Cậu bé Kiki (tên gọi ở nhà), 7 tuổi, ở Trung Quốc, có tính cách vui vẻ và nghịch ngợm. Một hôm trong lúc đi thang máy với mẹ, Kiki bày trò, ấn hết tất cả các nút bên trong.
Vốn chỉ muốn trêu mẹ cho vui, Kiki không ngờ trò đùa của mình khiến những người đi cùng hết sức giận dữ và mắng:
“Đứa trẻ này sao hư thế? Không ai dạy dỗ à?”.
“Tôi đang phải về nhà nấu ăn gấp mà nó nghịch như vậy! Lãng phí hết thời gian của tôi”.
“Nghịch quá, sao ấn loạn hết thang máy lên thế này”.
“Bọn trẻ con bây giờ càng ngày càng đáng ghét, không biết chút phép tắc nào cả”.
Cậu bé Kiki nghịch ngợm ấn hết các nút thang máy.
Bị người lớn mắng, Kiki sợ hãi, đỏ bừng mặt vì xấu hổ và không biết phải làm gì để sửa sai. Cậu bé không ngờ hành động nhỏ của mình lại gây nhiều phiền toái cho người khác như thế. Kiki cúi gằm mặt, nước mắt chực trào ra.
Đúng lúc này, mẹ cậu bé mới bảo:
“Thành thật xin lỗi mọi người. Con tôi không phải là không được dạy dỗ tốt, chỉ là cháu có chút nghịch ngợm. Giờ cháu đã biết lỗi rồi. Kiki, con hãy xin lỗi các bác, các cô chú đi”.
“Cháu xin lỗi ạ…”.
“Kiki, đợi một lúc nữa, thang máy ngừng ở tầng nào thì con hãy báo cho mọi người biết là ở tầng mấy, sau đó con hãy chân thành nói 'Con xin lỗi đã gây phiền phức cho các bác' được không?”, mẹ Kiki nói tiếp với con trai.
Kiki vội vàng gật đầu và cảm thấy đỡ bối rối hơn. Sau đó khi thang máy dừng tại mỗi tầng, cậu bé đều nghiêm túc báo số tầng, đồng thời ngoan ngoãn nói: “Cháu xin lỗi vì đã gây phiền phức cho bác”.
Ban đầu, mọi người đều rất tức giận nhưng trước cách xử trí tinh tế của mẹ Kiki và thái độ hối lỗi của cậu bé thì đều dịu lại. Nhiều người mềm lòng xua tay: “Không sao đâu cháu, việc cũng không to tát”.
“Không sao ạ, bác cứ cho cháu cơ hội sửa sai để lần sau không nghịch ngợm nữa”, mẹ Kiki nói.
Dần dần mọi người trong thang máy đều ra hết, có người trước khi đi còn quay lại động viên Kiki: “Cám ơn cháu nhé”.
Kiki cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm và tươi cười trở lại. Sau lần đó, cậu bé không dám ấn loạn thang máy nữa, không chỉ vậy còn nhắc nhở những đứa trẻ khác: “Này, đi thang máy cần phải giữ trật tự đấy”.
Có thể thấy, nhờ cách xử lý đầy tinh tế và trách nhiệm của mẹ mà cậu bé Kiki đã kịp thời sửa sai, không chỉ vậy còn học được điều tốt và nhắc nhở mọi người xung quanh cùng làm theo.
Khi con làm sai, bố mẹ đừng bào chữa
Khi con làm sai việc gì đó và bị người xung quanh phê bình, bố mẹ đừng cố bào chữa mà hãy thẳng thắn nhận lỗi như mẹ của Kiki.
Điều này giúp con học được cách thừa nhận lỗi lầm, phân biệt đúng sai và sống có trách nhiệm. Một số bố mẹ thường có thói quen bao biện: “Chúng vẫn là trẻ con” hay “Trẻ con đã biết gì, đừng chấp”.
Kết quả là con không rút sai và ngày càng nổi loạn, ngỗ ngược hơn.
Sống trong môi trường tập thể, đứa trẻ có tính cách này dễ bị bạn bè ghét bỏ, cô lập.
Hãy dạy con những nghi lễ cơ bản
Trẻ nhỏ được ví như một tờ giấy trắng và ngoan ngoãn hay hư đều là do bố mẹ “tô vẽ” lên. Muốn con cư xử tốt, đặc biệt là ở nơi công cộng, bố mẹ hãy dạy con các quy tắc cơ bản, những kỹ năng xã hội như nói xin chào, cảm ơn, xin lỗi…
Đây đều là những câu đơn giản nhưng khi nói nhiều sẽ dần thành thói quen, giúp con lớn lên trở thành người khiêm tốn, lịch sự.
Hãy nhắc nhở con không làm phiền người khác
Bố mẹ hãy dạy cho con những phép lịch sự ở nơi công cộng và đùa nghịch, la hét ở những khu vực này là mất lịch sự.
Trước khi ra ngoài, bố mẹ cũng nên giao ước trước với con về việc không gây ồn ào ở ngoài, khi con sai phạm thì phải nhắc nhở ngay. Nếu con làm tốt, bố mẹ đừng tiếc lời khen ngợi hay phần thưởng.
Cho con kết giao với những người bạn lễ phép
Một đứa trẻ có được giáo dục tốt hay không thường biểu hiện ra trong sự tương tác giữa người với người. Do đó, để con kết bạn với những bạn bè tương đồng là rất cần thiết.
Trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu bạn của con cũng là đứa trẻ lễ phép, biết cư xử đúng mực thì con sẽ học hỏi được nhiều điều. Đây cũng là cách giúp bố mẹ giảm gánh nặng trong việc giáo dục con.