Thời gian qua, số ca bệnh tay chân miệng gia tăng, phía Nam đã ghi nhận trường hợp trẻ tử vong. Theo khuyến cáo của chuyên gia, sự quay trở lại của chủng virus EV71 có thể làm gia tăng số ca mắc và tử vong do tay chân miệng trong mùa dịch năm nay. Do vậy, trẻ mắc tay chân miệng dù nhẹ vẫn cần phải theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu chuyển nặng.
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, chuyên khoa Nhi (từng làm tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố) đã hết lời khen gợi hành động của một người mẹ giúp con tránh được những biến chứng do tay chân miệng gây ra.
Bác sĩ Sang chia sẻ mẹ của bệnh nhi 26 tháng tuổi có nhắn tin chia sẻ với bác sĩ rằng con mắc tay chân miệng nhưng không sốt,chỉ có một vài bóng nước ở chân. Tuy nhiên, mẹ bệnh nhi không rõ trong họng con có nốt hay không vì bé không hợp tác soi họng.
Bé đang được điều trị tại bệnh viện (ảnh BSCC)
"Tôi có chia sẻ với mẹ nên theo dõi con và chú ý tới những dấu hiệu chuyển nặng. Quá trình chăm sóc con, mẹ bé không thấy con sốt nhưng thấy con lừ đừ hơn. Linh cảm của người mẹ mách bảo con không ổn, người mẹ đã đưa con vào bệnh viện gần nhà khám, phát hiện bé có thêm bóng nước ở trong họng, lòng bàn tay không có", bác sĩ Sang nói.
Trong quá trình theo dõi tại bệnh viện, bé lên cơn co giật, tím tái. Các bác sĩ kịp thời cấp cứu cho con, chống co giật, thở oxy và ngay lập tức chuyển con vào Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Theo mẹ bé, năm ngoái con từng bị mắc tay chân miệng độ 2. Năm nay, bé mắc nhẹ không sốt nhưng vẫn chuyển độ nặng.
Trong tuần 25, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 779 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi (116,2%) so với trung bình 4 tuần trước (360 ca); trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần. Số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là 3.736 ca, thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022 (7.144 ca).
Bác sĩ Sang lưu ý tay chân miệng hiện chưa có vaccine để tiêm phòng ngừa. Cách phòng bệnh duy nhất là cách ly bé bệnh với bé bình thường 7-10 ngày từ khi nổi bóng nước. Hơn 90% ca mắc tay chân miệng tự khỏi, không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần chăm sóc loét miệng, cho đồ ăn lạnh, bôi giảm đau miệng… và quan trọng là theo dõi dấu hiệu chuyển nặng. Tái khám và trao đổi với bác sĩ cũng rất quan trọng.
Dấu hiệu chuyển nặng khi mắc tay chân miệng là lừ đừ, quấy liên tục không rõ lý do, bỏ bú, nôn ói liên tục, giật mình chới với, run chi.