Ngày nay, thay vì thư từ hay điện thoại có dây, người ta liên lạc dễ dàng hơn thông qua smartphone cùng các ứng dụng tin nhắn, mạng xã hội. Phương thức này trở thành cách trao đổi phổ biến ngay cả ở môi trường làm việc, học tập. Với phụ huynh, đây là kênh thông tin liên lạc nhanh chóng, tiện lợi nhất với giáo viên để họ nắm bắt được tình hình của con mình tại lớp.
Bố của Hào Hào, một cậu nhóc đang học tiểu học là người khá bận rộn với công việc. Một ngày nọ, khi đang dở tay trên máy tính vì công việc ở công ty, anh nhận được tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm của Hào Hào gửi đến nhóm chat chung có mặt tất cả các phụ huynh. Tin nhắn có nội dung là phê bình, chỉ trích con của anh vì đã ngủ gật trong lớp vào giờ học buổi chiều.
Cô giáo không ngừng nặng lời với ông bố và cho rằng gia đình của cậu bé đã không biết dạy dỗ, giáo dục con cái đúng cách để cậu bé ngủ gật trong lớp. Chuyện cô giáo thông báo tình hình của học trò về cho gia đình hay lên tiếng, góp ý về những điều chưa tốt của con trẻ cho bố mẹ là điều dễ hiểu nhưng điều không hợp lý lắm là việc cô giáo đã gửi thẳng những dòng chat này trong nhóm phụ huynh. Không những thế, nữ giáo viên còn đăng tải thêm một bức ảnh Hào Hào đang ngủ gật.
Nghĩ đến lời nói của giáo viên có thể làm tổn thương lòng tự trọng của đứa trẻ, thậm chí có thể bị các bạn học khác chê cười, người bố đã lên tiếng giải thích: "Hôm qua có việc đột xuất khi bà ngoại Hào Hào bị bệnh, vợ tôi phải về đó để chăm sóc bà và dẫn theo con. Do đó, Hào Hào hôm qua phải ngủ muộn hơn mọi ngày vì về nhà trễ!"
Sau đó, người bố thẳng thắn nói rằng: "Cô có biết việc chỉ trích con trước mặt nhiều bậc cha mẹ như vậy sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương đến mức nào không?"
Tiếp tục, người bố còn thẳng thừng nhắn: "Cô không xứng đáng là một giáo viên!"
Dù màn phản biện này có phần gay gắt nhưng các phụ huynh đều lên tiếng ủng hộ bố của Hào Hào và cho rằng, giáo viên nên tìm hiểu kỹ lý do của vấn đề trước khi chỉ trích hay phê bình học trò.
Trên thực tế, trong cách cư xử hàng ngày của chúng ta với con cái, nhiều bậc cha mẹ cũng sẽ gặp vấn đề tương tự. Khi thấy trẻ mắc lỗi sẽ phê bình và trừng phạt con dù bất kể lý do có là gì, nhưng bố mẹ ít nghĩ rằng việc quy chụp khi chưa phân định đúng sai sẽ khiến trẻ bị tổn thương. Từ đó, đứa bé sẽ dễ trở nên ương ngạnh, có tính cách hướng nội và không dám bày tỏ ý kiến hay suy nghĩ của mình.
Vậy cha mẹ sẽ làm gì khi phát hiện ra con mình mắc lỗi?
- Xác định người làm sai
Trước hết, chúng ta nên xác nhận xem đó là lỗi của trẻ hay lỗi ở ai. Ví dụ, đứa trẻ không làm hỏng đồ vật, nhưng cha mẹ coi người làm hỏng là con như một lẽ đương nhiên và chỉ trích, trừng phạt đứa trẻ sẽ rất thiệt thòi cho đứa bé. Do đó, hãy tìm hiểu xem con có thực sự phải là người gây chuyện trước khi có những động thái tiếp theo.
- Tìm hiểu lý do và giữ bình tĩnh
Cha mẹ chỉ có thể quyết định phạt con như thế nào sau khi hiểu lý do, thay vì chỉ trích con khi thấy con phạm lỗi. Nếu là do trẻ chưa cẩn thận thì nhẹ nhàng khuyên bảo còn nếu là điều trẻ cố ý thì có những biện pháp nghiêm khắc hơn.
- Đồng cảm với hành vi của trẻ
Tất nhiên, cha mẹ không thể đánh giá hành vi của con mình dựa trên suy nghĩ của người lớn, suy cho cùng, con cái chưa trưởng thành như cha mẹ về nhận thức và suy nghĩ, vì vậy chúng ta cũng nên thông cảm và giúp trẻ hiểu đúng và tránh mắc những sai lầm tương tự.
Theo Sohu