khác mà quên mất việc sắp xếp lại cuộc sống của chính mình.
Trong bức màn của sự ghen tị với người khác, cuộc sống của bạn đồng thời cũng bị che lấp, bạn không thể nhìn thấy diện mạo vốn nên có của cuộc đời mình.
Từ bỏ những gông cùm của ham muốn vật chất và những tương tác xã hội vô nghĩa, hãy để trái tim trở về với sự đơn giản và thuần khiết, nội tâm khi đã phong phú và an nhiên rồi, cuộc sống mới trở nên ung dung, ta cũng mới có thể nhẹ nhàng tiến về phía trước.
Cuộc đời chúng ta, thực ra luôn là quá trình đi từ đơn giản tới phức tạp, rồi lại từ phức tạp quay trở về với sự giản đơn. Sự đơn giản là lựa chọn và chốn quay về cuối cùng của chúng ta, là nơi mà sự phong phú và hạnh phúc tồn tại.
Tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể nhận ra và thực sự tận hưởng được niềm hạnh phúc đơn giản này trong thời gian sớm nhất.